Khẳng định vai trò của Công đoàn Việt Nam ở cấp quốc gia và quốc tế

Tôi đánh giá rất cao kết quả làm việc của Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 trong việc chuẩn bị hồ sơ dự thảo nghị quyết. Để tiếp tục hoàn thiện dự thảo, tôi xin có 2 ý kiến góp ý như sau:

Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khóa XIII, nhiệm kỳ 2023-2028. Ảnh tư liệu: TTXVN

Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khóa XIII, nhiệm kỳ 2023-2028. Ảnh tư liệu: TTXVN

Việc sửa đổi, bổ sung Điều 10 Hiến pháp năm 2013 đã bổ sung cụm từ về Công đoàn Việt Nam "là đại diện của người lao động ở cấp quốc gia trong quan hệ lao động và quan hệ quốc tế về công đoàn”, là cần thiết để khẳng định vai trò không thể thay thế của Công đoàn Việt Nam trong đại diện cho giai cấp công nhân và người lao động ở cấp quốc gia và quốc tế. Tuy nhiên, Luật Công đoàn 2012, Luật Công đoàn 2024 cũng như Luật Công đoàn đang được xem xét sửa đổi tại Kỳ họp thứ chín của Quốc hội đều quy định Công đoàn Việt Nam gồm nhiều cấp, trong đó cấp Trung ương là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Trên thực tế, chỉ có tổ chức công đoàn ở cấp Trung ương, tức Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là có thẩm quyền đại diện của người lao động ở cấp quốc gia và quốc tế về công đoàn, như tham gia Hội đồng Tiền lương quốc gia, tham gia các hoạt động của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) và tham gia là thành viên của Liên hiệp Công đoàn thế giới. Nếu quy định chung như dự thảo là "Công đoàn Việt Nam", có thể dẫn đến cách hiểu là tất cả các cấp công đoàn bao gồm cả công đoàn cơ sở cũng có thẩm quyền này. Điều này không phù hợp thực tế và không thuận lợi, nhất là khi có sự hình thành các tổ chức đại diện khác của người lao động ở cơ sở. Do đó, cần xem xét bổ sung cụm từ "cơ quan Trung ương của Công đoàn Việt Nam" vào trước cụm từ "là đại diện của người lao động ở cấp quốc gia trong quan hệ lao động và quan hệ quốc tế về công đoàn".

Hai, về sửa đổi, bổ sung Điều 115, đề nghị cân nhắc quy định bỏ thẩm quyền chất vấn của đại biểu Hội đồng nhân dân đối với Chánh án Tòa án nhân dân, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân. Theo tôi, chất vấn là một công cụ giám sát quan trọng, nhằm bảo đảm các cơ quan nhà nước chịu trách nhiệm giải trình trước đại biểu dân cử và nhân dân. Nếu cho rằng việc chất vấn của đại biểu Hội đồng nhân dân đối với chánh án và viện trưởng làm ảnh hưởng đến tính độc lập của tư pháp thì sẽ rất khó lý giải việc chất vấn của đại biểu Quốc hội đối với Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao và Viện trưởng Viện kiểm sát Nhân dân Tối cao. Đồng thời, hoạt động chất vấn của đại biểu Hội đồng nhân dân không nhằm can thiệp vào nội dung xét xử hay truy tố một vụ án cụ thể mà tập trung vào trách nhiệm quản lý, việc tổ chức thi hành và tuân thủ pháp luật của chánh án và viện trưởng. Vì vậy, việc duy trì quyền chất vấn là cần thiết để bảo đảm tính công khai, minh bạch và trách nhiệm trong hoạt động tư pháp. Hơn nữa, theo dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Tòa án nhân dân và Luật sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp này thì mô hình tổ chức của tòa án nhân dân và viện kiểm sát dân có 3 cấp: Tối cao, cấp tỉnh và khu vực. Như vậy, việc trao quyền giám sát, nhất là quyền chất vấn cho đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh đối với Chánh án Tòa án nhân dân và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh là phù hợp và khả thi.

Tiến sĩ PHẠM TRỌNG NGHĨA, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/cac-van-de/khang-dinh-vai-tro-cua-cong-doan-viet-nam-o-cap-quoc-gia-va-quoc-te-830238
Zalo