Khẳng định năng lực, bản lĩnh vượt khó trong tham gia cứu hộ, cứu nạn
Sau khi đoàn Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam kết thúc hoạt động hỗ trợ khắc phục hậu quả động đất tại Thủ đô Naypyidaw và chuẩn bị lên đường về nước, phóng viên Báo QĐND đã phỏng vấn Thiếu tướng Phạm Văn Tỵ, Phó cục trưởng Cục Cứu hộ - Cứu nạn (Bộ Tổng Tham mưu), Trưởng đoàn, về kết quả thực hiện nhiệm vụ của đoàn QĐND Việt Nam trong những ngày ở Myanmar.
Phóng viên (PV): Trước hết, xin đồng chí thông tin về những kết quả mà đoàn QĐND Việt Nam đạt được trong quá trình sang hỗ trợ nước bạn Myanmar khắc phục hậu quả động đất?
Thiếu tướng Phạm Văn Tỵ: Thực hiện chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã cử đoàn gồm 80 đồng chí sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp sang Myanmar tham gia cứu hộ động đất từ ngày 30-3.
Ngay khi đến sân bay Yangon, đoàn đã di chuyển bằng đường bộ hơn 500km đến Thủ đô Naypyidaw, trong đêm và sáng hôm sau tiến hành làm việc với các cơ quan chức năng liên quan của Myanmar để xác định khu vực tìm kiếm, cũng như phương pháp phối hợp nhằm bảo đảm công tác tìm kiếm được thuận lợi và hiệu quả nhất.
Tại Naypyidaw, đoàn triển khai nhiệm vụ tìm kiếm các nạn nhân tại 3 vị trí: Khu chung cư Bala Tidi, Bệnh viện Ottara Thiri và Khách sạn Aye Chan Thar. Tại 3 vị trí này, đoàn đã sử dụng chó nghiệp vụ cùng các thiết bị tìm kiếm chuyên dụng để phát hiện 32 vị trí có nạn nhân mắc kẹt dưới đống đổ nát, và trực tiếp tổ chức tìm kiếm ở 20 vị trí, đưa ra ngoài 21 thi thể nạn nhân.
Đặc biệt, đoàn đã phối hợp với lực lượng cứu hộ của Myanmar và Thổ Nhĩ Kỳ cứu sống 1 nam thanh niên 26 tuổi trong sự trân trọng của người dân địa phương và lực lượng cứu hộ của nước bạn. Ngoài ra, cũng tại các vị trí này, đoàn đã tìm thấy nhiều tài sản, trang thiết bị có giá trị lên tới hàng trăm nghìn USD, sau đó bàn giao lại cho Bệnh viện Ottara Thiri và người dân.

Thiếu tướng Phạm Văn Tỵ, Trưởng đoàn cứu hộ QĐND Việt Nam. Ảnh: ANH VŨ
Cũng cần nói thêm rằng, môi trường ở các khu vực mà đoàn triển khai tìm kiếm rất khắc nghiệt, nắng nóng, nhiệt độ thường hơn 40 độ C, các tử thi bị phân hủy nặng hoặc bị ngập sâu trong nước nên rất ô nhiễm; mặt bằng, không gian ở những nơi bị sập đổ tiềm ẩn nguy hiểm đối với lực lượng cứu hộ trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Qua các cuộc trao đổi với phía Myanmar, chúng tôi được biết, trước đó, một số đoàn cứu hộ nước ngoài đã đến khảo sát các vị trí này nhưng đều rời đi do tính chất phức tạp, nguy hiểm. Cục trưởng Cục Cứu hỏa, cứu hộ, cứu nạn (Bộ Nội vụ Myanmar) rất trân trọng những kết quả nói trên và cho biết đoàn Việt Nam là đoàn tìm thấy nhiều thi thể nạn nhân nhất, đồng thời có nhiều hoạt động ý nghĩa nhất trong số các đoàn cứu hộ nước ngoài đến Thủ đô Naypyidaw.
Bên cạnh công tác cứu nạn, đoàn đã tiến hành các hoạt động nhân đạo tại nơi bị ảnh hưởng bởi động đất, trong đó đã hỗ trợ và bàn giao cho phía Myanmar 40 tấn lương khô, một số lều bạt (chưa kể số hàng Bộ Quốc phòng vừa quyết định hỗ trợ thêm); các thành viên trong đoàn quyên góp được 5.000 USD để hỗ trợ gia đình các nạn nhân; tổ chức khám và cấp phát thuốc miễn phí cho hơn 200 lượt người dân địa phương, trong bối cảnh các bệnh viện ở Naypyidaw bị tàn phá bởi động đất, thiếu thuốc men, trang thiết bị y tế.
Ngoài ra, trong thời gian ở Myanmar, đoàn đã thực hiện tốt các hoạt động đối ngoại, giao lưu tiếp xúc và chia sẻ kinh nghiệm cứu hộ, cứu nạn với các cơ quan chuyên môn của Myanmar, Thổ Nhĩ Kỳ, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE).
PV: Đoàn QĐND Việt Nam đã đúc rút được điều gì sau chuyến đi lần này, thưa đồng chí?
Thiếu tướng Phạm Văn Tỵ: Có thể khẳng định, việc QĐND Việt Nam cử lực lượng sang tham gia cứu hộ động đất ở Myanmar đã góp phần lan tỏa tinh thần quốc tế cao cả, truyền thống tốt đẹp của dân tộc và phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, và đặc biệt có ý nghĩa sâu sắc trong quan hệ Việt Nam-Myanmar, qua đó chia sẻ và giúp nhân dân nước bạn vượt qua những khó khăn trong giai đoạn hiện nay.
Lực lượng chức năng của nước bạn cũng như lực lượng cứu hộ các nước rất trân trọng và đánh giá cao về tính chuyên nghiệp, trình độ chuyên môn, lòng dũng cảm, sự thông minh, sáng tạo của lực lượng công binh, quân y, chó nghiệp vụ biên phòng của đoàn QĐND Việt Nam trong việc tìm kiếm, cứu hộ các nạn nhân, đặc biệt là các trường hợp khó mà nước sở tại và một số đội cứu hộ nước ngoài không thể thực hiện được. Chuyến tham gia hỗ trợ khắc phục hậu quả động đất tại Myanmar đã đem tới những kinh nghiệm quý giá để lực lượng cứu hộ, cứu nạn của QĐND Việt Nam tiếp tục nâng cao năng lực chuyên môn; và theo tôi, những kinh nghiệm này cần được tổng kết, rút kinh nghiệm, quy chuẩn thành tài liệu tham khảo để phục vụ cho việc cử các đoàn cứu hộ ra nước ngoài và làm việc trong môi trường đa quốc gia trong tương lai.
Một điều nữa khiến mỗi thành viên trong đoàn đều cảm thấy rất tự hào là ở các khu vực đoàn đi qua hoặc triển khai tìm kiếm nạn nhân, chúng tôi luôn được người dân địa phương chào đón, hỗ trợ nước uống, kèm theo đó là những lời cảm ơn chân thành, sâu sắc, xuất phát từ đáy lòng của họ.
PV: Sau những ngày thực hiện nhiệm vụ với cường độ cao và gặp rất nhiều khó khăn, sức khỏe, tinh thần của các thành viên trong đoàn hiện như thế nào, thưa đồng chí?
Thiếu tướng Phạm Văn Tỵ: Trong quá trình triển khai công tác chuẩn bị và triển khai tại thực địa, đoàn đã nhận được sự chỉ đạo sát sao, quan tâm, động viên của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và các cơ quan, đơn vị liên quan. Ngay từ khi đặt chân đến Myanmar, đoàn cũng nhận được sự hỗ trợ hiệu quả từ Đại sứ quán, Cơ quan Tùy viên Quốc phòng Việt Nam tại Myanmar, Mytel - liên doanh của Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) tại Myanmar. Sự hỗ trợ, động viên kịp thời đó cùng với tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, kỷ luật, năng lực và bản lĩnh vượt khó của mỗi thành viên trong đoàn, là những yếu tố giúp chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Cả đoàn hiện vẫn giữ được sức khỏe, tinh thần tốt và đặc biệt rất phấn khởi vì đã hoàn thành nhiệm vụ đầy ý nghĩa, đó là giúp đất nước và người dân Myanmar vơi đi những đau thương, mất mát do thảm họa động đất.
Với tinh thần trách nhiệm, sự nỗ lực và những kết quả đạt được trong công tác hỗ trợ nước bạn, đoàn đã được Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng gửi thư biểu dương và động viên. Chỉ huy đoàn cũng đã đề nghị Bộ Quốc phòng có hình thức khen thưởng phù hợp cho các đơn vị, cá nhân hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong tham gia cứu hộ động đất tại Myanmar, qua đó động viên, biểu dương kịp thời cho đoàn.
PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí Trưởng đoàn!