Khẩn trương đưa trẻ đi tiêm vaccine phòng bệnh sởi đúng lịch, đủ liều

Ngày 21/9, bác sĩ Tôn Thất Toàn, Phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Khánh Hòa đã có cuộc trao đổi với PV Báo Sức khỏe và Đời sống về việc tuyên truyền cho phụ huynh trên địa bàn đưa trẻ đi tiêm vaccine phòng bệnh sởi.

PV. Thưa bác sĩ, tình hình bệnh sởiKhánh Hòa hiện nay thế nào?

Bác sĩ Tôn Thất Toàn: Từ đầu năm đến nay, Khánh Hòa ghi nhận hơn 20 trường hợp mắc bệnh sởi. Các trường hợp này chủ yếu đến tỉnh khác bị lây bệnh sởi rồi về Khánh Hòa.

Để hạn chế số ca mắc bệnh sởi, hệ thống y tế dự phòng ở Khánh Hòa đã tăng cường giám sát, phát hiện sớm nhất ca mắc bệnh sởi tại cộng đồng, cơ sở khám chữa bệnh để triển khai các biện pháp xử lý, không để lây lan.

PV. Thưa ông, với bệnh sởi, vaccine phòng bệnh có vai trò gì và địa phương đang triển khai giải pháp nào để tăng tỉ lệ tiêm chủng vaccine phòng bệnh sởi?

Bác sĩ Tôn Thất Toàn: Vì chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nên vaccine phòng bệnh sởi đóng vai trò rất quan trọng. Sau khi tiêm, vaccine sẽ giúp cơ thể tạo ra miễn dịch, phòng ngừa bệnh sởi.

Hiện nay, chúng tôi đã quán triệt đến tất cả trường học cấp mầm non, tiểu học ở Khánh Hòa khẩn trương phối hợp với Trạm Y tế các xã, phường thống kê ngay số trẻ từ 6 tuổi trở xuống chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ liều vaccine phòng bệnh sởi để tuyên truyền cho phụ huynh đưa các em đi tiêm.

Theo bác sĩ Tôn Thất Toàn (bên phải), các gia đình cần đưa con đi tiêm vaccine phòng bệnh sởi đủ liều.

Theo bác sĩ Tôn Thất Toàn (bên phải), các gia đình cần đưa con đi tiêm vaccine phòng bệnh sởi đủ liều.

Hiện nay, một số nơi đã ghi nhận nhiều ca mắc bệnh sởi, việc tuyên truyền cho phụ huynh đưa trẻ đi tiêm vaccine đủ 2 liều được chúng tôi ưu tiên hàng đầu. Mục tiêu của chúng tôi là từ nay đến cuối năm, khoảng 90% trẻ trong độ tuổi tiêm vaccine phòng bệnh sởi được tiêm đủ liều.

PV. Cùng với việc khẩn trương huy động phụ huynh đưa trẻ đi tiêm chủng, các gia đình cần lưu ý gì để sớm nhận biết con mình có thể đã mắc bệnh sởi thưa ông?

Bác sĩ Tôn Thất Toàn: Bệnh sởi lây lan qua đường hô hấp, qua các giọt bắn của người mắc bệnh. Thời gian ủ bệnh trung bình từ 8 đến 14 ngày và triệu chứng đặc trưng nhất khi phát bệnh là sốt, phát ban.

TIêm vaccine phòng bệnh sởi là cần thiết với trẻ.

TIêm vaccine phòng bệnh sởi là cần thiết với trẻ.

Vậy nên, các gia đình ngay khi phát hiện con mình, nhất là trẻ dưới 5 tuổi có các triệu chứng của bệnh sởi ở giai đoạn nhẹ như sốt, ho, chảy nước mũi, cần đưa ngay đến cơ sở y tế để được tư vấn, thăm khám.

Ở giai đoạn nặng hơn của bệnh sởi là phát ban từ trên tai, mặt rồi lan nhanh xuống tay, chân, lưng, bụng. Ở giai đoạn này, nếu trẻ chưa tiêm liều vaccine phòng bệnh sởi nào thì bắt buộc phải cho nhập viện điều trị để tránh các biến chứng nặng. Nếu trường hợp đã tiêm nhưng chưa đủ liều thì bác sĩ có thể chỉ định cho điều trị tại nhà.

Khi trẻ có triệu chứng bệnh sởi cần đưa đến bệnh viện.

Khi trẻ có triệu chứng bệnh sởi cần đưa đến bệnh viện.

PV. Thưa ông, để phòng ngừa bệnh sởi, cùng với vaccine, các gia đình cần làm gì?

Bác sĩ Tôn Thất Toàn: Các gia đình không cho trẻ đến gần, tiếp xúc với người đang mắc bệnh sởi, đồng thời, thường xuyên rửa tay cho trẻ bằng xà phòng. Khi đưa trẻ đi chơi từ nơi đang nhiều người bị bệnh sởi về, cần phải theo dõi chặt chẽ các bất thường của trẻ.

Cùng với đó, giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng cho trẻ hàng ngày, cho trẻ ăn đủ các dưỡng chất cần thiết để tăng sức đề kháng.

PV. Cảm ơn bác sĩ.

Đông Hưng

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/khan-truong-dua-tre-di-tiem-vaccine-phong-benh-soi-dung-lich-du-lieu-169240921160312281.htm
Zalo