Hậu ly hôn : Nỗi đau con trẻ

Khi cuộc sống hôn nhân 'cơm không lành, canh không ngọt', nhiều cặp vợ chồng đã chọn giải pháp ly hôn, đi tìm niềm vui, hạnh phúc mới cho riêng mình. Tuy nhiên hậu ly hôn, con cái vẫn là người chịu nhiều thiệt thòi, tổn thương nhất. Do không nhận được sự yêu thương, chăm lo, dạy dỗ đầy đủ và chu đáo của những người làm cha, làm mẹ; nhiều em mang mặc cảm tự ti, thậm chí vướng vào các tệ nạn xã hội và phạm tội.

Các thành viên hội đồng xét xử tại một phiên tòa xét xử án hôn nhân và gia đình tại Tòa án Nhân dân tỉnh.

Các thành viên hội đồng xét xử tại một phiên tòa xét xử án hôn nhân và gia đình tại Tòa án Nhân dân tỉnh.

Đừng chỉ biết nghĩ cho riêng mình

Dù tự nguyện yêu rồi cưới nhau nhưng cuộc hôn nhân của chị Nguyễn Thị Lan N. và anh Hoàng Văn Tr., ở TP Thanh Hóa chỉ kéo dài được 5 năm. Khi 2 đứa con lần lượt ra đời, giữa cuộc sống bộn bề nỗi lo cơm, áo, gạo, tiền đều dồn vào đôi vai của chị N., còn anh Tr. không có sự cảm thông, chia sẻ mà chỉ ham vui bên ngoài. Từ khi có nhân tình, anh Tr. dùng nhiều thủ đoạn để vợ không chịu được cuộc sống hôn nhân ngột ngạt, phải đệ đơn ra tòa xin ly hôn. Vì muốn trả thù, muốn nhân tình của chồng “khó chịu”, làm “tập 2” còn phải “đèo bòng” nên chị N. thẳng thừng từ chối quyền nuôi con.

Không hiểu được nỗi đau của con trẻ, nhiều cặp vợ chồng sau khi ly hôn không bên nào muốn nhận nuôi con, như trường hợp của chị Hà Thị H. anh Nguyễn Ngọc A., ở TP Thanh Hóa. Mặc dù yêu nhau, mang bầu khi vừa học xong cấp 3 nhưng do tuổi còn trẻ, chưa kịp hiểu về đối phương cũng như gia đình 2 bên nên khi về chung một nhà, nhiều bất đồng trong lối sống dẫn đến việc họ không tìm thấy tiếng nói chung nên khi ra tòa ly hôn cả hai đều không muốn nhận nuôi con, coi đứa con sinh ra là “một sản phẩm lỗi” của chính mình.

Cũng có những cặp vợ chồng lấy con ra làm “vũ khí”, “công cụ” để trả thù nhau bằng cách quyết giành giật nuôi con bằng được trước tòa, sau đó bỏ bê trách nhiệm hoặc thường xuyên đánh, chửi con... mục đích để đối phương phải sống trong đau khổ, dằn vặt. Hay như vụ việc người bố dùng xăng đốt con xảy ra tại huyện Nống Cống đã làm rúng động dư luận. Chỉ vì vợ muốn ly hôn, đệ đơn ra tòa mà người chồng nhẫn tâm đổ xăng lên đứa con trai mới 3 tuổi, sau đó châm lửa thiêu sống.

Những hệ lụy khôn lường

Nhiều cặp vợ chồng khó khăn về kinh tế, gửi con cho ông bà chăm sóc đi làm ăn xa, xuất khẩu lao động, rồi đi không liên lạc về nhà, thậm chí sống lưu vong ở nước ngoài lấy vợ mới, chồng mới, coi như con không tồn tại, dẫn đến nhiều cháu phải bỏ học giữa chừng, đi làm thuê kiếm cơm khi chưa được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng trong cuộc sống để vượt qua những cám dỗ, rất dễ trở thành các đối tượng nghiện hút ma túy, hoặc bị đối tượng xấu lợi dụng chăn dắt, điều khiển thực hiện những hành vi vi phạm pháp luật như: trộm, cướp, đâm thuê chém mướn...; nghiêm trọng hơn có thể là giết người.

Nhiều vụ bị can, bị cáo là người chưa thành niên (dưới 18 tuổi), thậm chí ở lứa tuổi từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự do phạm tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng. Đây chính là “cái giá” quá đắt cho những đứa trẻ sinh ra trong gia đình có bố mẹ ly hôn bỏ mặc con cái. Các cháu không được học hành, không được rèn giũa, quan tâm giáo dục của người lớn, sống buông thả, tiếp xúc với phim ảnh không lành mạnh, với đối tượng “bất hảo”... dẫn đến hư hỏng, dính vào các tệ nạn xã hội, phạm tội và nhận kết cục hết sức đau lòng.

Là thẩm phán trực tiếp giải quyết, xét xử nhiều vụ, việc ly hôn và các vụ án hình sự mà người chưa thành niên vi phạm pháp luật là con của gia đình có bố mẹ ly hôn. Chị Lê Thị Dung, Chánh tòa gia đình và người chưa thành niên, Tòa án Nhân dân tỉnh Thanh Hóa đưa ra lời khuyên: Đã đi đến hôn nhân, vợ chồng phải xác định trách nhiệm, nghĩa vụ một cách đúng nghĩa. Khi có con phải có trách nhiệm, biết lo nghĩ cho con, bảo đảm để con được sống trong mái ấm gia đình thật sự. Vẫn biết khi về chung một nhà không phải ai cũng hợp nhau ngay... Khi bộc lộ điểm xấu của nhau mà không ai chịu chấp nhận, tình cảm dành cho nhau chưa đủ lớn để gắn bó lâu dài sẽ rất dễ “tàn đàn xé nghé”. Sau ly hôn, bố mẹ có thể tìm kiếm bạn đời mới, nhưng con thì chỉ có một cha, một mẹ sinh ra. Người thiệt thòi, đau khổ nhất chính là những đứa con. Nên chăng, mỗi bên biết kiềm chế, đừng vì cái tôi quá lớn, đòi hỏi người kia phải phục tùng, làm theo ý mình mà phải nghĩ mình cần phát huy ưu điểm, khắc phục những hạn chế để hòa hợp tình nghĩa vợ chồng, làm gương cho con cái.

Đừng làm tổn thương con trẻ

Theo số liệu thống kê của Tòa án Nhân dân tỉnh Thanh Hóa, số lượng án hôn nhân gia đình của 2 cấp tòa án đều tăng theo từng năm. Nếu như năm 2013, tòa thụ lý 3.204 vụ, việc hôn nhân và gia đình, trong đó số vụ, việc vợ chồng từ 18 - 30 tuổi là 1.177 vụ, số vụ có con chưa thành niên 1.301 vụ. Đến năm 2023 tăng lên 7.160 vụ việc, trong đó số vụ, việc vợ chồng từ 18- 30 tuổi là 1.393 vụ, số vụ có con chưa thành niên là 2.927 vụ. Trong 6 tháng đầu năm 2024, thụ lý 3.796 vụ việc, trong đó số vụ, việc vợ, chồng từ 18 – 30 tuổi là 531 vụ, số vụ có con chưa thành niên 2.317 vụ.

Chị Dung cho biết: Có rất nhiều nguyên nhân cả chủ quan và khách quan dẫn đến đổ vỡ hạnh phúc gia đình. Trong đó phổ biến là do “yêu nhanh, cưới vội”, hai bên tiến đến hôn nhân khi còn quá trẻ, thiếu kỹ năng sống. Vợ, chồng không có công ăn việc làm, thu nhập không ổn định, suy nghĩ còn bồng bột, nông nổi, chưa tìm hiểu kỹ về nhau, tình cảm chưa đủ lớn, cuộc sống chung dễ phát sinh mâu thuẫn, bất đồng căng thẳng... dẫn đến bạo lực gia đình, rất khó hòa giải. Nguyên nhân khác là do sự xuất hiện của người thứ 3 (ngoại tình), hoặc do mâu thuẫn không thể dung hòa giữa mẹ chồng, nàng dâu, mâu thuẫn giữa vợ, chồng với các thành viên khác trong gia đình cũng tác động không nhỏ và gây nên rạn nứt tình cảm gia đình.

Ngoài ra, còn có tác động đến từ sự đổi mới của pháp luật trong việc tôn trọng, đề cao quyền quyết định và tự định đoạt của đương sự. Trước đây, việc ly hôn phải qua hòa giải tại địa phương. Quá trình giải quyết, tòa chủ động gặp chính quyền địa phương, gia đình, cơ quan của vợ và chồng nếu đang công tác để điều tra xác minh, tìm hiểu nguyên nhân, mức độ mâu thuẫn sau đó mới đi đến phán quyết. Từ khi Bộ luật Tố tụng dân sự ra đời thay thế pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án dân sự thì đương sự có quyền và nghĩa vụ cung cấp chứng cứ cho tòa án và chứng minh cho yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp. Tòa án chỉ tiến hành xác minh, thu thập chứng cứ trong những trường hợp do Bộ luật Tố tụng dân sự quy định, vì vậy trường hợp 2 đương sự có đơn thuận tình ly hôn, thỏa thuận được với nhau về vấn đề con cái, tài sản, công nợ... xét việc thỏa thuận ấy là tự nguyện, không trái pháp luật và đạo đức xã hội thì tòa án ra quyết định công nhận thỏa thuận của hai bên. Do vậy, các cặp vợ chồng ít bị tác động bởi các rào cản từ gia đình, từ cơ quan, đơn vị, các tổ chức đoàn thể xã hội tại địa phương, thủ tục ly hôn cũng trở nên nhẹ nhàng và đơn giản hơn.

Trường hợp đơn ly hôn của một bên thì thẩm phán phải nhận diện nguyên nhân từng vụ cụ thể. Từ đó mới đi đến quyết định tiếp tục hòa giải đoàn tụ hoặc giải quyết cho họ ly hôn theo đúng pháp luật và nguyện vọng.

Cũng theo chị Dung, các cặp vợ chồng trước khi đặt bút ký đơn ly hôn cần cân nhắc kỹ lưỡng, đừng vì những mâu thuẫn “nhỏ xé ra to” mà đệ đơn lên tòa. Mỗi bên cần “hy sinh bản thân” một chút, nghĩ cho con, về tương lai sau này của con. Hãy đặt mình vào vị trí các con trước khi quyết định. Hãy cho con có một mái ấm gia đình thực sự. Đừng làm tổn thương con trẻ bởi trong cuộc hôn nhân của người lớn chúng không có tội.

Bài và ảnh: Mai Phương

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/hau-ly-hon-noi-dau-con-tre-225513.htm
Zalo