Khẩn trương đưa Nghị quyết 57 vào cuộc sống
'Trong bối cảnh yêu cầu phát triển khoa học và công nghệ ngày càng cấp thiết, những rào cản pháp lý cần được tháo gỡ, các luật và nghị quyết ban hành cần rõ ràng, tạo ra sự minh bạch và trật tự, từ đó huy động sự tham gia của toàn xã hội theo một chí hướng thống nhất', Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh trong phiên thảo luận tổ dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KH,CN&ĐMST) tại Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội.

Ảnh minh họa. (Nguồn: VGP)
Thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù
Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động KH,CN&ĐMST có 4 chương và 19 điều, bao gồm hai nội dung liên quan đến hoạt động KH,CN,ĐMST và chuyển đổi số (CĐS) quốc gia. Nghị quyết được xây dựng và ban hành nhằm thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động KHCN,ĐMST&CĐS quốc gia để KHCN,ĐMST&CĐS thực sự trở thành động lực để hoàn thành công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Quan điểm xây dựng Nghị quyết là thể chế hóa đầy đủ, kịp thời đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về KHCN,ĐMST&CĐS, đặc biệt là Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong quản lý nhà nước về KHCN,ĐMST&CĐS. Đơn giản hóa quy trình, thủ tục, đẩy mạnh chuyển đổi số trong các hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và ĐMST, nhất là trong hoạt động quản lý nhà nước; nâng cao tính minh bạch, đạo đức và liêm chính trong hoạt động KH&CN; bảo đảm KHCN,ĐMST&CĐS quốc gia là đột phá, là một trong những động lực quan trọng nhất để phát triển kinh tế - xã hội; bảo đảm tính khả thi, hiệu quả của các chính sách về KHCN,ĐMST&CĐS; tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân, tổ chức tham gia hoạt động KHCN,ĐMST&CĐS.
Nghị quyết quy định về thí điểm một số cơ chế, chính sách tháo gỡ chi tiêu tài chính từ ngân sách nhà nước, hoạt động của tổ chức và nhân lực trong tổ chức KH&CN công lập, thúc đẩy thương mại hóa kết quả nghiên cứu và hoạt động KH&CN trong doanh nghiệp, công nghệ chiến lược; cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư, đấu thầu, tài chính và thử nghiệm có kiểm soát cho chuyển đổi số quốc gia, phát triển hạ tầng số, công nghiệp công nghệ số chiến lược để tháo gỡ vướng mắc, tạo cơ chế, chính sách vượt trội trong hoạt động KHCN,ĐMST&CĐS quốc gia.
Trước khi thảo luận tại tổ, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động KHCN,ĐMST. Theo Bộ trưởng, trong bối cảnh KHCN,ĐMST&CĐS quốc gia đóng vai trò then chốt cho sự phát triển kinh tế - xã hội, việc hoàn thiện hệ thống pháp luật nhằm thúc đẩy lĩnh vực này là yêu cầu cấp thiết. Nghị quyết của Quốc hội sẽ thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, đồng bộ hóa các quy định pháp luật, tháo gỡ vướng mắc, tạo hành lang pháp lý thuận lợi thúc đẩy phát triển KHCN,ĐMST&CĐS quốc gia.
Huy động sự tham gia của toàn xã hội theo một chí hướng thống nhất
Tại phiên thảo luận, Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết, đây là nghị quyết rất quan trọng, góp phần thể chế hóa Nghị quyết số 57-NQ/TW của Trung ương về đột phá phát triển KHCN,ĐMST&CĐS quốc gia. Tuy nhiên, để Nghị quyết này thực sự đi vào cuộc sống, chúng ta đang đối diện với rất nhiều khó khăn, đặc biệt là những vướng mắc liên quan đến hệ thống luật pháp hiện hành. Một số luật quan trọng, trong đó có Luật KH&CN cần được sửa đổi để tạo điều kiện thực hiện Nghị quyết một cách hiệu quả. Theo lộ trình, những sửa đổi này nhanh nhất cũng phải đến cuối năm 2025 mới hoàn thành. Điều này đồng nghĩa với việc trong cả năm 2025, chúng ta không thể triển khai được Nghị quyết 57-NQ/TW một cách trọn vẹn hoặc nếu có triển khai thì cũng không đạt được hiệu quả thực sự. Vì vậy, phải có văn bản khẩn trương đưa Nghị quyết 57-NQ/TW vào cuộc sống.
Theo Tổng Bí thư, phạm vi của Nghị quyết bao gồm những vấn đề rất lớn, với mục tiêu quan trọng nhất là tháo gỡ hàng loạt khó khăn hiện hữu trong hoạt động KH&CN. Khó khăn xuất phát từ chính các quy định của chúng ta. Đây là bài học cho thấy thể chế đang là điểm nghẽn, nếu không tháo gỡ thì chính sách sẽ không thể đi vào cuộc sống. Vướng mắc lớn nhất hiện nay nằm ở quy định của Luật Đấu thầu. Việc phát triển KH&CN nhưng vẫn áp dụng đấu thầu sẽ dẫn đến tình trạng “tìm mua đồ giả, đồ rẻ nhất, vì đấu thầu không khuyến khích mua thiết bị đắt tiền”. Điều này có nguy cơ biến Việt Nam thành bãi rác công nghệ, trở thành nơi tiếp nhận các công nghệ lạc hậu của thế giới.
Tổng Bí thư Tô Lâm chỉ ra rằng, việc phát triển KH&CN đang gặp vướng mắc do các quy định liên quan đến đầu tư công, đầu tư tư và hợp tác công - tư. Những quy định hiện hành đang tạo ra nhiều rào cản, gây khó khăn cho quá trình triển khai và ứng dụng các thành tựu KH&CN vào thực tiễn.
Theo Tổng Bí thư, chính sách thuế cũng cần được điều chỉnh theo hướng khuyến khích sản xuất, kinh doanh. Thực tế, khi Chính phủ áp dụng chính sách miễn giảm thuế đã giúp tăng nguồn thu cho Nhà nước. Chính sách thuế cần linh hoạt, không chỉ tập trung vào việc tăng thu trực tiếp mà còn phải tạo động lực cho nền kinh tế phát triển. Tương tự, việc giảm lãi suất cũng có thể giúp ngân hàng thu được nhiều hơn. Nếu lãi suất quá cao, người dân không vay vốn, không đầu tư sản xuất, dẫn đến nền kinh tế trì trệ. Ngược lại, khi lãi suất giảm, nhiều người có cơ hội kinh doanh, tạo ra lợi nhuận, từ đó ngân hàng cũng có thể cho vay nhiều hơn và thu được lợi ích lớn hơn.
Đối với Luật Doanh nghiệp, cần có các quy định khuyến khích doanh nghiệp gắn kết với KH&CN. Trường đại học, viện nghiên cứu phải có sự liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp để ứng dụng kết quả nghiên cứu vào thực tế. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều mô hình hợp tác chưa có trong luật nên không thể triển khai. Đây là một hạn chế lớn cần được tháo gỡ.
Nhấn mạnh lại mục tiêu là phải khuyến khích phát triển chứ không phải là chỉ tháo gỡ, Tổng Bí thư nêu rõ, còn rất nhiều việc chúng ta cần đầu tư và phải có thời gian. KH&CN là “miền đất hoang vu” cần khai thác, có sự mạo hiểm, rủi ro, chứ không phải đường rộng thênh thang ai cũng có thể đến được; nếu để chờ đầy đủ điều kiện thì rất khó. Trong bối cảnh yêu cầu phát triển KH&CN ngày càng cấp thiết, những rào cản pháp lý cần được tháo gỡ. Các luật và nghị quyết cần được ban hành rõ ràng, tạo ra sự minh bạch và trật tự, từ đó huy động sự tham gia của toàn xã hội theo một chí hướng thống nhất. Tổng Bí thư chỉ rõ, cần tiếp tục sửa đổi các luật, trước mắt là Luật KH&CN và các luật có liên quan, tiến hành đồng bộ và sát với thực tiễn. Phải đổi mới tư duy, cách làm, nhìn thẳng vào vấn đề của thực tiễn để có cách tháo gỡ.
Trước đó, tại Hội nghị phát triển KH,CN&ĐMST và nhân lực chất lượng cao thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ngày 11/2/2025, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt cho biết, Bộ KH&CN đã xây dựng, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số chính sách mới để tháo gỡ ngay các vướng mắc, khó khăn trong hoạt động KH,CN&ĐMST, trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp bất thường thứ 9, Quốc hội khóa XV...
Ông Huỳnh Thành Đạt cũng cho biết, Bộ KH&CN sẽ đẩy nhanh tiến độ thí điểm các chính sách đặc thù đối với hoạt động KH,CN&ĐMST tại các địa phương như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, đây là những địa phương đã có đầy đủ cơ chế, chính sách, có tiềm năng, lợi thế phát triển nổi trội so với các địa phương khác, vì vậy đề nghị các địa phương đẩy nhanh tiến độ triển khai, thí điểm các chính sách đặc thù đã được phê duyệt.
Khi các cơ chế, chính sách đặc thù, tháo gỡ “điểm nghẽn” được thí điểm thành công tại các địa phương nêu trên sẽ là tiền đề để nhân rộng mô hình triển khai cho các tỉnh, thành phố trên cả nước.
Theo Bộ KH&CN, một số chính sách mới đáng chú ý được đề cập đến trong dự thảo Nghị quyết Quốc hội về thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động KH,CN&ĐMST, đó là: quy định về cơ chế tự chủ của tổ chức nghiên cứu KH&CN theo hướng giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tổ chức, cán bộ, tài chính, chuyên môn; được sử dụng ngân sách nhà nước thuê chuyên gia, sử dụng tài sản hữu hình và trí tuệ để liên kết, hợp tác KH&CN với các tổ chức, doanh nghiệp. Đồng thời, quy định cho phép các tổ chức nghiên cứu, nhà khoa học thành lập và tham gia điều hành doanh nghiệp dựa trên kết quả nghiên cứu.
Quy định miễn thị thực và miễn giấy phép lao động đối với người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam trong trường hợp thực hiện nhiệm vụ KH&CN trong lĩnh vực công nghệ cao, nhiệm vụ KH&CN đặc biệt mà các chuyên gia Việt Nam và các chuyên gia nước ngoài hiện đang ở Việt Nam không thực hiện được.
Liên quan đến đấu thầu, quy định các trường hợp khi mua sắm hàng hóa trong quá trình thực hiện nhiệm vụ KH&CN không phải áp dụng quy trình, thủ tục theo quy định của Luật Đấu thầu. Quy định cơ chế tổ chức chủ trì nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách nhà nước có quyền quản lý, sử dụng, quyền sở hữu kết quả của nhiệm vụ để thương mại hóa trừ một số trường hợp đặc biệt.
Bổ sung loại hình thu nhập được miễn thuế bao gồm thu nhập từ việc thực hiện nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách nhà nước...
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, phát triển KH,CN&ĐMST, chuyển đổi số và đào tạo nhân lực chất lượng cao là yêu cầu khách quan, lựa chọn chiến lược, ưu tiên hàng đầu cho sự phát triển đất nước. Thủ tướng đề nghị rà soát lại ở tất cả các cấp, các ngành, các viện, trường, doanh nghiệp về những “nút thắt”, vướng mắc về mặt thể chế, cơ chế, chính sách để tiếp tục hoàn thiện, sửa đổi, bổ sung kịp thời, hiệu quả, nhất là từ thực tế hoạt động của các đơn vị; công việc này phải làm trong quý I và quý II năm 2025. Cùng với đó, phải đẩy mạnh phát triển hạ tầng, trong đó có hạ tầng số, hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng giao thông, hạ tầng cho cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, hạ tầng năng lượng, hạ tầng y tế, giáo dục, xã hội, thể thao, hạ tầng văn hóa, công nghiệp văn hóa, giải trí…