Khẩn trương chống ngập cho đường dẫn vào Khu tháp K thuộc Di sản Mỹ Sơn
Sáng 25/9, Giám đốc Ban Quản lý Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn (xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam) Nguyễn Công Khiết cho biết, đơn vị đang phối hợp với Viện Bảo tồn, Viện Khảo cổ (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) học tiến hành các giải pháp thi công cấp bách các hạng mục nhằm ngăn chặn nước mưa trong mùa lũ gây ngập tuyến đường mới phát lộ và các hố mới khai quật trên đường dẫn vào tháp K - một trong những tháp chính trong quần thể Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn.
Trên cơ sở bám sát địa hình, địa vật, đánh giá thực tế, các chuyên gia xác định, khu vực đường dẫn mới phát lộ và các hố khai quật trên đường dẫn vào tháp K nằm ở khu vực trũng, thấp, nhiều khả năng sẽ bị nước mưa gây ngập, làm ảnh hưởng đến công tác bảo tồn di tích, có thể làm mất giá trị gốc của di tích.
Các chuyên gia đã thống nhất phương án cấp thiết là đào rãnh cắt nước mưa từ các sườn đồi phía Bắc, đào rãnh thoát nước ngầm từ hố khai quật ra bên ngoài, làm nhà bao che nhằm bảo tồn và gia cố các khối di tích gốc đã phát lộ trên đường dẫn.
Để đảm bảo giữ gìn nguyên vẹn giá trị gốc của di tích, các chuyên gia yêu cầu, trong quá trình thi công các hạng mục nói trên phải sử dụng chất liệu, vật liệu tương thích với chất liệu gốc. Riêng nhà bao che phải đáp ứng được yêu cầu vừa đảm bảo khả năng bao che mưa nắng, vừa đáp ứng nhu cầu tham quan, nghiên cứu, phù hợp với cảnh quan, không gian, kiến trúc của quần thể di tích.
Trước đó, đầu tháng 4/2024, các chuyên gia của Ban Quản lý Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn và Viện Khảo cổ đã thăm dò, khai quật, khảo cổ phế tích trên diện tích rộng 220 m2 với 4 hố khai quật nằm về phía Đông tháp K. Tại đây, các chuyên gia đã phát hiện con đường cổ được làm bằng đất dầm chặt, rộng 9 m, dài hơn 150 m. Bước đầu, các chuyên gia xác định, đây là con đường chính được người Chăm cổ xưa đi vào Khu đền tháp Mỹ Sơn để hành lễ từ hàng nghìn năm trước.
Hiện, Ban Quản lý Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn và Viện Khảo cổ đang khẩn trương hoàn thiện hồ sơ khoa học để đưa con đường cổ mới vừa phát lộ này vào Quy hoạch tổng thể bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2024 - 2030, tầm nhìn đến năm 2035.
Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Nam Nguyễn Thanh Hồng khẳng định, công tác bảo vệ nguyên vẹn các giá trị gốc của con đường cổ vừa phát lộ góp phần làm rõ giá trị chưa được biết đến của những công trình kiến trúc ở Mỹ Sơn; đồng thời, góp thêm những tư liệu mới, bổ sung vào hồ sơ khoa học đầy đủ, toàn diện hơn về không gian văn hóa, lịch sử, kiến trúc Mỹ Sơn. Đây là việc làm cấp bách đang được ngành văn hóa Quảng Nam, huyện Duy Xuyên, Ban Quản lý Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn phối hợp với các cơ quan chuyên môn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch khẩn trương thực hiện.