Khan hiếm cát: Hệ quả nhãn tiền từ những 'bàn tay phá hoại'

Thị trường cát xây dựng tại tỉnh Quảng Nam và TP Đà Nẵng đang rơi vào tình trạng khan hiếm, đẩy giá vật liệu tăng cao, nhiều công trình hạ tầng chậm tiến độ, doanh nghiệp xây dựng rơi vào cảnh lao đao. Đây không chỉ bắt nguồn từ áp lực cung – cầu hay yếu tố thủ tục hành chính, mà còn xuất phát từ những bàn tay phá hoại có chủ đích trong chính các phiên đấu giá quyền khai thác mỏ cát.

Phiên đấu giá hay “sân khấu phá giá”?

Vụ án vừa bị khởi tố liên quan đến Công ty Cổ phần MT Quảng Đà là minh chứng cụ thể cho thực trạng ấy. Trong hai ngày 18 và 19/10/2024, một phiên đấu giá quyền khai thác khoáng sản cát xây dựng tại điểm mỏ ĐB2B (xã Điện Thọ, thị xã Điện Bàn, Quảng Nam) được tổ chức công khai, với mức giá khởi điểm hơn 1,2 tỷ đồng. Đây là phiên đấu giá được kỳ vọng sẽ mang lại nguồn thu ổn định cho ngân sách và góp phần bình ổn thị trường cát đang khan hiếm tại Quảng Nam.

Tuy nhiên, kỳ vọng ấy nhanh chóng trở thành thất vọng. Bởi chỉ sau vài vòng đấu giá, một cái tên không nổi bật bỗng đưa ra mức trả giá cao đến phi lý: hơn 370 tỷ đồng, tức cao gấp 306 lần giá khởi điểm. Đây không còn là một chiến lược cạnh tranh thông thường, mà là dấu hiệu rõ ràng của việc làm nhiễu, phá giá thị trường đấu giá tài sản công của Công ty Cổ phần MT Quảng Đà, có trụ sở tại TP Đà Nẵng.

Phiên đấu giá tại điểm mỏ ĐB2B trở thành "sân khấu phá giá"

Phiên đấu giá tại điểm mỏ ĐB2B trở thành "sân khấu phá giá"

Cơ quan Cảnh sát điều tra – Phòng Cảnh sát Kinh tế, Công an tỉnh Quảng Nam đã chính thức khởi tố vụ án hình sự với tội danh “Vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản” theo Điều 218, Bộ luật Hình sự.

Theo nhận định ban đầu, hành vi của Công ty MT Quảng Đà đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho Nhà nước, cản trở các tổ chức có năng lực thực sự tham gia khai thác, đồng thời góp phần làm méo mó thị trường vật liệu xây dựng.

Tại buổi làm việc với Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cùng đại diện các sở ngành và doanh nghiệp khoáng sản, Đại tá Nguyễn Hà Lai, Phó Giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam cho biết, việc khởi tố vụ án là bước đi cần thiết để thiết lập lại kỷ cương trong hoạt động đấu giá tài sản công. Không thể để các hành vi trục lợi trong hoạt động đấu giá làm tổn hại đến lợi ích Nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp làm ăn chân chính.

Thực tế, việc đấu giá quyền khai thác khoáng sản là một chính sách đúng đắn, nhằm tăng tính minh bạch và cạnh tranh trong khai thác tài nguyên, đồng thời tạo nguồn thu cho ngân sách. Tuy nhiên, nếu không được kiểm soát chặt chẽ, chính cơ chế này sẽ bị biến thành công cụ cho một số doanh nghiệp làm giá, thao túng, kiếm lời bất chính.

Một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khoáng sản chia sẻ: Việc khởi tố vụ án không chỉ nhằm xử lý một vụ việc cụ thể, mà còn mở ra cơ hội rà soát toàn bộ hệ thống đấu giá khoáng sản trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, cần tăng cường điều kiện ràng buộc tài chính đối với các doanh nghiệp tham gia đấu giá để tránh tình trạng “tay không bắt giặc”.

Cần nhìn thẳng vào trách nhiệm quản lý

Không khó để nhận ra “chiêu thức” đã từng bị cảnh báo trong nhiều năm qua như doanh nghiệp dùng chiêu trả giá cao “ảo”, giành quyền khai thác nhưng sau đó không triển khai thực tế, bỏ mỏ hoặc tìm cách chuyển nhượng lòng vòng, dẫn đến tài nguyên bị “treo”, cát không đến được tay các đơn vị thi công, giá vật liệu leo thang. Trong khi đó, các đơn vị xây dựng lại bị kẹt giữa bài toán tiến độ, giá cả, nguồn cung khan hiếm.

Việc Công ty MT Quảng Đà “đánh sập” cuộc đấu giá bằng mức giá phi lý có thể là bước đầu trong chiến lược thao túng, gây tắc nghẽn nguồn khai thác, vô tình (hoặc cố ý) gạt bỏ các đơn vị có năng lực thực sự ra khỏi cuộc chơi, khiến cát trở thành “vàng trắng” trên thị trường. Hệ lụy của nó là hàng trăm công trình xây dựng công – tư trên địa bàn tỉnh Quảng Nam và TP Đà Nẵng rơi vào tình trạng thiếu cát trầm trọng, phải “chạy vạy” khắp nơi hoặc chấp nhận mua giá cao để giữ tiến độ.

Đại tá Nguyễn Hà Lai, Phó Giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam trao đổi thông tin về vụ án “Vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản”.

Đại tá Nguyễn Hà Lai, Phó Giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam trao đổi thông tin về vụ án “Vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản”.

Vụ việc của MT Quảng Đà chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Đã từ lâu, giới chuyên môn cảnh báo về các “liên minh ngầm” trong hoạt động đấu giá tài sản công, nơi các doanh nghiệp bắt tay nhau “quăng giá”, “bắt mỏ”, rồi buông bỏ hoặc sang tay, khiến nhiều mỏ khoáng sản rơi vào tình trạng “treo giấy phép”, không khai thác được.

Vụ việc không chỉ là vấn đề riêng của một doanh nghiệp sai phạm, mà đặt ra câu hỏi lớn hơn về trách nhiệm của các cơ quan tổ chức đấu giá, hội đồng thẩm định và cả hệ thống quản lý nhà nước trong việc giám sát quy trình khai thác khoáng sản.

Có thể thấy, cơ chế đấu giá hiện nay còn nhiều kẽ hở từ việc đánh giá năng lực tài chính doanh nghiệp, ký quỹ đảm bảo đấu giá, đến khâu giám sát sau đấu giá. Trong nhiều trường hợp, doanh nghiệp chỉ cần “kê” tài sản, cung cấp thông tin sai lệch về hợp đồng, giấy tờ vay vốn để vượt qua vòng thẩm định năng lực. Còn sau khi trúng đấu giá, không có chế tài đủ mạnh nếu họ không triển khai đúng cam kết.

Hệ quả là nguồn cung bị tắc nghẽn, trong khi nhu cầu vẫn tăng. Địa phương dù nỗ lực tháo gỡ vướng mắc, rút ngắn thủ tục cấp phép cũng không thể bù đắp được sự thiếu hụt này.

Đã đến lúc cần xây dựng lại cơ chế đấu giá minh bạch, chuyên nghiệp và có giám sát độc lập. Phải có sự hợp lực của các cơ quan chuyên trách, thậm chí là sự giám sát cộng đồng và báo chí, để không một doanh nghiệp nào có thể “hô mưa gọi gió” trong những phiên đấu giá tài sản công. Cần thiết phải có các biện pháp kiểm soát giá đấu, quy định ký quỹ nghiêm ngặt, cũng như chế tài mạnh nếu không triển khai dự án sau đấu giá.

Vụ án tại Công ty Cổ phần MT Quảng Đà không chỉ mang tính răn đe, mà còn là lời cảnh tỉnh cho các địa phương khác đang chuẩn bị tổ chức đấu giá mỏ vật liệu. Sự khan hiếm cát ở Quảng Nam và TP Đà Nẵng hôm nay không đơn thuần là chuyện cung – cầu, mà là hậu quả của sự buông lỏng giám sát và những trò đấu giá trá hình, nếu không xử lý tận gốc, sẽ tiếp tục đẩy nền kinh tế – xây dựng địa phương vào thế bất ổn kéo dài.

Hải Nam

Nguồn Công Lý: https://congly.vn/khan-hiem-cat-he-qua-nhan-tien-tu-nhung-ban-tay-pha-hoai-480385.html
Zalo