Khám sức khỏe tiền hôn nhân: Chìa khóa vàng xây dựng hạnh phúc gia đình
Khám sức khỏe tiền hôn nhân là giải pháp cần thiết giúp các cặp đôi có kiến thức, tâm lý cần thiết để có cuộc sống hôn nhân, tình dục khỏe mạnh. Tuy nhiên, nam nữ trong độ tuổi kết hôn tham gia khám sức khỏe trước kết hôn chưa cao, chưa có sự đồng đều giữa các địa phương.
Trước khi đám cưới, cô dâu chú rể nào cũng dành tâm sức, thời gian, tiền bạc để thử áo cưới, đặt tiệc. Nhưng trước khi sinh con, dù là chuyện hệ trọng, lại ít ai kiểm tra sức khỏe sinh sản. Để rồi cuộc đời chất chứa bao câu chuyện buồn, mà lẽ ra, nếu khám tiền sản họ đã có thể biết và có biện pháp khắc phục, phòng tránh.
Phát hiện bệnh khi điều trị hiếm muộn
Chị N.T.S, 31 tuổi, ở phường Hòa Hiệp Nam (TX Đông Hòa) và chồng mòn mỏi chờ đợi 4 năm vẫn chưa có tin vui. Đôi vợ chồng làm nghề thợ hồ nghe ai chỉ thầy giỏi là tìm đến bốc thuốc chữa hiếm muộn, mong có con ẵm bồng. Chị S kể: Thời con gái em không có kinh nguyệt như bạn bè, mẹ thấy lạ hỏi thăm nhiều người thì được câu trả lời, khỏe mạnh, không ốm yếu xanh xao bệnh tật nghĩa là bình thường. Ở miền quê hiếm ai đi kiểm tra sức khỏe trước khi cưới. Lấy chồng rồi đi bốc thuốc uống hoài mà vẫn không đậu thai, hai đứa dành dụm được ít tiền tính đi chữa vô sinh. Nào ngờ vô Bệnh viện Từ Dũ khám, bác sĩ cho hay em không có tử cung (bất sản tử cung). Nếu muốn có thai thì vợ chồng em cần thụ tinh ống nghiệm và mang thai hộ.
Không chỉ chị S, mà nhiều cặp vợ chồng hầu như không khám sức khỏe tiền hôn nhân và khám tiền sản trước khi chuẩn bị có con. Chỉ đến khi mòn mỏi chờ đợi mà không mang thai, hay mang thai nhiều lần nhưng bị sẩy thai, thai lưu, họ mới cuống cuồng đến bệnh viện tìm nguyên nhân. Như trường hợp của chị P.T.P, ở xã Xuân Phước (huyện Đồng Xuân). Sống với nhau gần 3 năm, vợ chồng P mới có tin vui, nhưng đến tháng thứ 6 của thai kỳ, P vẫn bị ốm nghén nặng, ăn vô ói ra, bất cứ món gì. Vào Bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh khám, đôi vợ chồng nghèo bàng hoàng khi nghe bác sĩ báo tin: P bị ung thư dạ dày giai đoạn cuối. Khối u đã xâm nhiễm khắp dạ dày gây tắc hẹp toàn bộ môn vị, là nguyên nhân khiến cô không ăn uống được, thường xuyên ói ra máu.
Chị B.T.T ở xã An Ninh Đông (huyện Tuy An), trải qua đủ cung bậc của sự đau khổ. Chị T kể: Sau hơn 3 năm kết hôn, em có thai. Chưa kịp mừng thì bị sẩy thai. Một năm sau, có thai được 7 tháng, hai vợ chồng chuẩn bị đầy đủ mọi thứ, hồi hộp đếm từng ngày chờ con chào đời, thấy bất thường, nhập viện khám thì điếng người vì thai lưu.
Rồi chị T lại mang thai lần ba. Vợ chồng chị nguyện cầu và hy vọng, nhưng số phận nghiệt ngã, lần này thai nhi bị tim bẩm sinh nặng, bác sĩ khuyên đình chỉ thai kỳ…
Khám sức khỏe tiền hôn nhân là vô cùng cần thiết
Tại Phú Yên, hiện nay nhiều cặp đôi bắt đầu có sự quan tâm, tìm hiểu về sức khỏe sinh sản. Một số bạn trẻ đã chủ động đi khám tiền hôn nhân trước khi quyết định về chung một nhà. Tuy nhiên, tỉ lệ nam nữ trong độ tuổi kết hôn thực hiện khám sức khỏe trước kết hôn chưa cao, không đồng đều giữa các địa phương.
Theo Trung tâm Y tế huyện Sơn Hòa, toàn huyện có 14 xã, thị trấn, có 14 dân tộc anh em cùng chung sống, có nền văn hóa đa dạng, nhận thức của người dân về lĩnh vực DS-KHHGĐ cũng không đồng đều. Việc khám sức khỏe trước khi kết hôn chưa được các cặp đôi chú ý, thậm chí còn tâm lý e ngại. Trong quý II/2024, toàn huyện có 102 người đăng ký kết hôn, nhưng số cặp quan tâm đến việc khám sức khỏe trước khi kết hôn không nhiều, chưa tự giác. Chính quyền, ngành chuyên môn cấp trên và sự phối hợp liên ngành trong công tác thực hiện cần tuyên truyền sâu rộng hơn nữa nội dung này trong các chương trình dân số và phát triển.
Tại huyện Phú Hòa, trong 6 tháng đầu năm 2024, toàn huyện có 258 người đăng ký kết hôn, trong số đó không nhiều cặp đôi cùng đi khám tiền hôn nhân. Điều đó cho thấy nhiều người còn xem nhẹ lợi ích, hiệu quả của việc sử dụng các dịch vụ KHHGĐ, sàng lọc sơ sinh, khám sức khỏe định kỳ, khám sức khỏe trước kết hôn; thờ ơ với các hoạt động tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân do Trung tâm Y tế huyện phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức.
Theo ông Nguyễn Tấn Hai, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Phú Hòa, để nâng cao hiệu quả công tác dân số và phát triển, vận động, tuyên truyền nam nữ trong độ tuổi kết hôn tham gia khám sức khỏe trước kết hôn, trung tâm đề nghị ngành chức năng bổ sung cộng tác viên dân số ở các thôn, khu phố, phù hợp với địa giới hành chính, số lượng hộ gia đình, dân cư, đồng thời tăng thù lao cộng tác viên dân số hằng tháng đảm bảo phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao; hỗ trợ kinh phí cho công tác dân số để thực hiện chương trình có hiệu quả.
Ông Huỳnh Lê Xuân Bích, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết: “Hiện nay, tỉ lệ nam nữ toàn tỉnh trong độ tuổi kết hôn khám sức khỏe trước kết hôn rất thấp. Vì vậy, các địa phương đẩy mạnh truyền thông, vận động nhằm tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, huy động sự tham gia tích cực vào công tác dân số phát triển, tuyên truyền mạnh mẽ nội dung quan trọng này. Sở Y tế cung cấp thường xuyên các dịch vụ sức khỏe sinh sản, KHHGĐ tại các trung tâm y tế cấp huyện và trạm y tế cấp xã; đảm bảo cung cấp các gói dịch vụ cơ bản như: gói dịch vụ KHHGĐ, gói khám phụ khoa, gói khám và phát hiện khiếm khuyết thai nhi và gói tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn phù hợp với các tuyến”.
Khám sức khỏe tiền hôn nhân là chìa khóa vàng trong xây dựng hạnh phúc gia đình; giúp phát hiện các rối loạn di truyền. Đồng thời giúp các cặp đôi có ý định kết hôn tầm soát các bệnh lý di truyền, bệnh truyền nhiễm, phát hiện các nguy cơ gây ảnh hưởng đến sức khỏe của vợ chồng, con cái sau này. Ngoài mục đích xây dựng hạnh phúc gia đình bền vững, việc khám sức khỏe tiền hôn nhân còn góp phần quan trọng nâng cao chất lượng dân số của đất nước.
GS.TS.BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng, nguyên Giám đốc
Bệnh viện Từ Dũ