Bánh tráng Bình Định

Bánh tráng có thể tìm thấy ở bất cứ nơi đâu trên cả nước, cả trong cộng đồng người Việt ở nước ngoài. Thế nhưng chẳng hiểu sao, tôi cứ nghĩ và nhớ về món bánh tráng Bình Định. Có lẽ là bởi không ở nơi đâu bánh tráng lại đa dạng và có thể ăn vào mọi dịp như 'xứ nẫu'.

 Một cửa hàng chuyên bán các loại bánh tráng Bình Định trên đường Nguyễn Trãi, TP. Pleiku. Ảnh: Nguyên Võ

Một cửa hàng chuyên bán các loại bánh tráng Bình Định trên đường Nguyễn Trãi, TP. Pleiku. Ảnh: Nguyên Võ

Bánh tráng Bình Định được làm từ những nguyên liệu khác nhau. Ngoài bột gạo là phổ biến, bánh tráng còn có thể làm từ bột mì, khoai lang, bột mì nhứt và có thể kết hợp với mè, dừa sợi. Người Bình Định làm bánh tráng nhiều kích cỡ, độ dày mỏng khác nhau, phù hợp với những cách ăn khác nhau. Bánh tráng có thể nướng, nhúng nước, quấn chả ram, ăn kèm với các loại rau, thịt, tôm, trứng hay đơn giản chỉ là chấm nước mắm.

Bánh tráng xuất hiện từ bao giờ tôi không rõ. Nghe bà con địa phương truyền khẩu, bánh tráng đã từng theo đoàn quân Quang Trung hành quân thần tốc ra Bắc đánh quân Thanh vào mùng 5 Tết Kỷ Dậu (1789). Người Bình Định dù ở quê hay xa quê đều muốn giữ thói quen ăn uống của mình. Có lẽ vì thế mà bánh tráng xuất hiện hầu như ở mọi dịp trong đời sống.

Một bữa cúng, giỗ của người Bình Định sẽ không đầy đủ nếu thiếu bánh tráng. Bánh tráng cúng được nướng đều hai mặt, không để chỗ nào cháy hoặc chưa chín. Cúng xong, việc bẻ bánh tráng khi bày đồ cúng ra ăn cũng rất đặc biệt, cần sự cẩn thận, trang trọng để bánh có thể được bẻ ra đều miếng, không bể nát. Tôi thường thấy người già, nhất là mấy trưởng tộc đặt bánh tráng lên đầu để bẻ, mà theo họ nói thì “xưa bày nay làm” để thể hiện sự cung kính.

Người Bình Định ăn bánh tráng thường xuyên và trong mọi hoàn cảnh. Nếu có cá hấp, thịt luộc hay trứng chiên cuốn cùng bánh tráng nhúng, chấm với nước mắm, mắm nêm mà quây quần cùng ăn với gia đình hay bạn bè thì rất tuyệt, vừa đơn giản vừa đầm ấm.

Bánh tráng nhiều khi là một món ăn nhanh chống đói. Sáng dậy chỉ nhúng vài cái để ăn rồi đi học, đi làm; trong ngày, khi nào đói cũng có thể lấy vài cái bánh tráng nhúng ăn. Vì tính thông dụng đó nên trong nhà người Bình Định nào cũng có vài ràng bánh tráng. Khách đến đột xuất gặp bữa, chỉ cần nhúng thêm vài cái bánh tráng cuốn rau, trứng là xong. Người Bình Định cần cù, chất phác và đơn giản nên việc ăn uống cũng thể hiện đặc trưng của vùng miền.

Tôi không lớn lên ở Bình Định nhưng nơi tôi sống đa số là người Bình Định đến lập nghiệp và định cư. Họ vẫn luôn giữ nếp sống và những món ăn truyền thống nơi quê nhà. Sau mùa lúa, các lò bánh tráng bắt đầu đỏ lửa. Lò được đắp kín bằng đất bùn, để vừa cái nồi với tấm vải trắng sạch căng bên trên.

Khi nồi nước sôi, từng vá bột được người tráng bánh cẩn thận đổ vào tấm vải và nhanh tay trải mỏng lớp bột từ trong ra ngoài thành hình tròn. Khi bột chín và bánh đã thành hình, người ta dùng chiếc đũa lớn vớt ra và đặt ngay ngắn vào vỉ để đem phơi. Bánh tráng cần được làm vào ngày nắng để đảm bảo độ khô giòn và thơm ngon. Trước đây, khi chưa có điện và công nghệ còn hạn chế, việc làm bánh tráng chủ yếu là thủ công và phụ thuộc nhiều vào thời tiết.

Ở Bình Định hay Gia Lai-nơi nhiều người quê gốc Bình Định sinh sống, bánh tráng có mặt ở khắp nơi, từ chợ lớn, chợ nhỏ đến tạp hóa, siêu thị. Người Bình Định có câu nói truyền miệng: “Đi đâu nhớ đem theo ít tiền trong người để lỡ có làm bể bánh tráng mà đền cho người ta”. Đó là lời căn dặn con cháu về cách sống nhưng nó cũng chứng tỏ việc thông dụng của bánh tráng.

Đây cũng là một trong những món quà quê mà người Bình Định thường tặng bà con, bạn bè. Những sinh viên đi học xa nhà cũng đem theo món bánh tráng để có thể qua bữa mỗi khi đói lòng và thỏa nỗi nhớ quê. Bánh tráng có thể mua ở mọi nơi nhưng bánh tráng Bình Định có hương vị riêng và người Bình Định vẫn thích ăn bánh tráng quê mình là vì vậy.

Với sự giao thoa giữa các vùng miền, bánh tráng Bình Định hầu như đã có mặt khắp mọi nơi từ trong nước đến nước ngoài. Thế nhưng, ăn bánh tráng theo cách của người Bình Định vẫn là nét văn hóa rất riêng và là niềm tự hào khó tả của “xứ nẫu”.

NGUYỄN THỊ THÚY ÁI

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/banh-trang-binh-dinh-post324023.html
Zalo