Khám phá thiết bị được mệnh danh 'chiến thần cứu hộ' của đoàn cứu nạn Bộ Công an tại Myanmar
Trong chiến dịch cứu hộ cứu nạn quốc tế tại Myanmar sau thảm họa động đất, đoàn công tác Bộ Công an Việt Nam đã sử dụng thiết bị thủy lực bóp bê-tông dạng càng cua. Đây là thiết bị quan trọng vì không tạo ra rung chấn, qua đó hạn chế nguy cơ đổ sập ở các công trình đã bị động đất tàn phá trước đó.
Ngày 5/4, đoàn cứu nạn Bộ Công an Việt Nam tiếp tục làm nhiệm vụ tìm kiếm các nạn nhân bị vùi lấp sau trận động đất lịch sử tại Myanmar. Trong dàn thiết bị hiện đại được đưa vào sử dụng, đáng chú ý nhất là máy thủy lực bóp bê-tông dạng càng cua. Thiết bị này được mệnh danh là "chiến thần cứu hộ" trong suốt 6 ngày cứu hộ vừa qua.

Thiết bị được mệnh danh là "chiến thần" cứu hộ của đoàn cứu nạn Bộ Công an Việt Nam.
Giải thích về cơ chế và ưu điểm của thiết bị trên, Đại tá Nguyễn Minh Khương, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ, cho biết: "Thực tế, tại Myanmar, động đất đã khiến cho các tòa nhà đổ sập một phần, trong đó chủ yếu là tầng 1. Do đó, khi thực hiện công tác cứu hộ, nguy cơ sập đổ thứ cấp rất cao, vì vậy phải có phương án và kỹ thuật phù hợp".
Cụ thể, nếu sử dụng các trang thiết bị như khoan cắt, cưa bê-tông, đục bê-tông... rung chấn gây ra sẽ tương đối lớn, kéo theo nguy cơ sập đổ thứ cấp, gây nguy hiểm cho lực lượng tham gia.
"Kìm thủy lực bóp bê-tông dạng càng cua cho phép phá bê-tông mà không tạo ra rung chấn, tăng mức độ an toàn", Đại tá Nguyễn Minh Khương thông tin.
Khi hoạt động, kìm có thể phá bê-tông một cách dễ dàng và hầu như không có tiếng động.
Dưới đây là một số hình ảnh thực tế của "chiến thần cứu hộ" do phóng viên Báo Nhân Dân ghi lại tại Myanmar

Cận cảnh máy cắt thủy lực càng cua.

Tại phần đầu kìm có các đầu nhọn cho phép cắt vào sâu các khối bê-tông.

Ảnh: THÀNH ĐẠT


Khi được đưa vào sử dụng tại hiện trường, thiết bị gần như không tạo ra rung chấn.

Bên cạnh đó, tốc độ phá bê-tông cũng được tăng lên, trong khi giảm thiểu được công sức.
Lực lượng cứu hộ Việt Nam dùng kìm thủy lực phá bê-tông tại Myanmar. (Video: Báo Nhân Dân)