Uzbekistan và Việt Nam: Cùng hướng tới những cơ hội hợp tác mới

Tiến sĩ Tulanbay Kurbanov - Chuyên gia quan hệ quốc tế, thành viên Liên hiệp nhà báo Uzbekistan, IPU-150Từ ngày 4-8.4, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Trần Thanh Mẫn và Phu nhân thăm chính thức Cộng hòa Uzbekistan và tham dự Đại hội đồng lần thứ 150 Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU). Đây được đánh giá là chuyến thăm mang tính lịch sử, giúp đưa đến những cơ hội hợp tác mới cho Uzbekistan và Việt Nam.

 Lễ đón Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Phu nhân tại Sân bay quốc tế Islam Karimov Tashkent. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Lễ đón Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Phu nhân tại Sân bay quốc tế Islam Karimov Tashkent. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Chuyến thăm lịch sử trong khuôn khổ quan hệ song phương

Chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Trần Thanh Mẫn tới Uzbekistan là sự kiện quan trọng phản ánh mối quan tâm ngày càng tăng của cả hai nước trong việc tăng cường hợp tác song phương và tạo thêm nhiều cơ hội hợp tác trong các lĩnh vực chính trị, phát triển thương mại và đầu tư, mở rộng trao đổi giáo dục và văn hóa. Chuyến thăm nêu bật mối quan hệ hữu nghị truyền thống giữa Việt Nam và Uzbekistan, thể hiện mối quan tâm chung trong việc phát triển hơn nữa mối quan hệ này. Nó cũng thúc đẩy việc xây dựng cách tiếp cận thống nhất đối với các vấn đề ngoại giao nghị viện, an ninh khu vực và phát triển bền vững trong khuôn khổ Đại hội đồng liên nghị viện (IPA). Ngoài ra, chuyến thăm có thể trở thành chất xúc tác cho hợp tác kinh tế. Việt Nam đang tích cực phát triển quan hệ thương mại với Trung Á và Uzbekistan, với vị trí chiến lược thuận lợi, có thể đóng vai trò quan trọng trong quá trình này. Việc tăng cường hợp tác nghị viện sẽ tạo điều kiện trao đổi kinh nghiệm trong hoạt động lập pháp và cải thiện các thể chế dân chủ. Chuyến thăm còn mở ra triển vọng tăng cường hội nhập của cả hai nước vào các cấu trúc quốc tế và mở rộng sự hiện diện trên trường quốc tế.

Chuyến thăm Uzbekistan của Chủ tịch Trần Thanh Mẫn không chỉ tăng cường quan hệ song phương mà còn tạo cơ sở cho quan hệ đối tác chiến lược lâu dài.

Phép màu kinh tế Việt Nam - hành trình từ nghèo đói đến tăng trưởng thông qua cải cách và thu hút đầu tư

Trong những thập kỷ gần đây, Việt Nam đã trở thành một trong những nền kinh tế phát triển năng động nhất trong khu vực, dần trở thành "con hổ châu Á" mới. Vai trò then chốt trong tiến trình này thuộc về “Đổi mới” (chính sách Đổi mới), được khởi động năm 1986 nhằm thiết lập nền kinh tế thị trường định hướng Xã hội Chủ nghĩa. Nhờ những cải cách này, Việt Nam đã đạt được tăng trưởng kinh tế bền vững, mở rộng xuất khẩu và thu hút được dòng vốn đầu tư nước ngoài đáng kể. Tuy nhiên, hiện đại hóa kinh tế đi kèm với những thay đổi trong các lĩnh vực khác - chính trị, giáo dục, văn hóa và xã hội nói chung.

Việt Nam cũng là một trong những nền kinh tế số phát triển nhanh nhất và triển vọng nhất trong khu vực, với tốc độ tăng trưởng hàng năm là 38% và triển vọng trở thành nền kinh tế số lớn thứ hai ở Đông Nam Á vào năm 2025. Quốc gia này không chỉ giàu tài nguyên thiên nhiên mà còn có tiềm lực con người đáng kể, dân số Việt Nam hiện nay là gần 101,44 triệu người.

Những thành tựu của nền kinh tế Việt Nam hiện đại đáng được quan tâm đặc biệt. Theo số liệu mới công bố của Tổng cục Thống kê, tăng trưởng GDP đạt 7,09% vào năm 2024, đưa Việt Nam trở thành một trong những nền kinh tế phát triển năng động nhất thế giới. Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế, GDP của Việt Nam năm 2024 đạt 476,3 tỷ USD vào, đứng thứ 4 Đông Nam Á và thứ 33 trên thế giới. Ngày nay, Việt Nam đã trở thành một trong những trung tâm sản xuất hàng đầu thế giới, đặc biệt trong lĩnh vực điện tử và dệt may, và tích cực tham gia vào thương mại quốc tế. Việt Nam đã tham gia RCEP và CPTPP. Kim ngạch ngoại thương dự kiến sẽ đạt 800 tỷ USD.

Với môi trường đầu tư cởi mở, Việt Nam là một trong những quốc gia dẫn đầu về đầu tư nước ngoài trực tiếp (FDI) và đang hướng tới phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ Đầu tư giữa Liên minh châu Âu và Việt Nam (EVIPA). Xuất khẩu được mở rộng, bao gồm cả thị trường sản phẩm halal (các sản phẩm phù hợp tiêu chuẩn, giá trị của đạo Hồi).

Ngoại giao kinh tế tăng cường hợp tác với các công ty hàng đầu, góp phần vào quá trình chuyển đổi số và xanh, phát triển AI và ngành công nghiệp bán dẫn. Đầu tư vào công nghệ được thu hút tích cực, các trung tâm đổi mới sáng tạo được thành lập. Các biện pháp này hướng tới mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030 và 2045.

Tại các diễn đàn đa phương, Việt Nam đang tích cực củng cố năng lực, vai trò và trách nhiệm trong các vấn đề quốc tế. Việt Nam tích cực phát huy vai trò trong ASEAN, Liên Hợp Quốc, APEC, G20, BRICS, AIPA, Phong trào Không liên kết và Cộng đồng Pháp ngữ. Việt Nam tổ chức thành công Diễn đàn Tương lai ASEAN khởi động cơ chế thảo luận về triển vọng của tổ chức này đến năm 2045. Việt Nam là đối tác tích cực, đáng tin cậy và có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Tính đến ngày 10.3.2025, Việt Nam có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với 11 nước và quan hệ đối tác toàn diện với 14 nước.

Từ thiết lập quan hệ ngoại giao đến quan hệ đối tác đa phương

Kể từ khi Uzbekistan và Việt Nam thiết lập quan hệ ngoại giao (tháng 1.1992), cả hai nước đều theo đuổi chính sách đối ngoại cởi mở, cùng có lợi và mang tính xây dựng. Mối quan hệ hữu nghị giữa Tashkent và Hà Nội đang phát triển vững chắc dựa trên truyền thống hữu nghị chân thành và tôn trọng lẫn nhau giữa nhân dân hai nước.

 Nguồn: uzdaily.uz

Nguồn: uzdaily.uz

Trong những năm qua đã diễn ra một loạt chuyến thăm cấp cao giữa hai nước. Cuộc gặp gần đây nhất của lãnh đạo cấp cao hai nước diễn ra vào ngày 17.10.2023 tại Bắc Kinh trong khuôn khổ Diễn đàn quốc tế “Vành đai, Con đường” lần thứ 3. Lãnh đạo Uzbekistan nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác với Việt Nam và bày tỏ mong muốn tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực quan trọng, bao gồm dầu khí, giáo dục, trao đổi sinh viên và quan hệ văn hóa. Tổng thống Uzbekistan Shavkat Mirziyoyev, trong cuộc gặp với Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính bên lề hội nghị thượng đỉnh BRICS tại Kazan, Nga vào tháng 10.2024, đã nhấn mạnh Việt Nam là đối tác tin cậy của Uzbekistan tại châu Á và bày tỏ hy vọng Việt Nam sẽ trở thành cầu nối để Uzbekistan mở rộng hợp tác với ASEAN. Hai nước phối hợp hiệu quả tại LHQ và các tổ chức quốc tế quan trọng khác. Là một bên tham gia Hiệp ước Bangkok về thành lập Khu vực phi vũ khí hạt nhân ở Đông Nam Á, Việt Nam luôn ủng hộ sáng kiến của Uzbekistan về thành lập Khu vực phi vũ khí hạt nhân ở Trung Á.

Một yếu tố khác gắn kết hai quốc gia lại với nhau là cam kết của họ đối với nguyên tắc “bốn không” trong chính sách quốc phòng, cụ thể: 1) không tham gia các liên minh quân sự; 2) không ủng hộ một quốc gia chống lại quốc gia khác; 3) không cho phép nước ngoài đặt căn cứ quân sự và không cho phép sử dụng lãnh thổ của mình để chống lại các nước khác; 4) Không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế.

Động lực quan trọng cho mối quan hệ này đến từ việc ký kết Hiệp ước về các nguyên tắc cơ bản của quan hệ liên quốc gia và hợp tác vào năm 1996, cũng như một số thỏa thuận liên chính phủ tạo cơ sở pháp lý cho hợp tác giữa Tashkent và Hà Nội trong các lĩnh vực chính trị, thương mại, kinh tế và văn hóa - nhân văn.

Trong giai đoạn đầu sau khi thiết lập quan hệ ngoại giao, quan hệ thương mại và kinh tế giữa hai nước vẫn còn hạn chế. Hợp tác chủ yếu tập trung vào trao đổi văn hóa và giáo dục, cũng như hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp và dệt may. Tuy nhiên, việc thiếu cơ sở hạ tầng giao thông phát triển và các hiệp định thương mại đã cản thương mại song phương.

Từ đầu những năm 2000, quan hệ hợp tác giữa Uzbekistan và Việt Nam đã dần được mở rộng. Các hiệp định thương mại đầu tiên đã được ký kết, đơn giản hóa hoạt động xuất nhập khẩu. Việt Nam đã trở thành một trong những nước chính mua bông và sản phẩm hóa chất của Uzbekistan, trong khi Uzbekistan đã tăng nhập khẩu các mặt hàng công nghiệp nhẹ, điện tử, chè và hải sản của Việt Nam.

Kể từ năm 2017, theo sáng kiến của Tổng thống Shavkat Mirziyoyev, hợp tác song phương đã đạt đến một tầm cao mới. Năm 2018, Việt Nam bày tỏ mong muốn mở rộng nhập khẩu bông và dược phẩm của Uzbekistan. Sự phát triển của các tuyến logistics qua Trung Quốc và Kazakhstan đã tạo thuận lợi cho việc cung cấp sản phẩm.

Hợp tác giữa Uzbekistan và Việt Nam trong lĩnh vực văn hóa và nhân văn là một nội hàm quan trọng của quan hệ song phương, bao gồm các hoạt động trao đổi giáo dục, phát triển du lịch, sự kiện văn hóa, hợp tác trong lĩnh vực truyền thông và văn học. Một trong những lĩnh vực hợp tác quan trọng là giáo dục. Thời Liên Xô, nhiều sinh viên Việt Nam đã theo học tại các trường đại học Uzbekistan, như Đại học tổng hợp quốc gia Tashkent và Đại học Dệt may và Công nghiệp nhẹ Tashkent. Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng, Uzbekistan và Việt Nam gắn bó bởi quan hệ hữu nghị lâu đời. “Hai nước chúng ta không chỉ gắn kết với nhau bởi lịch sử mà còn bởi hai dân tộc anh em. Hơn 3.000 sinh viên Việt Nam đã học tập tại Uzbekistan trong những năm 1970-1980 đã trở thành cầu nối hữu nghị thực sự giữa hai nước. Nhiều người trong số họ hiện đang giữ những vị trí quan trọng trong xã hội, góp phần tăng cường hợp tác Uzbekistan-Việt Nam”.

Giao lưu văn hóa đóng vai trò quan trọng trong việc tăng cường tình hữu nghị giữa các dân tộc. Tashkent và Hà Nội thường xuyên tổ chức Ngày Văn hóa, bao gồm triển lãm, biểu diễn kịch, chiếu phim, hòa nhạc truyền thống và các tiết mục múa. Các nghệ sĩ Việt Nam và Uzbekistan tích cực tham gia các lễ hội quốc tế, giới thiệu di sản văn hóa của đất nước mình.

Phát triển du lịch chiếm vị trí quan trọng trong hợp tác. Việt Nam thu hút khách du lịch Uzbekistan với những bãi biển, thắng cảnh thiên nhiên và ẩm thực. Ngược lại, Uzbekistan cũng hấp dẫn du khách Việt Nam bởi các di tích trên Con đường tơ lụa vĩ đại như Samarkand, Bukhara và Khiva. Khách du lịch Uzbekistan quan tâm đến việc khám phá các điểm du lịch mới tại Việt Nam như Nha Trang, Đà Nẵng, Đà Lạt, Phú Quốc và Hạ Long. Sự phát triển của logistics và các cuộc đàm phán mở các chuyến bay mới góp phần vào sự tăng trưởng dòng khách du lịch giữa hai nước. Năm ngoái, 20 nghìn du khách Uzbekistan đã đến thăm Việt Nam và 1.200 du khách Việt Nam đã đến thăm Uzbekistan. Sự phát triển tích cực của ngoại giao nhân dân được thể hiện qua hợp tác giữa Hội hữu nghị Uzbekistan-Việt Nam và Hội hữu nghị Việt Nam-Uzbekistan. Đại diện của các tổ chức này tích cực tham gia vào nhiều lễ hội văn hóa và nghệ thuật quốc tế. Đặc biệt, các nghệ sĩ Việt Nam thường xuyên tham gia lễ hội âm nhạc quốc tế “Sharq Taronalari” được tổ chức tại Samarkand. Hợp tác trong lĩnh vực truyền thông và văn học cũng đáng chú ý. Ở Uzbekistan, các bản dịch tác phẩm kinh điển của Việt Nam được xuất bản, bao gồm tập thơ "Nhật ký trong tù" của Chủ tịch Hồ Chí Minh, và ở Việt Nam, các truyện dân gian và văn học cổ điển của Uzbekistan được dịch ra ra tiếng Việt. Việc đưa tin về các sự kiện văn hóa của nhau trên truyền hình và báo chí tạo điều kiện giới thiệu lịch sử và truyền thống của hai nước.

Ưu tiên hợp tác Uzbekistan-Việt Nam

Uzbekistan và Việt Nam đang tích cực phát triển hợp tác trên nhiều lĩnh vực. Việt Nam nhập khẩu các mặt hàng như phân bón, bông, nguyên liệu dệt may, da giày từ Uzbekistan, xuất khẩu máy tính, thiết bị điện tử, gỗ và cao su. Hiện nay, có 5 dự án đầu tư có sự tham gia của Việt Nam đang được triển khai tại Uzbekistan với tổng vốn đầu tư là 4,4 triệu USD. Các dự án này nhằm mục đích phát triển sản xuất thức ăn chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và sản xuất tơ tằm.

Một trong những lĩnh vực hợp tác quan trọng là nông nghiệp, đặc biệt là phát triển nuôi trồng thủy sản và chăn nuôi. Uzbekistan đã bày tỏ sự quan tâm đến việc nuôi cá nước ngọt và đã đề nghị Việt Nam trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực này.

Trong lĩnh vực giáo dục, hợp tác tiếp tục phát triển, tiếp nối truyền thống vẻ vang từ thời Liên Xô. Từ năm 2004, Uzbekistan bắt đầu cấp học bổng cho sinh viên Việt Nam, còn tại Đại học Phương Đông Tashkent việc học tiếng Việt đang được triển khai với sự quan tâm lớn. Du lịch giữa hai nước cũng đang tăng trưởng nhờ các chuyến bay thẳng giữa Tashkent và Việt Nam. Năm 2024, số lượng khách du lịch từ Uzbekistan đến Việt Nam là 20.000 người và sự quan tâm của người Việt Nam đến Uzbekistan cũng ngày càng tăng.

Để tăng cường hơn nữa hợp tác song phương, cả hai nước cần tăng cường kết nối giao thông, bao gồm đường sắt và đường hàng không, điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho tăng trưởng thương mại, đầu tư và phát triển du lịch.

Hợp tác liên nghị viện giữa Uzbekistan và Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong việc tăng cường đối thoại chính trị, hài hòa hóa pháp luật và trao đổi kinh nghiệm trong quản lý công. Các chuyến thăm chính thức và đối thoại quốc hội góp phần phát triển quan hệ thương mại và kinh tế, bảo vệ nhà đầu tư và các sáng kiến nhân văn. Trong tương lai, dự kiến sẽ tăng cường đối thoại liên nghị viện, thành lập các nhóm làm việc và hài hòa hóa luật pháp kinh tế, qua đó tăng cường quan hệ song phương và tạo cơ sở pháp lý bền vững cho quan hệ đối tác lâu dài. Trên trường quốc tế, Uzbekistan và Việt Nam hợp tác trong Liên minh Nghị viện thế giới (IPU) và Đại hội đồng Nghị viện Châu Á (APA), thúc đẩy hợp tác khu vực, kinh tế xanh và phát triển luật pháp quốc tế.

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/uzbekistan-va-viet-nam-cung-huong-toi-nhung-co-hoi-hop-tac-moi-post409472.html
Zalo