Khám phá sự phong phú và đa dạng của các nền văn minh cổ đại Mexico

Đại sứ quán Mexico tại Việt Nam giới thiệu triển lãm Hành trình qua Mexico cổ đại, một phần trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước (19/5/1975-2025).

Phần lớn hiện vật trong triển lãm được chế tác bằng chất liệu gốm. (Nguồn: Đại sứ quán Mexico tại Việt Nam)

Phần lớn hiện vật trong triển lãm được chế tác bằng chất liệu gốm. (Nguồn: Đại sứ quán Mexico tại Việt Nam)

Diễn ra từ ngày 22-28/5 tại Trung tâm Thông tin - Triển lãm Hà Nội, đây là triển lãm đầu tiên tại Việt Nam dành riêng cho nghệ thuật tiền Colombo của Mexico. Triển lãm giới thiệu sự phong phú và đa dạng của các nền văn minh cổ đại Mexico thông qua bản sao các hiện vật khảo cổ được Viện Nhân học và Lịch sử quốc gia Mexico chứng nhận, bao gồm bản sao của một bộ bản thảo cổ có ý nghĩa lịch sử quan trọng.

Các nền văn minh tiêu biểu được giới thiệu trong triển lãm bao gồm: Văn hóa Olmec (1200 TCN-400 TCN); nền văn minh Maya (phát triển cực thịnh vào thời kỳ Cổ điển từ năm 250-900), nổi bật với trình độ phát triển cao về toán học, thiên văn học, chữ viết và nghệ thuật; nền văn minh Mexica (Aztec) (1325-1521), với một đế chế hùng mạnh và thủ đô Tenochtitlán – trung tâm chính trị, kinh tế và tôn giáo của thế giới tiền Tây Ban Nha.

Phần lớn hiện vật trong triển lãm được chế tác bằng chất liệu gốm – một trong những chất liệu chính được sử dụng trong thời kỳ đó.

Qua nhiều thế kỷ, các nghệ nhân đã sáng tạo nên những vật dụng gốm đa dạng về hình dáng và kích thước, được trang trí bằng các họa tiết hình học, biểu tượng và mô phỏng tự nhiên. Các hiện vật này không chỉ phục vụ cho đời sống hàng ngày như lưu trữ thực phẩm, nấu nướng, uống nước, mà còn được dùng trong các nghi lễ tôn giáo và chôn cất trong mộ phần để tưởng niệm người đã khuất.

Triển lãm Hành trình qua Mexico cổ đại được xây dựng xoay quanh ba chủ đề chính:

Văn minh Olmec giới thiệu bức ảnh đầu tượng khổng lồ – biểu tượng đặc trưng của nền văn minh Olmec – với kỹ thuật chế tác tinh xảo. Tác phẩm này là bản sao đang được trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh. Nguyên bản các đầu tượng này được chạm khắc từ đá núi lửa, thể hiện quyền lực tối cao và vẻ uy nghi của các thủ lĩnh Olmec – nền văn minh cổ nhất trong lịch sử Mexico.

Bộ sưu tập 21 hiện vật gốm gồm các tác phẩm đến từ nhiều thời kỳ và khu vực khác nhau của Mexico cổ đại, bắt đầu từ thời kỳ Trung tiền cổ (1200–600 TCN). Một số hiện vật tiêu biểu gồm: Bình gốm hình người hai mặt của văn hóa Paquimé thuộc miền Bắc Mexico; Nhóm tượng tinh xảo từ Jaina (Campeche), thể hiện sự tinh tế và kỹ thuật điêu luyện của nền văn minh Maya; Mô hình báo đốm có bánh xe từ Veracruz – một món đồ chơi độc đáo kết hợp hình ảnh động vật bản địa với yếu tố công nghệ sơ khai là bánh xe; các hiện vật lấy cảm hứng từ động vật như bình hình tatu (Armadillo Vessel) và cặp chó đôi, phản ánh sự nhạy cảm hài hước của các nghệ nhân cổ đại miền Tây Mexico.

Bản sao của bản thảo Codex Boturini (Dải hành hương): Codex là những cuốn sách hoặc tài liệu hình vẽ của các nền văn minh cổ đại Mexico. Codex Boturini có niên đại từ năm 1535, ngay sau cuộc chinh phạt của Tây Ban Nha, mô tả cuộc di cư huyền thoại của người Mexica từ Aztlan đến Tenochtitlán – thủ đô của đế chế Mexica, sau này trở thành thành phố Mexico. Bản sao này được chế tác trung thực trên giấy amate, cho phép người xem tiếp cận câu chuyện cổ xưa qua phương thức trực quan và biểu tượng.

Triển lãm được thực hiện dưới sự cố vấn giám tuyển của Tiến sĩ Laura Sotelo, chuyên gia từ Trung tâm Nghiên cứu Maya thuộc Đại học Tự trị quốc gia Mexico (UNAM).

Lễ khai mạc diễn ra vào lúc 11h ngày 22/5 tại Trung tâm Thông tin - Triển lãm Hà Nội (số 93 Đinh Tiên Hoàng, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội).

Một số tác phẩm trưng bày tại triển lãm:

Linh Linh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/kham-pha-su-phong-phu-va-da-dang-cua-cac-nen-van-minh-co-dai-mexico-313919.html
Zalo