Khám phá 'sắc màu' Nguyễn Lâm Chí Thiện ở SCAD

Giờ lên lớp, Nguyễn Lâm Chí Thiện là trưởng hai khoa Kiến trúc bảo tồn và Thiết kế nội thất Trường Savannah College of Art and Design (SCAD), Hoa Kỳ. Ngoài giờ học, sân trường 'náo động' với một Chí Thiện thời trang rực rỡ sắc màu, di chuyển qua lại các lớp học tạo nguồn cảm hứng sáng tạo trong sinh viên. Rời SCAD, Chí Thiện trở về Studio THỌ, cùng cộng sự tạo nên những thiết kế chưa từng hiện hữu, và không hề lặp lại.

Từng được vinh danh với nhiều giải thưởng chuyên môn cao về kiến trúc của Mỹ và thế giới khi đang còn hành nghề ở các công ty thiết kế kiến trúc tại Mỹ như DiLeonardo International, Elkus Manfredi Architects… năm 2020, Chí Thiện tự nguyện rẽ ngang sang công tác giảng dạy ở ngôi trường nổi tiếng của Mỹ về thiết kế là SCAD tại thành phố Savannah, tiểu bang Georgia, cũng ở một chuyên ngành đặc biệt hiếm là kiến trúc bảo tồn, với lý do đơn giản: “Để thử sức mình và làm mới bản thân”.

Việc một người Việt trẻ được bổ nhiệm làm trưởng khoa ngành học mới gây ra nhiều hoài nghi, nhưng Chí Thiện khẳng định khả năng của mình, việc được SCAD giao kiêm luôn trưởng khoa Thiết kế nội thất là một minh chứng cụ thể.

Khác biệt từ màu sắc, một chi tiết tạo nên cá tính riêng của Chí Thiện trong môi trường giáo dục SCAD.

Khác biệt từ màu sắc, một chi tiết tạo nên cá tính riêng của Chí Thiện trong môi trường giáo dục SCAD.

Phụ trách cùng lúc hai khoa với lĩnh vực hoàn toàn khác nhau, Chí Thiện nói về nghề: “Tôi coi cả hai là thiết kế trải nghiệm, cần gắn với yếu tố con người nên luôn nghĩ đến chiến lược dài hạn để phục vụ con người một cách tối ưu. Khi được giao nhiệm vụ, việc đầu tiên tôi muốn cải tổ là hướng sinh viên tập trung vào hoạch định chiến lược dài hạn”.

Nói về câu chuyện “chiến lược”, Chí Thiện làm rõ hơn: “Câu hỏi triệu đô bây giờ là làm thế nào để tạo ra ảnh hưởng trong ngành xây dựng, thiết kế nội thất và bảo tồn cho vài thập kỷ tới? Tôi trao đổi với các công ty thiết kế ở Mỹ, tham khảo họ đang có nhu cầu gì để trường có thể thay đổi cách đào tạo cho phù hợp, họ đều nói rằng cần người có tư duy chiến lược, có ý tưởng bay bổng, sáng tạo. Giờ là lúc chiến lược lên ngôi, và tôi hướng sinh viên SCAD đến điều đó”.

Fitzroy Garden, một thiết kế của Studio THỌ ở Savannah đậm chất kể chuyện mà khi tiếp cận ở cự ly gần mới khám phá hết.

Fitzroy Garden, một thiết kế của Studio THỌ ở Savannah đậm chất kể chuyện mà khi tiếp cận ở cự ly gần mới khám phá hết.

Trong công tác giảng dạy, Chí Thiện tập trung xây dựng hình ảnh cá nhân, trang phục thể hiện đậm chất nghệ sĩ với lối phối màu cực kỳ hiện đại, bay bổng, phá cách, cá tính, và hơn cả là đẹp mắt, ấn tượng.

Chí Thiện chia sẻ lý do: “Các thiết kế bây giờ đa phần kiệm màu, nhu cầu xã hội cũng đang theo như thế, và tạo thành một nhịp như nhau. Thế giới quá nhiều thứ giống nhau, nếu không nổi bật, thì không thể thành công, đặc biệt với nghề sáng tạo. Mỗi ngày đi dạy, ở khoảng nghỉ giữa giờ, tôi sẽ đi khắp trường, vào các lớp thăm hỏi sinh viên, để các bạn thấy được năng lượng từ màu sắc. Nhiều sinh viên bảo rằng thầy giống nhân vật chính trong phim.

Rõ ràng màu sắc có sức mạnh, vậy sao không trở thành nhân vật chính mà cứ làm nhân vật quần chúng để dìm hàng mình? Tôi coi việc tạo dấu ấn hình ảnh với người đối diện cũng là kỹ năng mềm trong việc đào tạo sinh viên”.

Cũng từ việc xây dựng hình ảnh cá nhân làm bài học cho sinh viên, Chí Thiện lại bất ngờ nhận thêm nhiệm vụ mới trong vai trò giám đốc sáng tạo của SCAD (Executive Creative Director), trách nhiệm là điều hành thực hiện tất cả những gì sáng tạo của trường, từ làm thương hiệu, đồ họa, hình ảnh, video clip, làm truyền thông và thiết kế nội dung cho các kênh thông tin…

Chí Thiện cùng các học trò Việt Nam tại SCAD chơi Tết 2024.

Chí Thiện cùng các học trò Việt Nam tại SCAD chơi Tết 2024.

Giảng viên Nguyễn Lâm Chí Thiện nổi bật trong môi trường giáo dục tại SCAD với những trang phục đầy sắc màu.

Giảng viên Nguyễn Lâm Chí Thiện nổi bật trong môi trường giáo dục tại SCAD với những trang phục đầy sắc màu.

Ngoài công việc giảng dạy, Chí Thiện cũng là người sáng lập một công ty thiết kế, sáng tạo, gọi ngắn gọn là Studio THỌ, anh giải thích về tên gọi rất Việt này: “Bà ngoại tôi là Nguyễn Thị Thọ, trong gia đình có 8 người con được cụ cố tôi đặt tên theo thứ tự từ câu chúc thọ rất Á Đông là: Phúc - Như - Đông - Hải - Thọ - Tỉ - Nam - Sơn. Tôi lấy tên bà đặt cho công ty, và coi đó như “nàng thơ” (muse) để vận hành. Ngoại tôi là người hiếu khách lắm, mỗi dịp Tết đến, bà con khắp nơi đến ăn uống, được bà phục vụ không phải mâm vàng chén bạc, cao lương mỹ vị, nhưng bà biết rõ người nào ăn tay trái để xếp đũa cho hợp, người nào ăn chay để bố trí cùng mâm cho tiện… bà đọc ý nghĩ của khách trước khi họ cần. Tinh thần đó tôi đem ứng dụng vào THỌ.

Chữ THO trong tiếng Anh cũng có nghĩa là ALTHOUGH (nhưng, dù). Đó là sự kết nối hai mảng văn hóa, hai khái niệm nơi tôi lớn lên (với bà ngoại) và nơi tôi trưởng thành (môi trường hiện tại)”.

Các thành viên của THỌ trong một buổi họp tại Studio.

Các thành viên của THỌ trong một buổi họp tại Studio.

Trong kỳ nghỉ ngắn hạn để về Việt Nam mới đây, Chí Thiện tranh thủ tìm cơ hội để tạo kết nối, anh cho biết: “Từ khi đi học, tốt nghiệp ra trường, tôi vẫn luôn có ý hướng về Việt Nam, từ đề tài nghiên cứu, tìm sự giao thoa, vì những cái rất riêng của tôi như yếu tố sân khấu, màu sắc, trình diễn… đều là do ảnh hưởng từ nhỏ ở Việt Nam. Ba tôi trước là Viện trưởng Viện Trao đổi Văn hóa với Pháp (IDECAF), nên lúc nhỏ tôi có nhiều dịp vào sân khấu xem các cô chú Thành Lộc, Kim Xuân, Thanh Thủy… tập kịch. Do vậy trong thiết kế, điều đó ảnh hưởng nhiều, tôi luôn đưa mọi người vào trải nghiệm không gian, với ánh sáng, sắc màu, tiếp đến là chi tiết, hoa văn trang trí… tựa như một vở kịch hay một bộ phim để có thể dùng nó để dẫn chuyện theo ý mình.

Lần về nước này, tôi muốn tìm cơ hội từ các nhà sản xuất trong nước ở lĩnh vực gốm sứ, đồ nội thất… và thấy Việt Nam làm được mọi thứ. Đây cũng là yếu tố để tôi có thể kết nối, phát triển rộng hơn các sản phẩm có tính thiết kế, thẩm mỹ hơn, chất lượng hơn, đậm dấu ấn Việt Nam thông qua THỌ, để mọi người thấy rằng không phải cứ ngoại nhập, hay nhãn mác phương Tây mới là tốt, Việt Nam có thể làm được nhiều điều tương tự và hay hơn thế”.

Bài và ảnh: Nguyễn Đình

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/kham-pha-sac-mau-nguyen-lam-chi-thien-o-scad-46355.html
Zalo