Khám phá 'kho báu' đồ sộ của nửa thế kỷ phim Việt Nam về chiến tranh

DANAFF III sẽ trình chiếu tại rạp 22 bộ phim chọn lọc về chiến tranh được sản xuất sau năm 1975, cùng đó là những cuộc gặp gỡ giữa khán giả với các nghệ sĩ, những người làm phim.

Cảnh trong phim "Mối tình đầu" (1980).

Cảnh trong phim "Mối tình đầu" (1980).

Liên hoan phim Châu Á Đà Nẵng lần thứ 3 (DANAFF III) trở lại với những người làm điện ảnh Việt Nam và quốc tế cùng khán giả yêu điện ảnh từ 29/6-5/7/2025 tại TP Đà Nẵng.

DANAFF III được tổ chức đúng vào năm kỷ niệm 50 năm giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước nên BTC dành chương trình trọng điểm của Liên hoan phim xoay quanh chủ đề “Nửa thế kỷ phim Việt Nam về chiến tranh”.

Cũng trong chương trình trọng điểm này, hội thảo Dấu ấn phim chiến tranh của Việt Nam từ sau ngày đất nước thống nhất sẽ nhìn nhận và đánh giá một cách toàn diện về những thành quả, giá trị và vị trí của phim chiến tranh trong sự phát triển của điện ảnh nói riêng, quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới nói chung.

Phim "Giải phóng Sài Gòn" (2005).

Phim "Giải phóng Sài Gòn" (2005).

Đại thắng Mùa Xuân năm 1975 đã thống nhất đất nước, chấm dứt chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ và các thế lực tay sai, bắt đầu một cuộc sống hòa bình ở Việt Nam. Phải nói rằng đề tài chiến tranh cách mạng trong tác phẩm điện ảnh từ sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước có sự khác biệt, đổi mới rõ rệt so với những phim ra đời trong thời chiến.

Từng có thời phim tài liệu chiến tranh giữ vị trí tiên phong trong thời chiến, nhưng đã nhường chỗ cho phim truyện. Các nhà làm phim truyện đã có sự giãn cách thời gian để nhìn lại cuộc chiến, chiêm nghiệm những giá trị lớn lao của phẩm giá anh hùng, niềm tự hào dân tộc và cái giá của những hy sinh mất mát. Điều này được thể hiện trong những bộ phim phản ánh cuộc sống những ngày đầu hòa bình, trong đó những vết thương chiến tranh cả về thể xác và tinh thần.

Nhưng ngay cả phim phản ánh chiến tranh một cách trực diện thì sự chiêm nghiệm cũng đạt được độ khái quát cao, dưới bề mặt của bom đạn, khói lửa, của sự chiến đấu anh dũng và hy sinh, mất mát đã kết tinh những triết lý - đạo lý Việt Nam.

NSND Quốc Khánh và Trương Ngọc Ánh trong "Áo lụa Hà Đông" (2006).

NSND Quốc Khánh và Trương Ngọc Ánh trong "Áo lụa Hà Đông" (2006).

Qua những tác phẩm điện ảnh chọn lọc về đề tài chiến tranh tại DANAFF III, các đại biểu Việt Nam và quốc tế, các nhà làm phim và khán giả sẽ cảm nhận cách nhìn, cách tư duy, sáng tạo của các nhà làm phim có những thay đổi rõ rệt.

Nếu như thời chiến tranh, các nhà sáng tác, đạo diễn thiên về phản ánh trực diện, nhiều tác phẩm giá trị ra đời. Tuy nhiên, điểm chung là các phim mang tính tuyên truyền, động viên tinh thần chiến đấu của quân và dân thì sau khi đất nước thống nhất, các nhà làm phim đã có sự giãn cách thời gian để suy ngẫm. Từ đó có những bộ phim thể hiện cả những bi kịch chiến tranh, những thân phận “bé nhỏ”, bất hạnh; có những phim mang tính khái quát, chứa đựng những triết lý nhân sinh của dân tộc Việt Nam.

22 phim điện ảnh trong Chương trình “Nửa thế kỷ phim Việt Nam về chiến tranh” sẽ được trình chiếu miễn phí trong thời gian diễn ra Liên hoan phim Châu Á Đà Nẵng lần thứ 3 (29/6-5/7/2025) trên các cụm rạp tại TP. Đà Nẵng. Khán giả có cơ hội được giao lưu với các nghệ sĩ nổi tiếng, lắng nghe những câu chuyện điện ảnh thú vị và đáng nhớ.

Lã Thanh Huyền trong "Người trở về" (2015).

Lã Thanh Huyền trong "Người trở về" (2015).

Chi tiết chương trình và lịch chiếu sẽ được BTC công bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin, cũng như các kênh truyền thông của Liên hoan phim, trong đó có Fanpage Facebook và kênh TikTok của Liên hoan phim Châu Á Đà Nẵng trong tháng 6/2025.

22 phim điện ảnh trong Chương trình “Nửa thế kỷ phim Việt Nam về chiến tranh”

Cánh đồng hoang (1979)
Mẹ vắng nhà (1980)
Mối tình đầu (1980)
Về nơi gió cát (1983)
Huyền thoại về người mẹ (1987)
Truyện cổ tích cho tuổi 17 (1988)
Tuổi thơ dữ dội (1991)
Lưỡi dao (1995)
Ngã ba Đồng Lộc (1997)
Chung cư (1999)
Vào Nam ra Bắc (2000)
Người đàn bà mộng du (2001)
Vũ khúc con cò (2002)
Hà Nội 12 ngày đêm (2002)
Giải phóng Sài Gòn (2005)
Sống trong sợ hãi (2006)
Áo lụa Hà Đông (2006)
Sinh mệnh (2007)
Mùi cỏ cháy (2011)
Những người viết huyền thoại (2013)
Người trở về (2015)
Truyền thuyết về Quán Tiên (2019)

Quỳnh An
Ảnh: BTC

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/kham-pha-kho-bau-do-so-cua-nua-the-ky-phim-viet-nam-ve-chien-tranh-2395254.html
Zalo