Khám phá 'đời sống mới' của dòng tranh dân gian truyền thống

Triển lãm tranh sơn mài 'Mạch di sản' sẽ kể câu chuyện thật kỳ thú về dòng tranh dân gian, được tái tạo kết hợp giữa kỹ thuật tranh sơn mài và sơn khắc, mang đến góc nhìn mới mẻ về nghệ thuật truyền thống đặc sắc của Việt Nam.

Nằm trong chuỗi các hoạt động nhân dịp 79 năm Ngày Cách mạng Tháng Tám thành công (19/8/1945 - 19/8/2024), Ngày Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945 - 2/9/2024) và hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024), ngày 9/8, tại Trung tâm giao lưu văn hóa phố cũ (49 Trần Hưng Đạo, Hà Nội), Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội phối hợp với nhóm họa sĩ Latoa Indochine tổ chức triển lãm tranh sơn mài "Mạch di sản".

Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long phát biểu tại sự kiện

Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long phát biểu tại sự kiện

Phát biểu tại sự kiện, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long cho biết: "Tranh dân gian Việt Nam có một lịch sử rất lâu đời, đã từng có thời gian phát triển mạnh mẽ, dòng tranh này không những là tài sản riêng của các làng tranh mà còn là tài sản chung của dân tộc. Ngày nay, có rất nhiều dòng tranh dân gian đang dần bị mai một do sự xuất hiện của tranh hiện đại, chỉ còn một số ít vẫn đang được giữ gìn bảo tồn trong một số làng nghề và gia đình làm tranh. Latoa Indochine là một trong những đơn vị đang miệt mài trên con đường phục dựng lại dòng tranh dân gian trên chất liệu sơn màu khắc.

Với phương pháp này, các nghệ sĩ đã sáng tạo mang đến "đời sống mới" cho hàng chục mẫu tranh dân gian thuộc các dòng tranh vang bóng một thời như: Đông Hồ, Kim Hoàng và Hàng Trống, thông qua việc phản ánh cái hồn, cái tinh thần của tranh dân gian vào một tác phẩm đương đại. Quá trình sáng tạo cho phép có những thay đổi về màu sắc, tạo hình để tạo hiệu ứng mỹ thuật, hay xa hơn là lấy cảm hứng từ các mẫu tranh kinh điển để tạo ra những tác phẩm mới.

Các đại biểu cắt băng khai mạc triển lãm

Các đại biểu cắt băng khai mạc triển lãm

"Chính vì thế, thông qua triển lãm tranh sơn mài "Mạch di sản", chúng tôi mong muốn lan tỏa tới công chúng những di sản văn hóa mà ông cha ta để lại, đồng thời giới thiệu sâu hơn về nghệ thuật sơn mài truyền thống của Việt Nam. Qua đó, khơi dậy ý thức bảo tồn và giữ gìn những nét đẹp di sản văn hóa, lịch sử của dân tộc nói chung, giá trị nghệ thuật của các dòng tranh dân gian nói riêng. Đồng thời, tạo tiền đề đưa tranh dân gian trở thành một sản phẩm văn hóa đặc sắc của Thủ đô Hà Nội nói riêng, Việt Nam nói chung" – ông Phạm Tuấn Long nhấn mạnh.

Không gian triển lãm

Không gian triển lãm

60 bức tranh dân gian Hàng Trống, Đông Hồ, Kim Hoàng với những chủ đề quen thuộc như: Lợn đàn, Thần Kê, Đánh ghen, Ngũ Hổ, Đám cưới chuột… được trưng bày tại triển lãm "Mạch di sản" sẽ kể câu chuyện thật kỳ thú về dòng tranh dân gian, được tái tạo kết hợp giữa kỹ thuật tranh sơn mài và sơn khắc, mang đến góc nhìn mới mẻ cho công chúng về nghệ thuật truyền thống đặc sắc của Việt Nam.

Một số tác phẩm trưng bày tại triển lãm

Một số tác phẩm trưng bày tại triển lãm

Theo Chủ tịch Latoa Indochine Phạm Ngọc Long, bóc tách từng lớp lang văn hóa hiện trên mỗi bức tranh dân gian, cũng đủ thấy vốn liếng văn hóa Việt thuần khiết và trong sáng, đa dạng, độc đáo đến nhường nào. Và sự độc đáo của tác phẩm dân gian không dừng lại ở đặc tả hay thông điệp. Có những bức tranh như "Xích Hổ", trong ngũ hành tương sinh, Xích Hổ đại diện cho sự sống tượng trưng cho lửa, cho sự công bằng, công lý hay danh dự cũng như tinh thần bất diệt, sự nhiệt huyết và tấm lòng quả cảm.

Trong khi đó, Thần Kê trong tranh Kim Hoàng thường được người xưa dán lên cửa vào những ngày Tết. Bức tranh tươi sáng với ý nghĩa đem lại sự may mắn, nhưng ý nghĩa thực sự lại được người xưa thực hiện như một "tranh bùa" trấn giữ nhà cửa, xua đuổi tà ma. Người xưa tin rằng, Thần Kê có sức mạnh đến quỷ thần cũng phải khiếp sợ.

Một số tác phẩm trưng bày tại triển lãm

Một số tác phẩm trưng bày tại triển lãm

"Mỗi bức tranh dân gian đều phản ánh sâu sắc đời sống vật chất và tinh thần của con người trong xã hội xưa. Qua tài sáng tạo và biết bao tâm huyết của các họa sĩ, những hình ảnh trong tranh sơn mài khắc đều được thể hiện tỉ mỉ, sắc nét, có chiều sâu. Các họa sĩ sẽ đưa người xem quay ngược về quá khứ, để thấy mạch chảy của di sản từ truyền thống đến hiện đại" – ông Phạm Ngọc Long nói.

Ngoài ra, tại triển lãm, các họa sĩ còn giới thiệu thêm các đề tài về sen, múa đèn, phong cảnh, nhân vật… bằng chất liệu sơn mài, thể hiện tình yêu và đam mê nghệ thuật.

Tác phẩm về đề tài sen được trưng bày tại triển lãm

Tác phẩm về đề tài sen được trưng bày tại triển lãm

Trong thời gian diễn ra triển lãm, nhóm họa sĩ Latoa Indochine còn tổ chức các hoạt động trải nghiệm sơn mài khắc và họa màu dân gian. Sự kiện nhằm giới thiệu tới công chúng hiểu sâu hơn về nghệ thuật sơn mài truyền thống của Việt Nam và các công đoạn để tạo ra một tác phẩm tranh sơn mài khắc.

Triển lãm thu hút đông đảo công chúng đến tham quan

Triển lãm thu hút đông đảo công chúng đến tham quan

Triển lãm tranh sơn mài "Mạch di sản" sẽ diễn ra đến hết ngày 3/9 tại Trung tâm Giao lưu văn hóa phố cũ, 49 Trần Hưng Đạo./.

Thương Nguyễn

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/kham-pha-doi-song-moi-cua-dong-tranh-dan-gian-truyen-thong-2024080919574453.htm
Zalo