Gìn giữ Tết xưa
Giữa nhịp sống ngày càng hối hả, Tết cổ truyền dường như cũng ít nhiều thay đổi theo hướng hiện đại hơn, mới mẻ hơn. Dẫu vậy, dù trải qua thời gian, những giá trị của ngày Tết cổ truyền vẫn luôn được gìn giữ qua nhiều thế hệ. Nghĩ về Tết xưa, mỗi người Việt vẫn luôn xúc động, hoài niệm về những điều thiêng liêng, quý giá...
Tết của miền ký ức
Những ngày cuối năm, đâu đâu cũng tràn ngập không khí Tết, nhẩn nha qua mấy quầy hàng xén trong chợ, mùi hương trầm phảng phất khiến tôi nhớ về những ngày Tết khi xưa.
Trong ký ức của tôi, khi ông Công, ông Táo về trời, ấy là khi không khí Tết bắt đầu rộn rã. Trẻ con cùng nhau nô đùa, khoe những món quà được bố mẹ sắm cho. Người lớn thì dọn dẹp, lau chùi nhà cửa. Cả một năm bận rộn mưu sinh nên Tết đến nhà nào cũng muốn chăm chút kỹ hơn cho ngôi nhà của mình.
Đi chợ sắm Tết, mẹ tôi thường không quên mua về một tấm khăn trải bàn mới tinh và một bức tranh mâm ngũ quả đẹp mắt dán lên tường. Qua mấy ngày dọn dẹp, không gian cũ kỹ của căn nhà đã trở nên gọn gàng, mới lạ hẳn.
Chiều 28 Tết, chị em tôi theo bố mẹ sang nhà ông bà nội gói bánh chưng, năm nào bố mẹ tôi và các bác cũng quây quần ở đó để ông bà vui. Mọi người vừa làm, vừa hàn huyên về một năm vất vả đã qua. Khi những chiếc bánh chưng chắc nịch, vuông vắn được xếp vào chiếc nồi to bắc lên bếp củi, người lớn lại chuẩn bị làm cơm tất niên cho đại gia đình.
Đám trẻ chúng tôi được giao nhiệm vụ canh lửa luộc bánh. Những tiếng nổ tí tách của cành củi khô, tiếng lục bục phát ra từ nồi bánh chưng sôi ùng ục nghe đến vui tai. Cùng với đó là mùi của khói bếp, mùi của lá dong, gạo nếp quyện vào nhau tạo thành một “mùi Tết” khó quên.
Đối với chúng tôi, vớt bánh là công đoạn được mong chờ nhất, khi đó ai nấy đều được nhận một chiếc bánh chưng nhỏ nóng hổi, đầy nhân đỗ thịt thơm lừng.
Tết xưa trong tôi còn là ký ức của những ngày 30 Tết, từ sáng sớm, chị em tôi đã dậy cùng bố mẹ chuẩn bị nốt những công việc cuối cùng của năm cũ. Trong lúc bố thịt gà, làm giò thủ lợn thì chúng tôi chạy lăng xăng giúp mẹ bày mâm ngũ quả, tỉ mẩn cắm từng cành hoa Thược dược, Violet… vào chiếc lọ thật đẹp. Xong xuôi mọi việc, mẹ tôi đun nồi nước mùi già thơm lừng cho cả nhà tắm rửa để xua tan những xui xẻo, vướng bận của năm cũ...
Cho đến bây giờ, hương vị Tết xưa vẫn luôn là một miền ký ức đẹp, gợi cho tôi nhớ về những cung bậc cảm xúc khó quên. Đó là cảm giác ấm cúng, khi được quây quần cùng gia đình; cảm giác bình yên khi ngửi mùi hương trầm vương vấn; hay đơn giản chỉ là cảm giác lâng lâng khi được nghe ca khúc Happy new year vang lên đúng vào thời khắc giao thừa…
Tết xưa trong Tết nay
Dù cuộc sống hiện đại có hối hả, ngoài chợ có đủ đầy các thực phẩm phục vụ cho ngày Tết cổ truyền thì nhiều gia đình ở Thái Nguyên vẫn không quên phong tục gói bánh chưng xanh mỗi dịp Tết đến, Xuân về. Với mỗi gia đình, việc duy trì gói bánh không chỉ đơn thuần là chuẩn bị một món ăn cho ngày Tết mà đó còn là dịp để các thành viên được sum vầy, trò chuyện; các em nhỏ được trải nghiệm, chia sẻ việc nhà với bố mẹ và cảm nhận được không khí ấm cúng của ngày Tết cổ truyền.
Chị Nguyễn Thị Hà (ở tổ 9, phường Quang Trung, TP. Thái Nguyên) cho biết: Ngày Tết dù mâm cao cỗ đầy đến đâu cũng không thể thiếu cặp bánh chưng xanh. Vì thế, năm nào tôi cũng cùng cả nhà tự tay gói bánh, vừa là để thể hiện tấm lòng của mình đối với tổ tiên vừa là dịp để tôi dạy cho các con những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.
Những năm gần đây, việc khôi phục không gian văn hóa Tết xưa cũng được khá nhiều người quan tâm. Một số gia đình đã lựa chọn một góc nhỏ trong nhà để trang trí Tết theo phong cách cổ truyền. Đó cũng được coi là một cách để thế hệ đi trước hoài niệm, giáo dục con cháu về những giá trị tốt đẹp của văn hóa ngày Tết.
Ông Nguyễn Văn Quyền (ở xóm Nguộn, xã Dương Thành, Phú Bình) cho biết: Từ Tết Nguyên đán năm ngoái, tôi đã dành một góc sân nhà để các con, cháu cùng nhau trang trí, tái hiện lại khung cảnh Tết xưa. Với những biểu tượng đặc trưng như câu đối đỏ, tràng pháo, bánh chưng xanh… gia đình tôi đã tạo nên một không gian tết thu nhỏ rất đẹp mắt và ý nghĩa.
Việc lan tỏa những giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống của Tết cổ truyền cho các thế hệ, nhất là đối với thế hệ trẻ không chỉ được mỗi gia đình phát huy mà còn được nhiều đơn vị, trường học trong tỉnh thực hiện bằng nhiều việc làm cụ thể.
Trong mỗi dịp Tết, nhiều nhà trường đã xây dựng những không gian văn hóa Tết nhằm giúp học sinh đến gần hơn với nét đẹp văn hóa cổ truyền. Tại đó, học sinh được tham gia, trải nghiệm nhiều hoạt động mà các em “khó” được tiếp cận ở Tết hiện đại như: gói bánh chưng, luộc bánh, vẽ tranh tết, trang trí mâm ngũ quả… Từ đó giúp các em có thêm kiến thức, cảm nhận về phong tục, tập quán và nét đẹp văn hóa trong dịp Tết cổ truyền của dân tộc…
Trải qua thời gian, đến nay Tết cổ truyền vẫn giữ những giá trị riêng có. Trong tâm thức người Việt, đó sẽ vẫn là ngày lễ quan trọng nhất và là dịp sum vầy, ấm áp, đoàn tụ.