Khai thác tốt lợi thế, hướng đến nông nghiệp xanh

Bình Dương đang đẩy mạnh phát triển nông nghiệp sinh thái, kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp và thực hành trách nhiệm xã hội trong sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp. Đó là mục tiêu, nhiệm vụ, cũng là giải pháp động lực để phát triển bền vững ngành nông nghiệp trong giai đoạn hiện nay.

Cán bộ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật kiểm tra, đánh giá thực tế đề nghị cấp mã số vùng trồng cho vườn sầu riêng ở huyện Phú Giáo

Nhiều thuận lợi

Hiện nay, mặc dù ngành nông nghiệp chỉ chiếm tỷ trọng chưa đến 3% trong cơ cấu kinh tế của tỉnh, song các loại nông sản chủ lực vẫn ngày càng khẳng định uy tín, vị thế, với năng suất và chất lượng cao. Đặc biệt, để phát triển nông nghiệp trong điều kiện của một tỉnh công nghiệp, thời gian qua Bình Dương đã đẩy mạnh thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thực hiện liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, phát triển công nghệ sơ chế, bảo quản, chế biến các sản phẩm nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản.

Để nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX), hộ nông dân trong tỉnh đã chú trọng đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi theo hướng bền vững, phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương. Điển hình như mô hình trồng cây có múi của HTX Nông nghiệp, thương mại, dịch vụ và vận tải Dân Tiến (huyện Bắc Tân Uyên), với diện tích sản xuất hơn 50 ha, chủ yếu trồng bưởi da xanh và cam theo phương thức VietGAP. Ông Nguyễn Văn Tiến, Giám đốc HTX này, cho biết không chỉ phát triển sản xuất theo hướng VietGAP và hữu cơ thân thiện với môi trường, HTX còn tích cực hỗ trợ thành viên, nông dân liên kết tiêu thụ sản phẩm. HTX luôn chú trọng sản xuất an toàn, ưu tiên các loại phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học. Nhờ vậy, sản phẩm của HTX bảo đảm an toàn sức khỏe, sản lượng tăng cao, người tiêu dùng tin cậy. HTX đầu tư hệ thống nhà lưới, áp dụng công nghệ tưới nước tự động để chăm sóc vườn cây ăn trái. Hiện HTX kết hợp sản xuất với du lịch nông nghiệp, như thu hái sản vật, câu cá giải trí, hồ bơi, cắm trại…

Đến nay, toàn tỉnh có hơn 8.400 ha đất gieo trồng ứng dụng công nghệ cao, tập trung vào các mô hình nông nghiệp sạch và hữu cơ. Nông sản sạch, sản xuất theo tiêu chuẩn Organic, VietGAP, GlobalGAP là những tiêu chí mà ngành nông nghiệp tỉnh chú trọng thực hiện, thể hiện qua việc đầu tư vào công nghệ hiện đại, quản lý chặt chẽ chất lượng sản phẩm. Hiện nay, Bình Dương là tỉnh có số trang trại nông nghiệp đứng thứ 2 vùng Đông Nam bộ và đứng thứ 5 cả nước. Ngành chăn nuôi của tỉnh cũng chuyển đổi mạnh mẽ theo hướng tập trung và quy mô lớn, trang trại xanh, thân thiện với môi trường. Bình Dương cũng đạt nhiều kết quả tốt trong xây dựng vùng an toàn dịch bệnh động vật, hướng tới mục tiêu xuất khẩu.

Bên cạnh đó, toàn tỉnh đã cấp 31 mã vùng trồng, 13 mã cơ sở đóng gói và công nhận 219 sản phẩm OCOP (Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm"), trong đó có 10 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao. Việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao và phát triển nông sản theo tiêu chuẩn cao không chỉ giúp gia tăng giá trị sản phẩm mà còn mở rộng khả năng xuất khẩu ra các thị trường khó tính.

Động lực cho nông nghiệp xanh

Ông Phạm Văn Bông, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường, cho biết nông nghiệp tuần hoàn vừa là yêu cầu bắt buộc, vừa là động lực tiến tới nền nông nghiệp xanh, chi phí thấp, gia tăng chuỗi giá trị, góp phần nâng cao nhận thức, thay đổi thói quen canh tác lạc hậu, hạn chế sử dụng tài nguyên, giảm phát thải nhà kính, giảm ô nhiễm môi trường... Đây là hướng đi tất yếu của nền nông nghiệp bền vững.

Bình Dương đã và đang triển khai nhiều mô hình nông nghiệp tiên tiến, như ứng dụng vi sinh bản địa IMO, tưới tiết kiệm nước, mô hình sản xuất tuần hoàn... Các mô hình này không chỉ nâng cao hiệu quả sản xuất mà còn góp phần bảo vệ môi trường và giảm thiểu rác thải nông nghiệp. Điển hình, đến nay hơn 90% nước thải chăn nuôi trên địa bàn tỉnh được xử lý và tái sử dụng, trong khi chất thải rắn được thu gom để ủ phân bón… Tuy nhiên, để kinh tế nông nghiệp tuần hoàn thực sự đi vào sản xuất và đời sống xã hội còn rất nhiều vấn đề cần được tháo gỡ, cụ thể là về cơ chế, chính sách, nhận thức, thói quen canh tác, phát triển nông nghiệp tuần hoàn gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm… nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường.

Thời gian tới, Sở Nông nghiệp và Môi trường tiếp tục đẩy mạnh phát triển nông nghiệp sinh thái, kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp và thực hành trách nhiệm xã hội trong sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp. Trong quá trình đó, người sản xuất giữ vai trò trọng tâm, các nhà khoa học cung cấp, chuyển giao các giải pháp và các cơ quan quản lý nhà nước có vai trò định hướng hỗ trợ.

Sở Nông nghiệp và Môi trường đang tăng cường, đa dạng các hình thức tuyên truyền, đào tạo nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, người dân về tầm quan trọng của sản xuất nông nghiệp sạch; khuyến khích nông dân thay đổi tập quán sản xuất từ thủ công sang ứng dụng công nghệ. Sở Nông nghiệp và Môi trường đề nghị các cơ sở sản xuất nông nghiệp cần có hệ thống xử lý chất thải công nghiệp, nông nghiệp chuyên biệt và khép kín nhằm tạo ra mô hình sản xuất, kinh doanh thân thiện với môi trường.

THOẠI PHƯƠNG

Nguồn Bình Dương: https://baobinhduong.vn/khai-thac-tot-loi-the-huong-den-nong-nghiep-xanh-a344193.html
Zalo