Triển khai ESG, yêu cầu cấp thiết với doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa

Không còn là xu hướng, việc triển khai ESG (môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp) đã trở thành yêu cầu cấp thiết để nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút đầu tư quốc tế, mở rộng thị trường xuất khẩu và đáp ứng kỳ vọng của cộng đồng.

Yêu cầu cấp thiết với doanh nghiệp

ESG là bộ ba tiêu chuẩn đang được sử dụng để đo lường mức độ phát triển bền vững và tác động của doanh nghiệp đến cộng đồng.

Tại Việt Nam, ESG đang dần khẳng định vai trò, dù vẫn còn trong giai đoạn sơ khai. Theo khảo sát của PwC Việt Nam (năm 2023), 66% doanh nghiệp lớn đã triển khai ESG, nhưng chỉ 24% có báo cáo minh bạch, cho thấy khoảng cách giữa cam kết và thực thi. Tuy nhiên, các doanh nghiệp tiên phong đã chứng minh hiệu quả rõ rệt.

Đơn cử, Vinamilk với khoản đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng vào trang trại bò sữa Organic từ năm 2020-2023, giảm 15% khí thải carbon và tăng 10% doanh thu từ dòng sản phẩm xanh trong năm 2022. Điều này cho thấy, ESG không chỉ cải thiện hình ảnh, mà còn mang lại lợi ích kinh tế thực sự, đồng thời cho thấy, đây là công cụ phát triển bền vững tại Việt Nam.

Thực tế, việc tích hợp ESG giúp doanh nghiệp giảm rủi ro, tăng cường hiệu quả hoạt động và đáp ứng kỳ vọng của các bên liên quan.

Các chuyên gia đến từ Đại sứ quán Anh, Ernst & Young Việt Nam nhấn mạnh tính cấp thiết của việc đầu tư, triển khai ESG với các doanh nghiệp Việt tại hội thảo giới thiệu Sổ tay Hướng dẫn khung triển khai ESG, lập báo cáo ESG và Hướng dẫn áp dụng triển khai cho 3 ngành: tài chính - bất động sản - xây dựng và sản xuất, vừa diễn ra tại Hà Nội.

Ông Fergus McBean, Bí thư thứ nhất về Khí hậu và Thiên nhiên (Đại sứ quán Anh tại Việt Nam) nhấn mạnh: “ESG là một trong những yếu tố chính định hình chiến lược và đầu tư của các doanh nghiệp. Thực hành ESG giúp doanh nghiệp Việt Nam đáp ứng yêu cầu từ các tổ chức tài chính và thị trường quốc tế.

Thương mại hàng hóa giữa Việt Nam và Vương quốc Anh, cũng như với EU ngày càng phát triển mạnh mẽ, với sự hỗ trợ từ các FTA song phương đang thực thi (EVFTA và UKVFTA). Nhờ đó, trong năm ngoái, thương mại Việt - Anh đạt 8,4 tỷ USD, còn với EU vượt 68 tỷ USD.

Trong khi đó, cả Vương quốc Anh và EU đều có kế hoạch đưa ra các yêu cầu doanh nghiệp Việt Nam báo cáo về ESG và các biện pháp liên quan đến khí hậu đã thực hiện. Việc này buộc các nhà xuất khẩu Việt Nam phải tuân thủ nếu muốn xuất khẩu bền vững.

Ông Nguyễn Đức Trung, Phó cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp tư nhân và kinh tế tập thể (Bộ Tài chính) nhấn mạnh: “Trong bối cảnh toàn cầu hóa và biến đổi khí hậu ngày càng tác động sâu sắc, việc áp dụng ESG không chỉ là một yêu cầu tất yếu, mà còn là kim chỉ nam cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp và nền kinh tế. Việc triển khai ESG không chỉ là xu hướng, mà còn là yêu cầu cấp thiết để nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút đầu tư quốc tế, mở rộng thị trường xuất khẩu và đáp ứng kỳ vọng của cộng đồng”.

Chậm là lỡ cơ hội

Với quy mô xuất nhập khẩu trong năm 2024 gần chạm mốc 800 tỷ USD, Việt Nam tiếp tục là quốc gia dẫn đầu khu vực Đông Nam Á về tốc độ tăng trưởng thương mại, việc thúc đẩy triển khai, thực hành ESG cần tăng tốc độ để theo kịp với yêu cầu đặt ra từ các nhà mua hàng toàn cầu.

Thực hiện ESG là yêu cầu bắt buộc, là sống còn, buộc doanh nghiệp phải tuân thủ nếu không muốn bỏ lỡ cơ hội tăng trưởng. Nhiều tổ chức đã khuyến cáo, doanh nghiệp Việt khó mở rộng thương mại toàn cầu nếu "phớt lờ" ESG.

Trong dòng chảy của xu thế xanh hóa và bền vững, nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp cho nội dung này đã có sự cải thiện tích cực. Theo số liệu khảo sát của Công ty kiểm toán KPMG, 90% doanh nghiệp có kế hoạch đầu tư nhiều nguồn lực tài chính hơn cho ESG trong 3 năm tới. Bên cạnh đó, có 43% doanh nghiệp đang tìm cách bổ sung nguồn nhân lực chuyên về ESG, 40% có kế hoạch đầu tư vào phần mềm chuyên dụng để quản lý và theo dõi hoạt động ESG.

Mặc dù nhiều doanh nghiệp đã bước đầu tiếp cận ESG, nhưng vẫn còn một khoảng cách lớn giữa nhận thức và hành động. Trong đó, khó khăn vẫn bao trùm cả về nhận thức, cách thức triển khai và huy động nguồn lực tài chính.

"Doanh nghiệp đang chú ý nhiều hơn đến khía cạnh môi trường của ESG, giải quyết các vấn đề như phát thải carbon và thực hành kinh tế tuần hoàn, nhưng thực tế triển khai còn gặp nhiều khó khăn. Các chuyên gia từ Vương quốc Anh sẽ hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam trong quá trình này", ông Fergus McBean nói.

Cách thức triển khai ESG trên thế giới và tại Việt Nam cho thấy sự khác biệt lớn về năng lực và bối cảnh. Trong khi các doanh nghiệp toàn cầu như Unilever hay Google tiên phong với công nghệ và nguồn lực mạnh, thì Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn khởi đầu, tập trung vào áp lực thị trường và các doanh nghiệp lớn dẫn dắt.

Thực tế cũng được nhiều doanh nghiệp chỉ ra rằng, doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa còn không ít băn khoăn, cân nhắc trong việc cân đối giữa chi phí đầu tư chuyển đổi xanh và lợi nhuận doanh nghiệp, lo ngại về thiếu nhân sự triển khai, khó khăn trong tiếp cận tài chính và tìm giải pháp công nghệ phù hợp.

Thế Hoàng

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/trien-khai-esg-yeu-cau-cap-thiet-voi-doanh-nghiep-xuat-khau-hang-hoa-d258910.html
Zalo