Khai thác tốt không gian ngầm ở Thủ đô, vấn đề nhà ở và ô nhiễm môi trường sẽ cải thiện
Sử dụng, khai thác và phát huy hiệu quả không gian ngầm sẽ góp phần nâng cao giá trị sử dụng đất và sử dụng hợp lý quỹ đất đô thị để xây dựng nhà ở; cải thiện vấn đề giao thông, ô nhiễm môi trường.
Theo Bộ Xây dựng, trong quá trình xây dựng phát triển đô thị, việc khai thác, sử dụng hiệu quả không gian ngầm có vai trò đặc biệt quan trọng. Vì vậy, việc xây dựng Nghị định quy định về quản lý, sử dụng không gian ngầm trên địa bàn thành phố Hà Nội (theo quy định của Luật Thủ đô số 39/2024/QH15) là rất cần thiết, để tháo gỡ các nút thắt về quy hoạch không gian ngầm.
Nhiều chuyên gia cũng cho rằng việc sử dụng, khai thác và phát huy hiệu quả không gian ngầm sẽ mang lại rất nhiều lợi ích như: Nâng cao giá trị sử dụng đất và sử dụng hợp lý quỹ đất đô thị để xây dựng nhà ở, phát triển thị trường bất động sản ngầm; góp phần giải quyết các vấn đề giao thông đô thị, giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường không khí.
Phải phân vùng chức năng không gian ngầm
Đại diện Bộ Xây dựng cho biết Luật Thủ đô số 25/2012/QH13 là văn bản pháp lý quan trọng quy định vị trí, vai trò, trách nhiệm và chính sách xây dựng, phát triển, bảo vệ Thủ đô. Vì vậy, các bộ, ngành, địa phương, nhất là thành phố Hà Nội đã dành sự quan tâm đặc biệt, tích cực, chủ động triển khai đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm để triển khai thi hành luật.
Nhờ đó, hệ thống giao thông vận tải, hạ tầng kỹ thuật của Thủ đô đã có những bước phát triển vượt bậc cả về quy mô, số lượng các dự án, công trình trọng điểm được kết nối thông suốt, đồng bộ, thúc đẩy liên kết phát triển kinh tế - xã hội giữa các tỉnh, thành phố trong vùng Thủ đô; cảnh quan kiến trúc hai bên đường trên một số tuyến phố thực hiện thí điểm đã được chỉnh trang sạch đẹp; nhiều dự án khu đô thị mang tầm vóc của đô thị hiện đại đang dần hiện hữu, tạo động lực phát triển, mở rộng.
Tuy nhiên, qua hơn 9 năm thi hành luật trên, việc thực hiện một số mục tiêu, giải pháp, quy định được đề ra trong Luật còn nhiều tồn tại, hạn chế ở một số lĩnh vực; trong đó có việc xây dựng, hoàn thiện thể chế về quản lý không gian ngầm đô thị và công tác triển khai thực hiện còn một số bất cập.
Theo Bộ Xây dựng, nguyên nhân của các tồn tại, hạn chế trên là do việc thực thi chính sách, pháp luật chưa đồng bộ, kịp thời, đầy đủ, chưa phát huy hiệu lực, hiệu quả của các cơ chế, chính sách để phát triển Thủ đô với vị trí, vai trò là trái tim của cả nước. Một số quy định của luật cũng chủ yếu mang tính nguyên tắc, định hướng chung, thiếu quy định về các cơ chế đặc thù cụ thể để thực hiện được trên thực tế.
Để gỡ các nút thắt về quy hoạch không gian ngầm, Luật Thủ đô số 39/2024/QH15 đã có quy định về “Quản lý, sử dụng không gian ngầm” tại Điều 19 và giao Chính phủ quy định chi tiết khoản 2 Điều 19. Theo đó, không gian ngầm phải được phân vùng chức năng để quản lý, khai thác, sử dụng. Người sử dụng đất thuộc địa bàn Thành phố được sử dụng lòng đất theo chiều thẳng đứng trong phạm vi ranh giới thửa đất tính từ mặt đất đến mức giới hạn độ sâu theo quy định của Chính phủ phù hợp với quy hoạch. Việc sử dụng lòng đất ngoài giới hạn độ sâu do Chính phủ quy định phải được cấp phép phù hợp với quy hoạch đã được phê duyệt.
Tổ chức, cá nhân được nhà nước cho phép sử dụng lòng đất ngoài giới hạn độ sâu do Chính phủ quy định để xây dựng công trình ngầm phải trả tiền sử dụng không gian ngầm, trừ trường hợp được miễn, giảm tiền sử dụng không gian ngầm đối với công trình ngầm không nhằm mục đích kinh doanh, thuộc danh mục khuyến khích đầu tư xây dựng hoặc trường hợp khác do Chính phủ quy định.
“Do vậy, việc xây dựng Nghị định quy định về quản lý, sử dụng không gian ngầm trên địa bàn Thành phố Hà Nội là cần thiết,” đại diện Bộ Xây dựng nhấn mạnh.
Cải thiện giao thông đô thị, giảm ô nhiễm môi trường
Theo quan điểm của Bộ Xây dựng, không gian ngầm đô thị phải được phân vùng chức năng theo mục đích sử dụng và theo chiều thẳng đứng; phân vùng không gian gắn với không gian trên mặt đất để quản lý, khai thác, sử dụng; bảo đảm an ninh, an toàn, hiệu quả sử dụng đất, bảo vệ môi trường.
Cùng với đó, việc phân vùng chức năng sử dụng không gian ngầm để bố trí các khu vực chức năng dưới lòng đất phải phù hợp với mục đích sử dụng, tính chất, chức năng công trình xây dựng; đảm bảo tính liên kết, kết nối không gian, khả năng phát triển theo nhiều giai đoạn và các yêu cầu kỹ thuật theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia hoặc tiêu chuẩn, quy chuẩn của Thủ đô quy định.
Phân vùng chức năng sử dụng không gian ngầm được xác định trong các loại đồ án quy hoạch đô thị và nông thôn, phù hợp với loại và các cấp độ của đồ án quy hoạch như: Xác định các khu vực khai thác, sử dụng không gian ngầm; khu vực hạn chế; khu vực cấm xây dựng công trình ngầm; xác định vùng chức năng không gian ngầm theo các mức giới hạn độ sâu trong lòng đất phù hợp cho mục đích xây dựng các loại công trình dân dụng, công nghiệp, giao thông, công trình hạ tầng kỹ thuật...
Đề cập đến vấn đề trên, Phó Giáo sư-Tiến sỹ Nguyễn Hồng Tiến, nguyên Cục trưởng Cục Hạ tầng (Bộ Xây dựng) cho rằng việc sử dụng, khai thác và phát huy hiệu quả không gian ngầm sẽ mang lại rất nhiều lợi ích như: Nâng cao hiệu quả và chất lượng của quy hoạch đô thị, tổ chức lại không gian xây dựng đô thị; nâng cao giá trị sử dụng đất và sử dụng hợp lý quỹ đất đô thị để xây dựng nhà ở, xây dựng các công trình công cộng; góp phần hình thành và phát triển thị trường bất động sản ngầm.
Phát triển không gian ngầm cũng sẽ góp phần quan trọng trong việc giải quyết các vấn đề giao thông đô thị; khai thác có hiệu quả tài nguyên đất; giảm thiểu tác động của ô nhiễm môi trường; tạo ra hiệu quả về an toàn, an ninh quốc phòng.
Với tầm quan trọng đó, ông Tiến cho rằng để đẩy nhanh quá trình phát triển không gian ngầm, trước mắt, thành phố Hà Nội cần xem xét, nghiên cứu sử dụng vốn ngân sách làm nguồn vốn “mồi” đầu tư một số công trình ngầm, bãi đỗ xe ngầm nhằm giảm bớt tình trạng quá tải về hạ tầng bãi đỗ xe cho các địa bàn đông dân cư đồng thời tạo hiệu ứng lan tỏa trong việc mời gọi các nhà đầu tư vào lĩnh vực này.
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường - Ủy viên Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội, cũng cho rằng hiện nay một số khu đô thị ở Hà Nội, không gian ngầm đã phát triển ra ngoài khuôn viên các tòa nhà đó. Trong đô thị trung tâm của thành phố, sau này cải tạo những khu chung cư cũ (như Kim Liên, Trung Tự, Thành Công,…) ắt cũng phải cải tạo như thế để trở thành một “thành phố ngầm” trong tương lai.
“Có như vậy, không gian trên mặt đất mới dành cho công cộng, đặc biệt là giao thông đô thị. Thành phố hiện đại phải như thế và khi đó mới tạo ra tiền để nhà đầu tư xây cao lên để trả cho người dân. Những thành phố ngầm như vậy sẽ được kết nối giao thông đồng bộ, thuận tiện trong sinh hoạt, đi lại, mua sắm, qua đó sẽ thu hút người dân đến sinh sống,” Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường chia sẻ quan điểm.
Tuy vậy, Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cũng lưu ý đối với việc giới hạn độ sâu không gian ngầm, cần phải có quy định riêng cho mỗi khu vực. Ví dụ ở khu vực trung tâm Hà Nội, nơi nhiều công trình, nằm trong các tuyến đường sắt đô thị, không gian ngầm ở đó phải quy định khác. Những nơi có công trình quốc phòng an ninh cũng vậy, cần phải quy định khác. Độ sâu bao nhiêu mét phải được căn cứ theo khu vực và Chính phủ nên có nghị định quy định chi tiết, phù hợp./.