Khai thác tiềm năng, xúc tiến hàng hóa sang thị trường Canada
Thị trường Canada được đánh giá có nhiều tiềm năng, cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa và cũng là 'cửa ngõ' tiếp cận thị trường Bắc Mỹ
Khai thác hiệu quả CPTPP
Việt Nam là một trong những đối tác quan trọng của Canada trong Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Canada hiện là đối tác thương mại lớn thứ ba của Việt Nam trong khu vực châu Mỹ và Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Canada trong ASEAN.
Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang Canada tính chung trong năm 2024 đạt hơn 6,37 tỷ USD, tăng 13,4% so với năm 2023. Trong năm 2024, mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu lớn nhất sang thị trường Canada vẫn là hàng dệt may, với trị giá đạt 1,2 tỷ USD, tăng 10,4%, chiếm 19% tỷ trọng xuất khẩu. Ngoài ra, một số mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng trong năm 2024 so với cùng kỳ: Máy móc, thiết bị dụng cụ và phụ tùng; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; hạt tiêu…
Về cơ hội xúc tiến mở rộng thị trường tại Canada, ông Nguyễn Quang Trung - nguyên Tổng lãnh sự Việt Nam tại Vancouver (Canada) - cho biết, Việt Nam và Canada hiện đều là thành viên của Hiệp định CPTPP, điều này có lợi cho cả hai nước. Theo đó, về phía Việt Nam, hàng hóa Made in Vietnam sẽ thâm nhập thị trường Canada thuận lợi hơn. Đồng thời, từ phía Canada, do cũng là thành viên CPTPP, hàng hóa nước này sẽ được hưởng thuế nhập khẩu thuận lợi của Việt Nam.

Hoa quả Việt có nhiều cơ hội rộng mở để tiếp cận nhiều thị trường khó tính. Ảnh: Nhật Linh
Trên thực tế, Việt Nam đã có nhiều sản phẩm hàng hóa, nông sản xuất khẩu sang thị trường Canada. Cụ thể, năm 2024, Việt Nam xuất khẩu thành công vải thiều Thanh Hà (Hải Dương) và thâm nhập vào hệ thống siêu thị phân phối lớn của nước này. Mặt khác, quả vải thiều Việt Nam còn được chế biến thành món tráng miệng chè vải thạch dừa đã trở thành cơ hội quảng bá ẩm thực Việt Nam tới nhiều khách hàng quốc tế.
Thường xuyên triển khai thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư với các nước, đặc biệt là Canada, ông Trần Phú Lữ - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh (ITPC) - cho biết: Ở góc độ địa phương, TP. Hồ Chí Minh luôn coi trọng mối quan hệ hợp tác kinh tế với Canada. Song song với đó, từ vai trò là "cầu nối", năm 2024, ITPC luôn chủ động phối hợp các cơ quan liên quan triển khai thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư với các nước đặc biệt là Canada, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp thúc đẩy thương mại song phương, đặc biệt cho ngành nông sản, thực phẩm – đồ uống, đồ gỗ nội thất, đồ gỗ gia dụng - thủ công mỹ nghệ, logistics…
Nhằm thúc đẩy mối quan hệ hợp tác thương mại, đầu tư giữa hai nước, ngày 17/2, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hoàng Long đã có buổi làm việc với ông Warren Kaeding - Bộ trưởng Thương mại và Phát triển xuất khẩu tỉnh Saskatchewan của Canada. Thông tin tại buổi làm việc, ông Warren Kaeding khẳng định, tỉnh Saskatchewan và Việt Nam có nhiều lợi ích bổ sung cho nhau. Tỉnh Saskatchewan mong muốn đẩy mạnh hợp tác hơn nữa, đặc biệt trong các lĩnh vực thương mại, nông nghiệp, năng lượng xanh, khai khoáng bền vững và đào tạo nghề.
Kết nối nhà nhập khẩu Canada với doanh nghiệp Việt
Để tăng cường công tác hợp tác, tận dụng hiệu quả CPTPP và xúc tiến thương mại các sản phẩm hàng hóa sang thị trường Canada, thời gian qua, Bộ Công Thương và cơ quan thương vụ của Việt Nam ở nước sở tại đã không ngừng nỗ lực kết nối nhà mua hàng, nhà nhập khẩu Canada với doanh nghiệp Việt Nam và ngược lại.
Được biết, trong năm 2025, Thương vụ Việt Nam tại Canada sẽ thực hiện một số chương trình hỗ trợ các sản phẩm thực phẩm chế biến của Việt Nam sang địa bàn. Theo đó, lần đầu tiên, các doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội tham gia đoàn xúc tiến thương mại trong lĩnh vực thực phẩm chế biến tại bờ Đông (Toronto) và bờ Tây (Vancouver) từ ngày 28/4 đến 4/5. Đây là dịp hiếm có để các doanh nghiệp trong ngành thực phẩm chế biến của Việt Nam tìm hiểu thị trường cũng như giới thiệu các sản phẩm chất lượng, đổi mới, sáng tạo, tới người tiêu dùng Canada; đồng thời gặp gỡ và kết nối với các doanh nghiệp đối tác nước bạn.
Một số hoạt động nổi bật của chương trình bao gồm: Sự kiện thương mại thường niên - Triển lãm thực phẩm lớn nhất Bắc Mỹ SIAL Canada 2025 từ ngày 29/4 đến 1/5, triển lãm thực phẩm và sáng tạo quốc tế Canada (SIAL) tại Trung tâm hội nghị Enercare Centre (Toronto).
Bên cạnh đó, từ ngày 2 đến ngày 3/5, hội thảo kết nối chuỗi cung ứng thực phẩm Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương do Hội đồng kinh doanh Canada - ASEAN (CABC) tổ chức cũng sẽ là sự kiện kết nối giao thương nổi bật trong bối cảnh chiến tranh thương mại leo thang. Việc đa dạng hóa chuỗi cung ứng ngày càng trở nên quan trọng và cấp thiết đối với Canada cũng như các nước ASEAN, khu vực đóng vai trò thiết yếu trong chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Canada…
Theo đại diện Thương vụ Canada, trong năm 2025, Thương vụ sẽ phối hợp với các đối tác liên quan tổ chức đoàn mua hàng gồm các siêu thị, hệ thống phân phối, nhà mua hàng Canada đến Việt Nam tìm nguồn cung và dự các hội chợ triển lãm quốc tế lớn trong nước như: Triển lãm kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế (Vietnam International Sourcing 2025) vào tháng 9; hội chợ quốc tế Food Expo tháng 11 tại TP. Hồ Chí Minh.
"Xuyên suốt năm 2025, Thương vụ Việt Nam tại Canada sẽ liên tục cập nhật các chương trình, hội chợ triển lãm, sự kiện quan trọng trên cổng thông tin và triển khai các hoạt động cung cấp thông tin, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam trưng bày, quảng bá sản phẩm và tiếp cận thị trường Canada" - đại diện Thương vụ Việt Nam tại Canada cho hay.
Để xuất khẩu tiếp tục trở thành động lực quan trọng góp phần đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế, Bộ Công Thương tiếp tục triển khai nhiệm vụ trọng tâm của công tác xúc tiến thương mại năm 2025, trong đó, công tác xúc tiến thương mại theo hướng đa dạng hóa thị trường, khai thác hiệu quả các cơ hội mở cửa thị trường trong khuôn khổ các FTA được chú trọng nhằm đẩy mạnh xuất khẩu hàng Việt vào những thị trường lớn; tăng cường khai thác thị trường mới, thị trường tiềm năng.