Khai thác tiềm năng, phát triển thị trường tín chỉ carbon rừng
Lời Tòa soạn: Với diện tích rừng lớn nhất khu vực Tây Nguyên và đứng thứ 4 cả nước, tỉnh Gia Lai đang thiết lập và triển khai đề án kinh doanh tín chỉ carbon rừng nhằm tạo nguồn thu ngân sách cũng như góp phần vào công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng bền vững.
Để hiểu rõ hơn về tiềm năng trong phát triển thị trường tín chỉ carbon rừng, P.V Báo Gia Lai đã có cuộc trao đổi với ông Trương Thanh Hà-Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh.
* P.V: Thưa ông, Gia Lai có những tiềm năng, lợi thế nào trong phát triển thị trường tín chỉ carbon rừng?
- Ông Trương Thanh Hà: Theo Quyết định số 816/QĐ-BNN-KL ngày 20-3-2024 của Bộ Nông nghiệp và PTNT công bố hiện trạng rừng toàn quốc năm 2023, tổng diện tích đất có rừng của tỉnh Gia Lai là gần 650 ngàn ha. Trong đó, rừng tự nhiên trên 478,6 ngàn ha, rừng trồng trên 156,4 ngàn ha và rừng trồng chưa thành rừng trên 14,8 ngàn ha.
Gia Lai đứng thứ nhất khu vực Tây Nguyên và thứ 4 cả nước về diện tích rừng. Đây là tiềm năng lớn để tỉnh phát triển thị trường tín chỉ carbon rừng.
Tuy nhiên, từ trước đến nay, trên địa bàn tỉnh chưa thực hiện công tác điều tra trữ lượng carbon rừng. Thực hiện Luật Lâm nghiệp năm 2017, ngày 20-6-2024, Bộ Nông nghiệp và PTNT có Quyết định số 1826/QĐ-BNN-KL ban hành kế hoạch kiểm kê rừng tại các tỉnh vùng Tây Nguyên.
Trên cơ sở đó, UBND tỉnh cũng ra Quyết định số 320/QĐ-UBND ngày 16-7-2024 về việc ban hành kế hoạch điều tra, kiểm kê rừng trên địa bàn tỉnh năm 2024-2025, trong đó có nội dung điều tra trữ lượng carbon rừng. Dự kiến thời gian công bố kết quả điều tra, kiểm kê rừng vào tháng 11-2025. Sau khi có kết quả thực hiện dự án điều tra, kiểm kê rừng sẽ xác định được trữ lượng carbon rừng trên địa bàn tỉnh.
* P.V: Ông có thể cho biết việc thiết lập và triển khai đề án kinh doanh tín chỉ carbon rừng có ý nghĩa như thế nào?
- Ông Trương Thanh Hà: Theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, tín chỉ carbon là chứng nhận có thể giao dịch thương mại và thể hiện quyền phát thải 1 tấn khí CO2 hoặc 1 tấn khí CO2 tương đương.
Nếu được tham gia thị trường kinh doanh tín chỉ carbon, Việt Nam nói chung, tỉnh Gia Lai nói riêng sẽ huy động được nguồn tài chính rất lớn và nguồn tài chính này sẽ góp phần bảo vệ, phát triển rừng bền vững, nâng cao thu nhập và đời sống của người làm nghề rừng, tháo gỡ khó khăn cho các chủ rừng và giảm đầu tư từ ngân sách nhà nước cho lâm nghiệp.
Với ý nghĩa đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 06/2022/NĐ-CP ngày 7-1-2022 quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozone nhằm đề ra lộ trình xây dựng quy định quản lý tín chỉ carbon, hoạt động trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon, quy chế vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon, các hoạt động kết nối, trao đổi tín chỉ carbon trong nước với thị trường carbon khu vực và thế giới.
Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 2-5-2024 “Về tăng cường công tác quản lý tín chỉ carbon nhằm thực hiện đóng góp do quốc gia tự quyết định” hướng tới tăng cường quản lý tín chỉ carbon để thúc đẩy phát triển thị trường carbon.
Hiện nay, Cục Lâm nghiệp cũng đang tham mưu Bộ Nông nghiệp và PTNT xây dựng, đàm phán và tiến tới triển khai thỏa thuận mua bán giảm phát thải từ rừng khu vực Tây Nguyên và Nam Trung Bộ (gồm 11 tỉnh, trong đó có Gia Lai) để triển khai Ý định thư giữa Bộ Nông nghiệp và PTNT và Tổ chức Tăng cường tài chính lâm nghiệp (Emergent) thiết lập hợp tác giữa Việt Nam và Liên minh giảm phát thải thông qua tăng cường tài chính lâm nghiệp (LEAF).
Dự kiến, Việt Nam sẽ chuyển nhượng cho LEAF và Emergent 5,15 triệu tấn CO2 giai đoạn 2022-2026 với giá tối thiểu 10 USD/tấn CO2 đối với rừng tự nhiên. Đối với các loại rừng trồng, đất có cây rừng tái sinh, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có Công ty cổ phần ECOTREE đề xuất phương án trồng rừng và khoanh nuôi xúc tiến tái sinh để đánh giá tín chỉ carbon.
Sau khi Bộ Nông nghiệp và PTNT ban hành hướng dẫn về tín chỉ carbon rừng, Sở Nông nghiệp và PTNT sẽ phối hợp các sở, ngành liên quan và lấy ý kiến của các cơ quan chuyên ngành tham mưu, đề xuất UBND tỉnh theo quy định.
Tuy nhiên, để thực hiện mục tiêu phát triển thị trường tín chỉ carbon cần đề ra một số giải pháp như: thiết lập hệ thống giao dịch khí thải; ban hành chính sách giới hạn lượng khí thải; hình thành cơ chế điều chỉnh biên giới carbon nhằm bảo đảm tính công bằng và tính cạnh tranh đối với hàng hóa của nhà sản xuất; có sự hỗ trợ phát triển công nghệ sạch nhằm tăng cường lượng tín chỉ carbon trao đổi trên thị trường, đặc biệt là các loại năng lượng tái tạo; tạo ra thị trường carbon minh bạch, công bằng và bảo đảm an toàn cho doanh nghiệp trong giao dịch.
Ngoài ra, cần xây dựng chính sách thuế carbon nhằm kích thích sự phát triển của thị trường carbon và tăng thu ngân sách nhà nước; đồng thời, định giá carbon nhằm đóng góp vào việc giảm thiểu khí thải, làm tăng chi phí carbon của doanh nghiệp, từ đó giúp doanh nghiệp thích nghi dần với việc tham gia thị trường carbon.
* P.V: Theo ông, tỉnh Gia Lai cần có những giải pháp nào để tăng trữ lượng tín chỉ carbon rừng trên địa bàn?
- Ông Trương Thanh Hà: Để tăng trữ lượng tín chỉ carbon rừng, bên cạnh tiếp tục thực hiện nghiêm túc quy hoạch lâm nghiệp quốc gia, các nội dung về quy hoạch lâm nghiệp trong quy hoạch tỉnh sau khi được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, quy hoạch 3 loại rừng tích hợp vào quy hoạch tỉnh đã được Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1750/QĐ-TTg ngày 30-12-2023 phê duyệt quy hoạch tỉnh Gia Lai giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh cần tiếp tục thực hiện tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ của ngành Lâm nghiệp.
Cùng với đó, tiếp tục bảo vệ và phát triển toàn bộ diện tích rừng hiện có; nâng tỷ lệ che phủ đến hết năm 2025 đạt 47,75% (bao gồm cây công nghiệp thân gỗ, cây trồng đa mục đích); ngăn chặn chống giảm suy thoái rừng, nỗ lực kêu gọi đầu tư các doanh nghiệp tham gia công tác trồng rừng, trồng cây phân tán, có cơ chế khuyến khích xã hội hóa về lĩnh vực lâm nghiệp bền vững; xây dựng kế hoạch sử dụng hợp lý diện tích đất lâm nghiệp người dân đang sản xuất nông nghiệp để chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp mục đích lâm nghiệp và trồng rừng gắn với cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất…
Ngoài ra, tăng cường công tác trồng rừng bằng mọi phương thức, biện pháp và từ mọi nguồn lực. Trong đó, chú trọng công tác trồng rừng gỗ lớn, rừng trồng phòng hộ, rừng trồng đặc dụng; kêu gọi các doanh nghiệp quan tâm đầu tư trồng rừng, chế biến gỗ, lâm sản.
Thực hiện tốt công tác thu hút đầu tư, tạo điều kiện, hỗ trợ cho các doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện các thủ tục pháp lý để sớm triển khai các dự án trồng rừng; nâng cao chất lượng rừng tự nhiên bằng các biện pháp lâm sinh như cải tạo rừng, khoanh nuôi tái sinh, nuôi dưỡng rừng, làm giàu rừng... Cải tạo những diện tích rừng nghèo kiệt, tái sinh kém, hiệu quả kinh tế thấp.
Nâng cao chất lượng giống cây trồng lâm nghiệp theo hướng cải thiện từng bước phẩm chất di truyền; đáp ứng yêu cầu về chất lượng, chủng loại và cung cấp đủ nhu cầu về giống cây phục vụ trồng rừng, làm giàu rừng theo hướng quản lý rừng bền vững.
Tăng cường công tác khuyến lâm, hướng dẫn người dân áp dụng có hiệu quả các tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến, hiện đại vào các khâu trồng, khai thác, chế biến, bảo quản trong sản xuất lâm nghiệp, từng bước hiện đại hóa công tác quản lý trên cơ sở ứng dụng rộng rãi công nghệ thông tin; nghiên cứu, cải tạo, nâng cao năng suất, chất lượng rừng và sản phẩm của một số loài cây dược liệu dưới tán rừng.
Bên cạnh đó, thực hiện xã hội hóa về giống cây trồng lâm nghiệp, quản lý nguồn gốc, chất lượng giống cây trồng; ưu tiên đầu tư, phát triển hệ thống nghiên cứu và cung ứng các giống cây lâm nghiệp chất lượng cao; có kế hoạch đầu tư xây dựng rừng giống chuyển hóa từ rừng tự nhiên, rừng trồng; trồng mới diện tích rừng giống, điều tra tuyển chọn một số loài cây có thế mạnh trong tỉnh và xây dựng các vườn cây đầu dòng.
Tiếp tục kêu gọi các tổ chức ủng hộ kinh phí, cây giống để hỗ trợ cho các địa phương triển khai công tác trồng cây phân tán đạt kế hoạch; triển khai đo đạc, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia thống nhất về hiện trạng rừng, quy hoạch cho lâm nghiệp, xác định rõ hiện trạng người dân chiếm canh để làm cơ sở xử lý phù hợp, triển khai giao đất, giao rừng cho cộng đồng.
* P.V: Xin cảm ơn ông!