Đổi mới để nâng cao hiệu quả quản lý, đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp

Thời gian gần đây, cơ chế, chính sách cho hoạt động của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đã được sửa đổi, góp phần tạo điều kiện cho DNNN 'bứt phá' vươn lên, khẳng định vai trò quan trọng trong nền kinh tế. Tuy nhiên, bên cạnh nhiều DNNN, trong đó có các tập đoàn (TĐ), tổng công ty (TCT) nhà nước thực hiện tốt việc bảo toàn, phát triển vốn và tài sản vẫn còn nhiều DNNN sản xuất, kinh doanh hiệu quả thấp, thua lỗ, có những dự án đầu tư chưa hiệu quả…

Nhằm thể chế hóa các quan điểm của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về “Tiếp tục đổi mới, cơ cấu lại và nâng cao hiệu quả DNNN” và để hoàn thiện hơn nữa hành lang pháp lý, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại DN (Luật số 69) đang được Chính phủ sửa đổi, đề xuất thay thế bằng Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại DN.

Bài 1: Doanh nghiệp nhà nước còn thua lỗ, đầu tư chưa thực sự hiệu quả

Bộ Tài chính ghi nhận năm 2023, các DNNN có lãi 211.198 tỷ đồng, nhưng vẫn còn lỗ phát sinh 33.703 tỷ đồng và lỗ lũy kế 115.270 tỷ đồng; Kiểm toán nhà nước (KTNN) cũng đánh giá, các TĐ, TCT được kiểm toán năm 2023 đều có lãi, nhưng vẫn còn một số khoản đầu tư hiệu quả chưa cao, thậm chí thua lỗ.

Cần đổi mới để nâng cao hiệu quả quản lý, đầu tư vốn nhà nước tại DN. Ảnh: ST

Cần đổi mới để nâng cao hiệu quả quản lý, đầu tư vốn nhà nước tại DN. Ảnh: ST

Tổng tài sản tăng nhưng lãi phát sinh giảm và có khoản thua lỗ

Theo Bộ Tài chính, kết quả tổng hợp tình hình tài chính và hoạt động sản xuất, kinh doanh của 671 DNNN (gồm 473 DN do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và 198 DN do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ) tại thời điểm ngày 31/12/2023 cho thấy, tổng tài sản của các DNNN là 3.899.447 tỷ đồng, tăng 2% so với đầu năm 2023. Trong đó, khối các TĐ, TCT, Công ty mẹ - con có tổng tài sản là 3.571.414 tỷ đồng, chiếm 92% tổng tài sản của các DNNN.

Vốn chủ sở hữu của các DNNN là 1.838.707 tỷ đồng, tăng 3% so với đầu năm 2023. Trong đó, khối các TĐ, TCT, Công ty mẹ - con là 1.645.960 tỷ đồng, chiếm 90% tổng vốn chủ sở hữu của các DNNN.

Tổng giá trị vốn nhà nước đang đầu tư tại các DNNN là 1.741.966 tỷ đồng, tăng 2% so với đầu năm 2023. Trong đó, DN do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ là 1.587.405 tỷ đồng. Riêng vốn nhà nước đang đầu tư tại các TĐ, TCT là 1.552.923 tỷ đồng, chiếm 89% tổng vốn nhà nước đang đầu tư tại các DNNN.

Tổng doanh thu của các DNNN năm 2023 đạt 2.656.428 tỷ đồng, tăng 1% so với năm 2022. Trong đó, khối các TĐ, TCT, Công ty mẹ - con là 2.454.538 tỷ đồng, chiếm 92% tổng doanh thu của các DNNN.

Dự kiến, ngày 23/11/2024, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Chính phủ sẽ trình Quốc hội về Dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại DN. Sau đó, Quốc hội sẽ thảo luận ở tổ và thảo luận ở hội trường về Dự án Luật này.

Bộ Tài chính ghi nhận, lãi phát sinh trước thuế năm 2023 của các DNNN đạt 211.198 tỷ đồng, giảm 13% so với năm 2022. Trong đó, khối các TĐ, TCT, Công ty mẹ - con là 188.828 tỷ đồng, chiếm 90% tổng lãi phát sinh trước thuế của các DNNN. Tuy nhiên, có 72/671 DNNN (chiếm 11%) có lỗ phát sinh trong năm với tổng số lỗ phát sinh là 33.703 tỷ đồng; 134/671 DNNN (chiếm 20%) còn lỗ lũy kế, với tổng số lỗ lũy kế là 115.270 tỷ đồng.

Về đầu tư tài chính ngắn hạn, Bộ Tài chính cho biết, báo cáo hợp nhất của các TĐ, TCT, Công ty mẹ - con cho thấy, tổng các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn là 627.052 tỷ đồng, tăng 12% so với đầu năm 2023. Trong đó, của các Công ty mẹ là 435.253 tỷ đồng, tăng 7%; tỷ trọng đầu tư tài chính ngắn hạn/tổng tài sản là 22%.

Cũng theo Bộ Tài chính, đầu tư tài chính dài hạn của các TĐ, TCT, Công ty mẹ - con theo số liệu báo cáo hợp nhất là 135.811 tỷ đồng, giảm 5% so với đầu năm 2023. Trong đó, đầu tư tài chính dài hạn của các Công ty mẹ là 495.120 tỷ đồng, giảm 1% và chủ yếu thực hiện đầu tư vào các công ty con, chiếm 90%. Tỷ trọng các khoản đầu tư tài chính dài hạn/tổng tài sản là 25%. Các Công ty mẹ đã thực hiện trích lập dự phòng tổn thất đầu tư tài chính dài hạn với giá trị 35.895 tỷ đồng.

Báo cáo hợp nhất cho thấy, lãi phát sinh trước thuế của các TĐ, TCT, Công ty mẹ - con đạt 153.718 tỷ đồng, giảm 18% so với năm 2022. Lỗ phát sinh theo báo cáo hợp nhất của 5 TĐ, TCT, Công ty mẹ - con là 26.958 tỷ đồng. Lỗ lũy kế theo báo cáo hợp nhất của 18 TĐ, TCT, Công ty mẹ - con có lỗ lũy kế là 60.394 tỷ đồng và 8 Công ty mẹ có lỗ lũy kế là 54.341 tỷ đồng.

Kiểm toán nhà nước chỉ rõ nguyên nhân khách quan và chủ quan

Liên quan đến các khoản đầu tư tài chính của các DNNN, KTNN cũng ghi nhận, kết quả sản xuất kinh doanh của 11/11 TĐ, TCT được kiểm toán năm 2023 đều có lãi, tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu tại một số đơn vị đạt tương đối cao.

Tuy nhiên, qua kiểm toán, KTNN phát hiện việc quản lý sử dụng vốn, tài sản của các DN còn một số hạn chế. Trong đó, KTNN phát hiện tại một số DN vẫn còn một số khoản đầu tư hiệu quả chưa cao; một số khoản đầu tư vào các công ty liên doanh, liên kết, đầu tư dài hạn khác bị thua lỗ. Nhưng nhìn chung xu hướng các khoản đầu tư này năm 2023 so với năm trước đã có sự chuyển động tích cực theo hướng giảm lỗ hoặc hiệu quả đầu tư được nâng lên.

Về nguyên nhân của một số khoản đầu tư hiệu quả không cao hoặc một số khoản đầu tư vào các công ty liên doanh, liên kết, đầu tư dài hạn khác bị thua lỗ, qua kiểm toán cho thấy, hầu hết các khoản đầu tư này đã được thực hiện từ trước đây khá lâu, có những khoản đã hơn 10-15 năm…

Nguyên nhân khách quan của tình trạng này là bởi giá sản phẩm giảm do cạnh tranh, do nhu cầu thị trường (kể cả quốc tế và trong nước) giảm mạnh dẫn đến biên độ lợi nhuận thấp hoặc thậm chí dưới giá thành; ảnh hưởng của các yếu tố tự nhiên như: Thiên tai, bão lụt, dịch bệnh… làm cho năng suất, chất lượng sản phẩm trong sản xuất kinh doanh bị giảm.

Đồng thời, sự phát triển khoa học công nghệ tạo ra các sản phẩm thay thế làm cho một số sản phẩm các DN đã đầu tư không đạt được mức tiêu thụ như khi bỏ vốn đầu tư. Cùng với đó, quá trình đô thị hóa làm cho các cơ sở sản xuất kinh doanh phải giảm quy mô hoặc dịch chuyển làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh.

Tuy nhiên, KTNN cũng cho rằng, còn có nhiều nguyên nhân chủ quan dẫn đến tình trạng trên. Có những trường hợp trong quá trình đầu tư, DN không lường hết các yếu tố rủi ro đối với dự án, không lường hết sự thay đổi nhanh chóng của khoa học công nghệ, của thị trường… nên ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư vốn.

Trong quá trình kiểm toán, KTNN đã thu thập, phân tích các tài liệu, thông tin để tìm hiểu rõ nguyên nhân của các khoản đầu tư hiệu quả chưa cao hoặc thua lỗ, từ đó có những kiến nghị cụ thể đối với từng trường hợp, như: Chấn chỉnh công tác quản lý của DN, tái cơ cấu DN, xem xét việc thoái vốn, dừng đầu tư dự án; tăng cường kiểm tra, giám sát của các đơn vị có thẩm quyền.

KTNN cũng kiến nghị cơ quan chức năng nghiên cứu bổ sung, sửa đổi những bất cập chính sách để góp phần thúc đẩy sản xuất kinh doanh, nâng cao hiệu quả đầu tư vốn của DN. Ngoài ra, KTNN còn kiến nghị kiểm điểm làm rõ và xử lý theo đúng quy định pháp luật đối với các tập thể, cá nhân đã để xảy ra tình trạng đầu tư kém hoặc không hiệu quả nhằm nâng cao trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động đầu tư tài chính.

Thực tiễn trên cho thấy, việc quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại DN đã có những chuyển biến tích cực nhưng vẫn còn nhiều thách thức cần giải quyết. Để nhận diện rõ hơn những vấn đề và giải pháp trọng tâm cần tháo gỡ, mời quý độc giả theo dõi các bài viết tiếp theo trên Báo Kiểm toán./.

Bài 2: Hiệu quả sử dụng vốn tại các doanh nghiệp thuộc Ủy ban Quản lý vốn nhà nước đặt ra yêu cầu gì?

HỒNG THU

Nguồn Kiểm Toán: http://baokiemtoan.vn/doi-moi-de-nang-cao-hieu-qua-quan-ly-dau-tu-von-nha-nuoc-tai-doanh-nghiep-35940.html
Zalo