Khai thác thị trường du lịch Hồi giáo còn nhiều khó khăn

Có thể nói, du lịch Hồi giáo là thị trường tiềm năng tại Việt Nam. Một số đơn vị doanh nghiệp, du lịch lữ hành đã 'vào cuộc' khai thác thị trường này, tuy nhiên còn gặp nhiều khó khăn.

Trước đó Tạp chí du lịch TP.HCM, đã đăng 2 bài về du lịch Halal là: Nắm bắt 'gu' văn hóa - ẩm thực để hút khách Hồi giáo chi tiêu 'khủng' và “TP.HCM nỗ lực cung cấp dịch vụ đạt chuẩn cho khách Hồi giáo”. Nội dung hai bài này xoay quanh về vấn đề tiềm năng và những tour du lịch Halal ở Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia về du lịch còn cho rằng du lịch Halal tại Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn và thách thức.

Khách quan và chủ quan

Theo ông Phạm Anh Vũ - Phó tổng giám đốc Du Lịch Việt, thị trường khách du lịch Hồi rất tiềm năng. Với dân số đông và mức sống ngày càng nâng cao, nhu cầu du lịch của nhóm khách hàng này sẽ tiếp tục tăng trưởng trong những năm tới. Việt Nam với nhiều điểm đến hấp dẫn, văn hóa đa dạng và ẩm thực phong phú hoàn toàn có thể thu hút một lượng lớn khách du lịch Hồi giáo.

Phát triển du lịch Hồi giáo tại Việt Nam đang còn gặp nhiều khó khăn. Ảnh: Công ty Halal Quốc Gia Việt Nam

Phát triển du lịch Hồi giáo tại Việt Nam đang còn gặp nhiều khó khăn. Ảnh: Công ty Halal Quốc Gia Việt Nam

Tuy nhiên, ông Vũ gặp một số khó khăn để phục vụ du lịch Hồi giáo như: Số lượng nhà hàng và khách sạn đạt tiêu chuẩn Halal tại Việt Nam còn hạn chế; Khó khăn trong việc tiếp cận và truyền thông đến nhóm khách hàng mục tiêu một cách hiệu quả; Chưa có thời gian và nguồn lực để đào tạo nhân viên hiểu biết về văn hóa và tín ngưỡng của người Hồi giáo.

Ông Vũ cho rằng việc khai thác thị trường khách Hồi giáo còn những khó khăn cả khách quan và chủ quan. Khách quan là chúng ta chưa có nhiều đường bay thẳng tới các thị trường này, hạ tầng du lịch chuyên biệt đáp ứng yêu cầu của khách Hồi giáo vẫn còn ít.

Có thể lấy ví dụ như việc đối với các khách sạn dành cho du khách Hồi giáo tại nhiều quốc gia khác đều có những trang bị riêng như: đánh dấu mũi tên chỉ hướng về thánh địa để cầu nguyện, cần phải có đầu bếp nấu chuyên, thực phẩm phải có chứng nhận Halafood…

Cần phải có đầu bếp nấu chuyên, thực phẩm phải có chứng nhận Halafood. Ảnh: Công ty Halal Quốc Gia Việt Nam

Cần phải có đầu bếp nấu chuyên, thực phẩm phải có chứng nhận Halafood. Ảnh: Công ty Halal Quốc Gia Việt Nam

“Tại Việt Nam, chỉ ở những TP lớn có thể đáp ứng các tiêu chuẩn được quốc tế công nhận, còn tại các địa phương còn ít dịch vụ chuyên cho khách Hồi giáo hoặc dịch vụ tự đánh giá tiêu chuẩn để phục vụ", ông Vũ nói.

"Còn một nguyên nhân khách quan xuất phát từ trang phục đặc thù của người Hồi giáo nên hầu như các đoàn khách đều nhận được không ít những góc nhìn tò mò hay biểu cảm không nên có của người dân tại các điểm đến. Điều này cần có sự chung tay để chuyển biến nếu chúng ta mong muốn phát triển thị trường khách Hồi giáo”.

Ông Phạm Anh Vũ - Phó tổng giám đốc Du Lịch Việt, chia sẻ về những khó khăn khi khai thác du lịch Halal

Số lượng du khách Hồi giáo đến Việt Nam ngày càng tăng dân

Số lượng du khách Hồi giáo đến Việt Nam ngày càng tăng dân

Còn bà Huỳnh Phan Phương Hoàng, Phó tổng Giám đốc Vietravel, cũng chỉ ra những điều khó khăn trong kinh doanh sản phẩm du lịch liên quan đến Halal là nhiều doanh nghiệp chưa có hiểu biết đầy đủ về các tiêu chuẩn Halal, các quy định liên quan, và tầm quan trọng của việc chứng nhận Halal.

Bên cạnh đó, thông tin về thị trường Halal và các quy định liên quan còn hạn chế, gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc xây dựng và phát triển sản phẩm. Nhiều địa điểm du lịch chưa có đầy đủ các cơ sở vật chất phục vụ cho nhu cầu của du khách Hồi giáo như nhà hàng Halal, khu vực cầu nguyện…

“Các sản phẩm du lịch Halal hiện nay còn khá đơn điệu, chưa đáp ứng được nhu cầu đa dạng của du khách, các hoạt động giải trí, vui chơi giải trí phù hợp với văn hóa Hồi giáo còn hạn chế. Quy trình chứng nhận Halal khá phức tạp và đòi hỏi nhiều giấy tờ, thủ tục và chi phí chứng nhận Halal khá cao, gây khó khăn cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa”, bà Hoàng nói thêm.

Theo báo cáo về Chỉ số Du lịch Hồi giáo toàn cầu (GMTI), năm 2023, khoảng 140 triệu lượt khách Hồi giáo đi du lịch khắp nơi trên thế giới. Đến năm 2028, con số này ước tính khoảng 230 triệu lượt, chi tiêu lên tới 225 tỷ USD. Người Hồi giáo trên thế giới hiện có khoảng 2,1 tỷ người, chiếm 1/4 dân số thế giới, gần nửa số người Hồi giáo sống ở các quốc gia phát triển, có thu nhập cao.

Cách nào để thu hút du khách du lịch Hồi giáo đến Việt Nam?

Để phục vụ khách du lịch Hồi giáo tốt hơn, ngay trong các doanh nghiệp cần, ông Vũ đưa ra góp ý như: Tìm kiếm thêm các đối tác là nhà hàng, khách sạn đạt tiêu chuẩn Halal; Đầu tư vào việc nâng cao chất lượng dịch vụ, đào tạo nhân viên chuyên nghiệp; Phát triển sản phẩm du lịch đa dạng; Tăng cường quảng bá hình ảnh du lịch Việt Nam đến các thị trường khách du lịch Hồi giáo.

Một số doanh nghiệp tại Việt Nam đầu tư du lịch Halal. Ảnh: Công ty Halal Quốc Gia Việt Nam

Một số doanh nghiệp tại Việt Nam đầu tư du lịch Halal. Ảnh: Công ty Halal Quốc Gia Việt Nam

Vị phó tổng Giám đốc Vietravel chỉ ra hiện nay TP.HCM, chưa có nhiều cơ sở lưu trú đạt chuẩn Halal là một hạn chế lớn trong việc thu hút du khách Hồi giáo.

Nguyên nhân là: nhiều cơ sở lưu trú chưa hiểu rõ về các tiêu chuẩn Halal và tầm quan trọng của việc đáp ứng nhu cầu của du khách Hồi giáo; Các cơ sở lưu trú chưa có nhiều thông tin về các quy trình chứng nhận Halal và các đơn vị cung cấp dịch vụ này; Việc cải tạo và nâng cấp cơ sở vật chất để đạt chuẩn Halal đòi hỏi một khoản đầu tư lớn.

“Để giải quyết vấn đề này, chính quyền TP cần ban hành các chính sách ưu đãi về thuế, tín dụng để khuyến khích các cơ sở lưu trú đầu tư nâng cấp và đạt chuẩn Halal; Tổ chức các khóa đào tạo về tiêu chuẩn Halal cho các chủ cơ sở lưu trú, nhân viên khách sạn và nhà hàng; Quảng bá hình ảnh TP.HCM là một điểm đến thân thiện với du khách Hồi giáo”, bà Hoàng chia sẻ.

“Các cơ sở lưu trú cần đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất để đáp ứng các tiêu chuẩn Halal; Đào tạo cho nhân viên kiến thức về văn hóa Hồi giáo và các tiêu chuẩn Halal. Các đơn vị chứng nhận Halal cần mở rộng quy mô hoạt động và cung cấp các dịch vụ chứng nhận Halal cho các cơ sở lưu trú và rút gọn các thủ tục chứng nhận để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, cơ sở lưu trú”, bà Huỳnh Phan Phương Hoàng, Phó tổng Giám đốc Vietravel, đóng góp ý kiến để du lịch Halal ngày càng phát triển.

Du khách Hồi giáo đến Sapa. Ảnh: Sở du lịch tỉnh Lao Cai

Du khách Hồi giáo đến Sapa. Ảnh: Sở du lịch tỉnh Lao Cai

Ước tính vào năm 2024, có đến 2,1 tỉ dân là người Hồi giáo. Do đó, ông Trần Văn Tân Cương, Giám đốc Công ty Halal Quốc Gia Việt Nam, cho rằng người Hồi giáo được xem là dòng khách du lịch tiềm năng cho thị trường Việt Nam.

Tuy nhiên, theo ông Cương, thách thức chính trong du lịch Halal là khác biệt về văn hóa và tôn giáo.

“Để có thể thu hút khách Hồi giáo, các nhà hàng, khu du lịch tại Việt Nam cần đầu tư đào tạo nhận thức, văn hóa cho nhân viên; đẩy mạnh cung cấp các gói dịch vụ phù hợp với các yêu cầu về Halal như đảm bảo tính bền vững, trung thành và có trách nhiệm xã hội, thân thiện với môi trường. Đồng thời, các đơn vị cần tạo môi trường hòa nhập, thân thiện và chào đón du khách”, ông Cương nói.

Còn ông Hosen Yousof, Giám đốc công ty Halaltrip.vn, mô hình du lịch ưa thích của khách Hồi giáo thường kéo dài hơn so với du khách khác và thường đi theo dạng gia đình hoặc nhóm lớn. Do đó, Việt Nam cần có các hoạt động vui chơi, giải trí thân thiện với gia đình để thu hút dòng khách này khi đến với thị trường Việt Nam.

Người dân địa phương nhiệt tình, chào đón khách du lịch Hồi giáo. Ảnh: Sở du lịch tỉnh Lào Cai

Người dân địa phương nhiệt tình, chào đón khách du lịch Hồi giáo. Ảnh: Sở du lịch tỉnh Lào Cai

Ngoài những yêu cầu như: có nhân viên Hồi giáo và được đào tạo bởi chuyên gia người Hồi giáo hay nhà hàng Halal tại địa điểm du lịch phải có giấy chứng nhận Halal từ đơn vị cấp giấy chứng nhận tại Việt Nam, thì ông Hosen Yousof cho rằng: "Một trong những yếu tố quan trọng trong tiêu chuẩn Halal cho khách du lịch Hồi giáo là cần có phòng cầu nguyện tại sân bay, trung tâm mua sắm, trung tâm thương mại... để khách du lịch Hồi giáo có thể thực hiện các nghi lễ tôn giáo một cách thuận tiện và thoải mái".

Có thể nói thị trường du lịch Halal là thị trường đầy tiềm năng, mang đến những cơ hội đầy hứa hẹn cho ngành du lịch Việt Nam. Tuy vậy, để thành công khai thác thị trường này, chúng ta cùng đồng long từ cơ quan chức năng, các đơn vị doanh nghiệp, du lịch lữ hành đến địa phương…

Hà Sang

Nguồn Du lịch TP.HCM: https://tcdulichtphcm.vn/suy-ngam/khai-thac-thi-truong-du-lich-hoi-giao-con-nhieu-kho-khan-c8a82146.html
Zalo