Đổi mới công nghệ đưa tơ thô xuất khẩu
Một nhà máy xe tơ nhỏ giữa vùng đất Di Linh đang tập trung thay đổi công nghệ. Với mục tiêu làm ra những sợi tơ thô tốt nhất, giữ được vị trí trên thị trường xuất khẩu, Công ty TNHH Ươm tơ Lê Sáu đang hướng tới một công nghệ tiên tiến.
“Năm 2024 là đúng 10 năm Công ty Lê Sáu được thành lập. Từ nhà máy sản xuất ban đầu công nghệ kém hơn, hiện tại chúng tôi đang dần dần thay đổi, mua sắm máy móc, áp dụng công nghệ để giữ vững thị trường xuất khẩu”, ông Lê Sáu, người giám đốc giản dị của Công ty Ươm tơ Lê Sáu, xã Đinh Lạc, huyện Di Linh chia sẻ. Ông Sáu nhắc lại, thời gian đầu thành lập, nguồn vốn ít, ông cũng mua một số máy móc với công nghệ vừa tầm. Máy móc không hiện đại, thời gian sử dụng lâu nên cũ, thường xuyên hư hỏng, tỷ lệ sợi tơ đứt, gãy, lãng phí nguyên liệu rất nhiều. Vì vậy, những năm gần đây, Lê Sáu đang cố gắng cải thiện công nghệ, ứng dụng quy trình sản xuất với mục tiêu làm ra những sợi tơ tốt nhất, ông Lê Sáu chia sẻ. Ông cho biết, với sự giúp đỡ của ngành Công thương, Công ty Ươm tơ Lê Sáu đã áp dụng quy trình sản xuất sạch hơn, mua sắm nhiều hạng mục máy móc mới. Cuối năm 2024, công ty vừa lắp ráp một dàn máy ươm tơ mới, năng suất cao, dễ làm, tiết kiệm nguồn nhân lực cho công nhân và đặc biệt, hạn chế tình trạng sợi tơ bị đứt.
“Công ty Lê Sáu thu mua kén tằm của nông dân vùng Di Linh cũng như nông dân tỉnh Lâm Đồng. Nhà máy của chúng tôi chuyên xuất khẩu đi thị trường Ấn Độ. Hiện tại, Ấn Độ đang là thị trường tơ thô lớn nhất của Lâm Đồng”, ông Lê Sáu thông tin. Theo ông, điều rất đáng mừng với nghề xe tơ dệt lụa Lâm Đồng là sự thay đổi từ gốc đến ngọn. Nếu trước đây, kén tằm Lâm Đồng thường nhỏ, sợi yếu, dễ đứt, trọng lượng kén thấp thì hiện tại, kén tằm Lâm Đồng đạt chất lượng rất cao, có thể đạt 1.000 m tơ trong một con kén. “Công nghệ trồng dâu, nuôi tằm cũng thay đổi rất nhiều, giống tằm ổn, năng suất dâu rất cao. Vì vậy, bà con cho ăn, chăm sóc đúng kĩ thuật, sản xuất và được những lứa kén già, nặng, thuận lợi cho người làm xe tơ như chúng tôi. Sự tiến bộ của nông dân trồng dâu, nuôi tằm là nguyên nhân đầu tiên giúp nghề tơ Lâm Đồng phát triển”. Vì vậy, Công ty Lê Sáu luôn đảm bảo mối quan hệ hợp tác chặt chẽ với người nông dân trồng dâu, nuôi tằm, ông Lê Sáu đánh giá.
Với sự thay đổi công nghệ, mua sắm, lắp đặt các hệ thống máy mới, một dàn máy ươm của Công ty Lê Sáu đạt công suất 4 tấn kén/tua. Một tua kén 7 ngày, cho ra đời ba tạ tơ thô trắng, mảnh, dai, đủ chất lượng xuất khẩu. Vào thời điểm kén nhiều, cao điểm sản xuất, một ngày Công ty Lê Sáu sản xuất được 4 tạ tơ thô. Hầu hết tơ của công ty đều xuất khẩu trực tiếp sang Ấn Độ. Ông Lê Sáu cũng nhận xét, bạn hàng Ấn Độ, sau khi tới khảo sát nhà máy cũng như vùng tằm Lâm Đồng đã rất có ấn tượng và yêu thích. Với Công ty Lê Sáu, đối tác chấp nhận thanh toán trước, nhận hàng sau, một phương thức rất có lợi cho doanh nghiệp. Bạn hàng uy tín, đầu ra ổn định, tuy nhiên, muốn có được đơn hàng chất lượng cao, đạt giá tốt thì công ty phải nâng cao chất lượng tơ, ông Lê Sáu chia sẻ. Chính vì vậy, xuất thân từ một xưởng ươm tơ nhỏ mang tính địa phương, công ty tích cực thay đổi công nghệ . “Cũng may mắn nhờ được sự hỗ trợ từ các cơ quan nhà nước, từ Sở Công thương, các ngành, công ty có thêm thông tin cũng như bù đắp một phần chi phí để mua sắm máy móc mới cho doanh nghiệp”, ông Lê Sáu thông tin. Năm 2020, ông được hỗ trợ xây dựng mô hình sản xuất sạch hơn, cải thiện môi trường làm việc, tiết kiệm các nguyên liệu đầu vào trong sản xuất. Năm 2024, ông được Quỹ khuyến công cho vay 400 triệu đồng, thêm kinh phí để lắp đặt một dàn máy ươm tơ hiện đại trị giá gần 2 tỷ đồng. Theo ông Lê Sáu, vốn để thay đổi máy móc, công nghệ trong ngành ươm tơ rất lớn, để doanh nghiệp tự bươn chải cũng vất vả. Có sự hỗ trợ của Nhà nước, doanh nghiệp sẽ nhanh chóng trong việc thay đổi công nghệ cũng như mua sắm máy móc, trang thiết bị hiện đại.
Bà Cao Thị Thanh - Phó Giám đốc Sở Công thương Lâm Đồng cho biết, hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, tiết giảm chi phí, nâng cao năng suất chất lượng luôn là mục tiêu ưu tiên của ngành Công thương. Đặc biệt, tơ thô hiện tại là mặt hàng xuất khẩu rất giá trị của Lâm Đồng. Ngoài mang lại nguồn ngoại tệ lớn, các công ty ươm tơ dệt lụa đã giúp ổn định và tăng trưởng diện tích cây dâu, kéo theo sự phồn thịnh của hàng vạn gia đình nông dân. Vì vậy, hỗ trợ các nhà máy xe tơ dệt lụa là ưu tiên của Lâm Đồng với mục tiêu, phát triển bền vững nghề trồng dâu, nuôi tằm cao nguyên.