Đại biểu Quốc hội: Giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu là giải pháp thiết thực
Theo đại biểu Quốc hội, việc giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu vừa là giải pháp tình thế vừa có ý nghĩa chiến lược cho phát triển bền vững.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa biểu quyết thông qua Nghị quyết về áp dụng mức thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu, mỡ nhờn từ 1/1/2025 đến hết ngày 31/12/2025.
Cụ thể, tại phiên họp chiều 24/12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định một số vấn đề thuộc lĩnh vực tài chính ngân sách, trong đó có mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn trong năm 2025.
Tờ trình của Chính phủ cho biết, thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn là một yếu tố cấu thành giá cơ sở của xăng dầu trong nước. Việc điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng này sẽ tác động trực tiếp đến giá bán lẻ xăng dầu trong nước nên cũng tác động đến chỉ số CPI và do đó được xem là một công cụ để thực hiện kiểm soát lạm phát.
Theo Chính phủ, thực tế, việc thực hiện giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, mỡ nhờn trong thời gian qua đã phát huy hiệu quả trong việc góp phần kiểm soát lạm phát.
Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về triển khai các giải pháp để ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, góp phần tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh; căn cứ quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự án Nghị quyết về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn trong năm 2025.
Cụ thể, mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn để áp dụng trong năm 2025 như mức thuế quy định tại Nghị quyết số 42/2023/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Xăng, trừ etanol: 2.000 đồng/lít; nhiên liệu bay, dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn: 1.000 đồng/lít; mỡ nhờn: 1.000 đồng/kg; dầu hỏa: 600 đồng/lít.
Từ ngày 1/1/2026, mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn thực hiện theo Nghị quyết số 579/2018/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; cụ thể: Xăng, trừ etanol là 4.000 đồng/lít; nhiên liệu bay là 3.000 đồng/lít; dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn là 2.000 đồng/lít; dầu hỏa là 1.000 đồng/lít; mỡ nhờn là 2.000 đồng/kg.
Trước đó, theo quy định tại mục 1 khoản 1 Điều 1 của Nghị quyết 579/2018/UBTVQH14, từ ngày 1/01/2025 sẽ áp dụng mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn mới. Cụ thể, mức thuế bảo vệ môi trường với xăng, trừ etanol là 4.000 đồng/lít; nhiên liệu bay là 3.000 đồng/lít; dầu diesel là 2.000 đồng/lít; dầu hỏa là 1.000 đồng/lít; dầu mazut là 2.000 đồng/lít; dầu nhờn là 2.000 đồng/lít; mỡ nhờn là 2.000 đồng/kg.
Tuy nhiên, khi mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn tăng về mức trần trong Biểu khung thuế như trên từ ngày 1/1/2025 sẽ có tác động tiêu cực đến nền kinh tế. Bởi, mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, mỡ nhờn sẽ làm tăng giá bán lẻ những mặt hàng này; tạo áp lực gia tăng lạm phát, từ đó gây bất lợi trong thực hiện các mục tiêu tăng trưởng kinh tế.
Đối với mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho biết, để bảo đảm tính ổn định của chính sách và đạt được mục tiêu hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, tạo thêm động lực phát triển kinh tế - xã hội, đa số ý kiến trong Ủy ban Tài chính - Ngân sách nhất trí với đề xuất của Chính phủ về thời hạn áp dụng Nghị quyết từ ngày 1/01/2025 đến hết ngày 31/12/2025.
Từ ngày 1/1/2026, mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn thực hiện theo Nghị quyết số 579/2018/UBTVQH14. Đồng thời, đề nghị Chính phủ cam kết và chịu trách nhiệm việc đề xuất giảm các mức thuế này không ảnh hưởng đến dự toán thu, chi ngân sách nhà nước năm 2025 đã được Quốc hội thông qua.
Tại phiên họp, với 100% số thành viên tham dự nhất trí tán thành, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương năm 2024 cho các địa phương và Nghị quyết về áp dụng mức thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu, mỡ nhờn.
Chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương sáng 25/12, đại biểu Quốc hội Trương Xuân Cừ - đoàn Hà Nội khẳng định, việc giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu, mỡ nhờn đến 31/12/2025 là giải pháp phù hợp và thiết thực, vừa có ý nghĩa tình thế, vừa có ý nghĩa chiến lược cho phát triển bền vững đất nước.
Qua đó, sẽ góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp, người dân, tạo thêm động lực cho phát triển kinh tế - xã hội. Điều này, đã thể hiện sự chia sẻ thiết thực của Nhà nước với người dân, doanh nghiệp.
Theo đại biểu Trương Xuân Cừ, xăng dầu là nguyên nhiên liệu đầu vào của hầu hết các ngành sản xuất, đặc biệt nhóm ngành huyết mạch của nền kinh tế như giao thông vận tải, điện... Việc giảm thuế bảo vệ môi trường đối với nhóm xăng, dầu, mỡ nhờn sẽ góp phần làm giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm của doanh nghiệp; đồng thời, góp phần giảm bớt chi phí tiêu thụ xăng, dầu, mỡ nhờn cho người dân.
“Xăng dầu là "mạch máu" của nền kinh tế, được sử dụng trong hầu hết các ngành kinh tế, trong đó có những ngành sử dụng nhiều nhiên liệu xăng dầu như khai thác thủy sản, hoặc vận tải, khai thác than... Do đó, việc giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu là một trong những giải pháp kiềm chế đà tăng của giá xăng dầu trong nước, giúp giảm chi phí đầu vào, qua đó giúp doanh nghiệp phát triển, tạo tiền đề thu ngân sách trong thời gian tới” - đại biểu nói.