Khai thác 'mỏ vàng' công nghiệp văn hóa

Tiềm năng của công nghiệp văn hóa Việt Nam là rất nhiều. Nhưng, để khai thác triệt để, cần những 'cú hích' lớn hơn, mạnh mẽ hơn.

Những dấu ấn tích cực

Trải qua hơn 7 năm triển khai Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam, ngành công nghiệp văn hóa đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ. Từ một lĩnh vực được xem như tiềm năng, công nghiệp văn hóa dần khẳng định vai trò là một ngành kinh tế sáng tạo, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước...

Nhìn lại chặng đường đã qua, những con số biết nói phần nào minh chứng cho thành quả. Trong giai đoạn 2016 - 2018, doanh thu toàn ngành đạt hơn 8 tỷ USD, chiếm 3,61% GDP. Đến năm 2021, tỷ lệ này tăng lên 3,92% và năm 2022 tiếp tục đạt 4,04% GDP. Chỉ riêng giai đoạn 2018 - 2022, giá trị sản xuất toàn ngành lên tới 1,059 triệu tỷ đồng (khoảng 44 tỷ USD). Những kết quả này cho thấy ngành công nghiệp văn hóa không chỉ tăng trưởng nhanh mà còn bền vững, khẳng định vị thế trong nền kinh tế quốc gia.

Tại Đà Nẵng - thành phố trẻ năng động bậc nhất miền Trung - công nghiệp văn hóa được xem là một trong những trụ cột quan trọng trong chiến lược phát triển bền vững. Thành phố không chỉ tập trung phát triển các ngành quảng cáo, phần mềm, trò chơi giải trí mà còn đầu tư vào các lĩnh vực như điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn và du lịch văn hóa...

Ở một địa phương khác của miền Trung, Hội An - phố cổ trầm mặc với bề dày lịch sử - lại đang cho thấy một cách tiếp cận khác biệt. Không chỉ là một địa danh nổi tiếng với du khách quốc tế, Hội An còn là biểu tượng của sự kết hợp giữa bảo tồn và sáng tạo. Những di sản của Hội An không chỉ gói gọn trong các công trình kiến trúc cổ mà còn là những câu chuyện văn hóa, mang hơi thở của thời gian.

Hội An - một điểm sáng về phát triển công nghiệp văn hóa.

Hội An - một điểm sáng về phát triển công nghiệp văn hóa.

Ông Nguyễn Văn Lanh, Phó Chủ tịch UBND TP. Hội An chia sẻ, Hội An đã hình thành nhiều không gian sáng tạo văn hóa như “Đảo ký ức Hội An” hay show diễn thực cảnh Ký ức Hội An. Mỗi sản phẩm không chỉ kể câu chuyện về lịch sử mà còn được thổi hồn sáng tạo hiện đại. Cùng với Trung tâm Biểu diễn Lune Hội An, nơi tổ chức các buổi biểu diễn kết hợp giữa xiếc và nghệ thuật dân gian, Hội An đang dẫn đầu trong việc xây dựng mô hình kết hợp giữa du lịch và công nghiệp văn hóa. Đây là minh chứng rõ nét rằng bảo tồn không đồng nghĩa với sự khép kín mà là sự mở ra những cách thức mới, sáng tạo hơn, để làm giàu thêm các giá trị văn hóa.

Kết nối văn hóa với du lịch

Tiềm năng của công nghiệp văn hóa Việt Nam là rất nhiều. Nhưng, để khai thác triệt để, cần những “cú hích” lớn hơn, mạnh mẽ hơn. Chỉ thị số 30/CT-TTg, ban hành ngày 29/8/2024, được xem như “kim chỉ Nam” trong việc phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Chỉ thị không chỉ đặt mục tiêu phát triển nhanh và bền vững mà còn nhấn mạnh yếu tố bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, từ đó tạo nên sự khác biệt và hấp dẫn trên trường quốc tế.

Với Chỉ thị 30, các cơ hội hợp tác quốc tế đang được mở rộng. Tại Hội nghị triển khai Chỉ thị 30 do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch được tổ chức ở Đà Nẵng, Thứ trưởng Hồ An Phong nhấn mạnh, Chỉ thị này là bước ngoặt nâng cao nhận thức xã hội về vai trò của công nghiệp văn hóa, khuyến khích doanh nghiệp và cộng đồng tham gia phát triển ngành, cũng như thay đổi cách tiếp cận từ làm văn hóa sang quản lý nhà nước về văn hóa…

Sự kết hợp giữa công nghiệp văn hóa và du lịch được xem là xu hướng tất yếu.

Sự kết hợp giữa công nghiệp văn hóa và du lịch được xem là xu hướng tất yếu.

Ông Trần Hoàng, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đề xuất, cần đẩy mạnh truyền thông, rà soát các chính sách ưu đãi, tăng cường hợp tác công tư và ứng dụng công nghệ để phát triển ngành. Đây được xem là nền tảng vững chắc để công nghiệp văn hóa không chỉ tăng trưởng mà còn trở thành một phần thiết yếu của nền kinh tế.

Mới đây, trong đợt quảng bá du lịch qua điện ảnh tại Hollywood, 17 chủ đoàn làm phim đã cam kết sẽ đến Việt Nam vào năm 2025 để xúc tiến các dự án. Đây không chỉ là tín hiệu tích cực cho công nghiệp văn hóa mà còn là cơ hội lớn để quảng bá hình ảnh đất nước ra thế giới.

Đặc biệt, sự kết hợp giữa công nghiệp văn hóa và du lịch được xem là xu hướng tất yếu. Ông Hà Văn Siêu, Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam khẳng định, du lịch văn hóa không chỉ là ngành kinh tế mà còn là cầu nối giữa quá khứ và hiện tại, giữa con người và con người, giữa các nền văn hóa khác nhau. Phát triển công nghiệp văn hóa là đòn bẩy để thúc đẩy du lịch.

Ở chiều ngược lại, du lịch văn hóa không chỉ là bộ phận cấu thành các ngành công nghiệp văn hóa mà còn là cơ sở tạo ra nguồn lực giúp bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa một cách bền vững.

Để có thể phát huy vai trò của ngành công nghiệp văn hóa trong mối liên kết với du lịch, cần có nhiều giải pháp khơi thông năng lực sáng tạo của các tổ chức, cá nhân. Để du lịch văn hóa trở thành một phần cốt lõi của công nghiệp văn hóa, Việt Nam cần xây dựng nhiều sản phẩm sáng tạo hơn, tạo ra những trải nghiệm khác biệt, độc đáo cho du khách. Đây không chỉ là bài toán kinh tế mà còn là sứ mệnh văn hóa: mang bản sắc Việt lan tỏa khắp 5 châu…

Nghi Lộc

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/khai-thac-mo-vang-cong-nghiep-van-hoa-158082.html
Zalo