Nhìn nhận quảng cáo thực sự là ngành công nghiệp văn hóa

Theo chương trình Kỳ họp thứ Tám, chiều nay, 25.11, Quốc hội sẽ thảo luận tại hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo. Việt Nam đang thúc đẩy công nghiệp văn hóa và quảng cáo được xác định là một trong 12 ngành công nghiệp văn hóa. Trong bối cảnh đó, theo các đại biểu Quốc hội, cần có các quy định phù hợp. Quản lý phải đi đôi với phát triển, tạo điều kiện thuận lợi cho lĩnh vực này phát huy vai trò.

Thay đổi tư duy quản lý

Ngành quảng cáo Việt Nam những năm qua được đánh giá đã có bước phát triển đáng kể, đa dạng về nội dung và hình thức, từng bước khẳng định vai trò quan trọng trong nền kinh tế sáng tạo, nâng cao vị thế văn hóa của đất nước. Số lượng doanh nghiệp quảng cáo tăng trưởng đều từng năm. Thống kê của Cục Văn hóa cơ sở, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cho thấy, nếu năm 2013, cả nước mới có trên 5.500 doanh nghiệp quảng cáo thì đến năm 2019 con số này là trên 13.000; do tác động của đại dịch Covid-19 hiện còn khoảng 9.000 doanh nghiệp quảng cáo.

Doanh thu quảng cáo năm 2022 của Việt Nam đạt khoảng 2,192 tỷ USD, đứng thứ 5 trong các quốc gia ASEAN. Xét về tốc độ tăng trưởng, Việt Nam xếp thứ hai (12,7%), chỉ sau Malaysia (18,9%) và hơn Indonesia (8,1%), Thái Lan (3,9%) và Singapore (8,4%). Bên cạnh đóng góp lớn vào GDP, quảng cáo còn truyền tải thông điệp tích cực, giá trị về văn hóa Việt đến cộng đồng, đưa văn hóa Việt bước ra thế giới

Trong bối cảnh đó, theo nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội, cần có cách tiếp cận mới về quảng cáo, thay đổi tư duy quản lý. Quảng cáo không chỉ là lĩnh vực kinh tế mà còn là ngành công nghiệp văn hóa như đã được xác định trong Chiến lược Phát triển công nghiệp văn hóa Việt Nam. Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp lần này được kỳ vọng sẽ đáp ứng phần nào yêu cầu đó.

 Thị phần quảng cáo trực tuyến hiện chiếm trên 50% tổng chi tiêu cho quảng cáo tại Việt Nam và dự báo sẽ tăng trưởng đều đặn. Nguồn: quangcaongoaitroi.org

Thị phần quảng cáo trực tuyến hiện chiếm trên 50% tổng chi tiêu cho quảng cáo tại Việt Nam và dự báo sẽ tăng trưởng đều đặn. Nguồn: quangcaongoaitroi.org

“Chúng ta đã thay đổi quan điểm về quảng cáo thì Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo cũng phải đi theo cách tiếp cận đó. Nếu đã xác định quảng cáo là một ngành công nghiệp văn hóa, thì tinh thần xây dựng luật là quản lý phải đi đôi với phát triển, để ngành quảng cáo thực sự phát huy vai trò là động lực quan trọng trong phát triển công nghiệp văn hóa, đồng thời đưa giá trị văn hóa vào kinh tế, tạo ra những lợi ích bền vững cho đất nước”, ĐBQH Bùi Hoài Sơn (Hà Nội) mong muốn.

ĐBQH Trần Hoàng Ngân (TP. Hồ Chí Minh) cho rằng, các quy định trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo "tạo điều kiện cho hoạt động quảng cáo phát triển nhưng đồng thời cũng tăng cường kiểm soát để quảng cáo đúng với vị trí, vai trò, chức năng, là cầu nối giữa người sản xuất, người tiêu dùng với người kinh doanh".

Quảng cáo trên mạng - nội dung cốt lõi

Cùng với sự phát triển nhanh chóng của hạ tầng kỹ thuật và các dịch vụ trên mạng internet, hoạt động quảng cáo đang có sự chuyển dịch mạnh mẽ từ quảng cáo theo hình thức truyền thống (quảng cáo ngoài trời trên bảng, biển, băng-rôn, báo in, phát thanh, truyền hình) sang hình thức quảng cáo trên môi trường mạng và dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới. Dự báo chỉ trong 1 - 2 năm tới, số tiền chi tiêu cho quảng cáo trên môi trường mạng và dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam sẽ vượt qua chi tiêu cho quảng cáo truyền thống, tiếp tục giữ mức tăng trưởng đều đặn. Các nền tảng xuyên biên giới như Facebook, Google, TikTok... ngày càng chiếm thị phần lớn trong hoạt động quảng cáo trực tuyến tại Việt Nam, thậm chí có thể nói đang ở vị trí độc quyền, có khả năng chi phối thị trường.

Vì thế, quản lý hoạt động quảng cáo trực tuyến được nhiều đại biểu quan tâm và cũng là nội dung cốt lõi của sửa đổi Luật Quảng cáo lần này. Dự thảo Luật đã quy định về yêu cầu đối với hoạt động quảng cáo trên mạng; trách nhiệm của người quảng cáo, người kinh doanh dịch vụ quảng cáo, người phát hành quảng cáo ở trong nước và ngoài nước; hoạt động quảng cáo trên mạng do các tổ chức, cá nhân nước ngoài cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam.

Dự thảo Luật cũng quy định trách nhiệm thông báo thông tin liên hệ, giải pháp kỹ thuật kiểm soát và loại bỏ các sản phẩm quảng cáo vi phạm pháp luật trên hệ thống cung cấp dịch vụ; chế độ báo cáo định kỳ của người kinh doanh dịch vụ quảng cáo trên mạng; quy trình ngăn chặn, gỡ bỏ quảng cáo trên mạng vi phạm: trách nhiệm phát hiện và xác định các quảng cáo vi phạm pháp luật; tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ quảng cáo phải thực hiện việc xử lý quảng cáo vi phạm theo yêu cầu.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh, với quan điểm quảng cáo là một ngành công nghiệp văn hóa, tức là tạo điều kiện cho quảng cáo phát triển, dự thảo Luật đưa ra các quy định để tổ chức, cá nhân tham gia vào hoạt động quảng cáo chấp hành, nếu làm sai sẽ bị xử lý (hậu kiểm). “Trong trường hợp thực sự nhạy cảm, có thể gây tác động xã hội lớn, phải cân nhắc để tính toán có biện pháp quản lý chặt hơn, thì phải báo cáo trước và đồng ý mới được làm”.

Việc quy định rõ hơn trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân tham gia vào hoạt động quảng cáo, đặc biệt là những nền tảng xuyên biên giới, được nhiều đại biểu đánh giá cao. Những quy định về xử lý vi phạm trong quảng cáo với chế tài mạnh hơn hy vọng sẽ giúp duy trì môi trường quảng cáo minh bạch, lành mạnh. Các đại biểu mong muốn, Ban soạn thảo tiếp tục rà soát nội dung này để bảo đảm tính bao quát, hài hòa, đầy đủ trách nhiệm của tất cả các bên tham gia vào chuỗi hoạt động quảng cáo (từ nhãn hàng, nhà sản xuất phim quảng cáo, đại lý quảng cáo, nền tảng mạng truyền phát quảng cáo, người chuyển tải sản phẩm quảng cáo); tính thống nhất của hệ thống pháp luật và hiệu lực, hiệu quả sau khi Luật có hiệu lực thi hành.

Hương Linh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/nhin-nhan-quang-cao-thuc-su-la-nganh-cong-nghiep-van-hoa-post397345.html
Zalo