Khai thác di sản, Hà Nội mở lối phát triển công nghiệp văn hóa
Với 6.489 di tích, trong đó có 3 di sản được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, 1 di sản tư liệu thế giới…, Hà Nội dẫn đầu cả nước về số lượng di sản văn hóa.

Di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò. Ảnh: Đức Hạnh/BNEWS/TTXVN
Hà Nội hiện là một trong những địa phương đầu tiên trên cả nước hoàn thành tổng kiểm kê di tích, triển khai khá hiệu quả công tác giáo dục di sản văn hóa. Mỗi năm, thành phố đã huy động hàng trăm tỷ đồng để tu bổ, tôn tạo, phát huy giá trị di sản, góp phần phát triển du lịch bền vững.
Với 6.489 di tích, trong đó có 3 di sản được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, 1 di sản tư liệu thế giới… và 1.350 làng nghề, làng có nghề chứa đựng những nét văn hóa truyền thống đặc sắc và có giá trị kinh tế cao, Hà Nội dẫn đầu cả nước về số lượng di sản văn hóa. Đây chính là nguồn tài nguyên phong phú cho sự phát triển kinh tế – xã hội nói chung, công nghiệp văn hóa nói riêng.
Bên cạnh đó, Hà Nội cũng có nhiều loại hình biểu diễn nghệ thuật truyền thống và sinh hoạt văn nghệ dân gian, trong đó có những loại hình được vinh danh là di sản văn hóa thế giới, như: ca trù, xẩm, hát văn… tạo sức hấp dẫn lớn đối với du khách trong và ngoài nước.
Thời gian qua, nhiều cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố đã đổi mới cách tiếp cận, khai thác di sản biến di sản thành nguồn lực phát triển kinh tế – xã hội, nhất là phát triển du lịch văn hóa, thủ công mỹ nghệ. Tiêu biểu như: Ban Quản lý di tích Nhà tù Hỏa Lò tiếp tục ra mắt công chúng sản phẩm văn hóa mới mang tên "Đêm thiêng liêng", tôn vinh những anh hùng trẻ tuổi với những câu chuyện lịch sử có thật tại Nhà tù Hỏa Lò; Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội đưa vào khai thác tour du lịch đêm "Giải mã Hoàng thành Thăng Long" chuyên biệt dành cho khách nước ngoài; Di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám triển khai tour đêm với công nghệ 3D mapping với chủ đề "Tinh hoa đạo học", phim 3D mapping "Sử đá lưu danh"; Làng gốm Bát Tràng đưa vào hoạt động, khai thác Trung tâm Tinh hoa Làng nghề Việt…

Di sản Hoàng thành Thăng Long. Ảnh: TTXVN
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, để khai thác giá trị kinh tế của di sản, theo các chuyên gia, Hà Nội cần có đội ngũ nhân lực tham gia lĩnh vực công nghiệp văn hóa am hiểu về văn hóa; hoạch định các chương trình dài hơi, cho ra đời những sản phẩm có chiều sâu, giàu bản sắc, bảo đảm mục tiêu quảng bá, tôn vinh di sản bền vững.
Các làng nghề cần nâng cao nghiệp vụ du lịch, đổi mới trong khâu thiết kế, "tăng tốc" chuyển đổi số, nhất là trong quảng bá sản phẩm, thu hút du lịch; cơ quan chức năng cần củng cố, mở rộng các tuyến tham quan dựa trên việc khai thác các giá trị của di sản: du lịch di sản văn hóa, lịch sử... Thành phố cần quan tâm nghiên cứu và thể nghiệm mô hình hợp tác công – tư trong hoạt động bảo tồn di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch bền vững; tăng cường đầu tư cho hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn…