Khai thác, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa góp phần phát triển du lịch huyện Thọ Xuân
Thọ Xuân - nơi sinh ra Anh hùng dân tộc Lê Hoàn, Lê Lợi, nơi phát tích của 2 triều đại Tiền Lê và Hậu Lê hiển hách trong lịch sử dân tộc. Với những giá trị lịch sử văn hóa to lớn và kho tàng di sản văn hóa vô cùng đặc biệt, những năm gần đây, Thọ Xuân đã trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách trong nước và quốc tế.
Biểu diễn Trò Xuân Phả - nét văn hóa đặc sắc của vùng đất Thọ Xuân. Ảnh: Hoài Anh
Một trong những điểm nhấn nổi bật trong hệ thống di tích ở Thọ Xuân là Khu di tích quốc gia đặc biệt đền thờ Lê Hoàn ở làng Trung Lập, xã Xuân Lập. Đền thờ Lê Hoàn nằm trong một quần thể di tích bao gồm: nền Sinh Thánh (truyền thuyết về nơi sinh Lê Hoàn), lăng Quốc Mẫu (nơi chôn cất mẹ Lê Hoàn), lăng Hoàng khảo (nơi chôn cất cha Lê Hoàn), lăng mộ Lê Đột (nơi chôn cất cha nuôi Lê Hoàn). Đặc biệt, nơi đây còn lưu giữ nhiều hiện vật quý, nổi bật là 2 tấm bia đá có niên đại từ thế kỷ XVII, ghi lại thân thế, sự nghiệp nhà vua và ruộng thờ cúng; 14 đạo sắc phong của các triều đại nhà Lê và nhà Nguyễn; 6 đạo lệnh chỉ của các chúa Trịnh.
Theo một số tài liệu còn lưu lại, ban đầu đền thờ Lê Hoàn chỉ là một ngôi miếu nhỏ, đến đầu thời Lý đền được dựng lại theo hình chữ Công, gồm tiền đường 5 gian, trung đường 3 gian và hậu cung 5 gian. Đến khoảng thế kỷ XVII, đền được trùng tu để có được dáng dấp hoàn chỉnh, gồm: nghinh môn, sân rồng, tả vu, hữu vu, tiền đường và hậu cung. Với lối kiến trúc truyền thống và nghệ thuật trang trí đặc sắc, đền thờ Lê Hoàn được nhiều nhà nghiên cứu đánh giá là một trong những di tích lịch sử, văn hóa - kiến trúc nghệ thuật cổ, đẹp và độc đáo bậc nhất xứ Thanh. Năm 2018 đền thờ Lê Hoàn đã được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt - di tích kiến trúc nghệ thuật. Năm 2019, UBND tỉnh công nhận đền thờ Lê Hoàn là điểm du lịch cấp tỉnh.
Để phát huy giá trị của di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia đặc biệt đền thờ Lê Hoàn một cách toàn diện hơn, hiện nay các di tích có liên quan như: lăng Quốc Mẫu, lăng Hoàng khảo, lăng mộ Lê Đột và đường nối vào khu di tích cũng đã được trùng tu, tôn tạo tương đối hoàn chỉnh, tạo điều kiện để Nhân dân và du khách đến tham quan, hành lễ, tưởng nhớ công lao to lớn của Hoàng đế Lê Đại Hành (húy là Lê Hoàn) cùng các bậc tiền nhân đã có công xây dựng và bảo vệ đất nước.
Cùng với đền thờ Lê Hoàn, điểm đến hấp dẫn trong hành trình khám phá di sản văn hóa Thọ Xuân là Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Lam Kinh. Khu di tích gắn liền với người Anh hùng dân tộc Lê Lợi - nơi phát tích cuộc khởi nghĩa Lam Sơn đánh đuổi giặc Minh trong 10 năm đầy gian khổ (1418 - 1427) cũng là nơi an nghỉ vĩnh hằng của các vương hậu thời Lê sơ. Với diện tích trải dài trên 140 ha, thành điện Lam Kinh xưa được xây dựng theo địa thế “tọa sơn hướng thủy”, phía Bắc dựa vào núi Dầu, phía Nam nhìn ra sông Chu, có núi Chúa là bình phong, phía Đông là rừng Phú Lâm, còn phía Tây được bảo vệ bởi núi Hương và núi Hàm Rồng. Khu hoàng thành, cung điện và thái miếu của kinh thành Lam Kinh được bố trí hình bàn cờ gồm khu ngọ môn, sân rồng, chính điện, thái miếu... Lam Kinh được coi là “kinh đô thứ 2” của nước Đại Việt sau Thăng Long Đông Đô - Hà Nội. Về với Lam Kinh du khách thỏa sức hòa mình trong không gian yên tĩnh, thoáng mát của vùng núi rừng Lam Sơn, cảm nhận nơi đây hồn thiêng sông núi một thời Lê Lợi dấy binh. Hàng năm Khu di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh thu hút hàng chục nghìn lượt khách trong nước và quốc tế.
Cùng với 2 di tích quốc gia đặc biệt nói trên, Thọ Xuân là huyện có mật độ di tích lịch sử văn hóa dày đặc, toàn huyện có tới 55 di tích được xếp hạng. Các di tích không những làm phong phú đời sống văn hóa, tinh thần của người dân địa phương mà còn trở thành điểm du lịch hấp dẫn.
Bên cạnh sự “đồ sộ” về di tích, Thọ Xuân là quê hương của nhiều lễ hội, trò diễn dân gian độc đáo và đặc sắc. Trong đó, di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia trò Xuân Phả là một trong những di sản nổi bật, được xem là “độc nhất vô nhị”. Trò được phát tích từ làng Xuân Phả (xã Xuân Trường), gồm 5 điệu múa: Hoa Lang, Tú Huần, Chiêm Thành, Ngô Quốc và Ai Lao. Mỗi điệu múa đều có những đặc trưng riêng về nội dung, cách thức diễn và lời ca. Bằng tài năng, cảm xúc và niềm đam mê nghệ thuật dân gian truyền thống của cha ông, những người nông dân xã Xuân Trường đã đưa trò diễn Xuân Phả vượt ra khỏi không gian sân khấu làng để tỏa sáng và thăng hoa trên nhiều sân khấu, lễ hội, festival văn hóa lớn của đất nước. Qua đó từng bước đưa trò diễn văn hóa dân gian Xuân Phả đến gần hơn với công chúng trong và ngoài nước.
Lễ hội Lam Kinh (ngày 22-8 âm lịch) hàng năm diễn ra trong không khí trang trọng, thành kính, tôn nghiêm, thu hút đông đảo Nhân dân và du khách thập phương.
Có thể nói, hệ thống di sản văn hóa phi vật thể của huyện Thọ Xuân đa dạng, phong phú, độc đáo, mang sắc thái riêng biệt mà không lẫn với bất cứ một địa phương, vùng, miền nào. Cùng với trò Xuân Phả là các trò diễn đặc sắc của một bộ phận người Mường như: lễ hội Mường Tiên bạn, múa pôồn pông, nhảy sạp, cồng chiêng, đánh mảng, ném còn, các điệu hát xường, mo Mường, hát ca công trên hồ Bàn Thạch... Bên cạnh đó, hàng năm, các lễ hội trên địa bàn huyện được tổ chức trang trọng như: lễ hội Lam Kinh, lễ hội Lê Hoàn, lễ hội làng Xuân Phả, lễ hội Lê Thánh tông, các lễ hội kỳ phúc của các làng gắn với các đình, chùa, đền... thu hút sự quan tâm của đông đảo Nhân dân và du khách thập phương. Ngoài ra, huyện còn tập trung phát triển các làng nghề truyền thống, với các sản phẩm nổi tiếng như: bánh gai Tứ Trụ; bánh lá răng bừa Xuân Lập; kẹo lạc Xuân Yên; nem chua Xuân Bái; nem nướng thị trấn Thọ Xuân; làng nón Thọ Lộc; đồ mỹ nghệ ở các xã Xuân Bái, Thọ Minh, Bắc Lương...
Phó Chủ tịch UBND huyện Thọ Xuân - Nguyễn Xuân Hải cho biết: Phát huy truyền thống vùng đất địa linh nhân kiệt, có truyền thống lịch sử, cách mạng, đồng thời sở hữu kho tàng di sản văn hóa phong phú, đặc sắc, những năm qua Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Thọ Xuân đã không ngừng nỗ lực, đẩy mạnh xã hội hóa, thu hút các nguồn lực cùng với ngân sách huyện, tỉnh tập trung xây dựng, trùng tu, tôn tạo nhiều di tích. Kể từ năm 2011 đến năm 2022, toàn huyện có 18 di tích được trùng tu, tôn tạo, chống xuống cấp, với tổng kinh phí hơn 66 tỷ đồng. Cùng với đó huyện đã, đang triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển du lịch; tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá các di tích lịch sử, di sản văn hóa; hình thành và kết nối các tour du lịch tới các di tích, danh thắng, làng nghề truyền thống... nhằm tạo nên sức hút đối với du khách. Năm 2022, huyện Thọ Xuân đã đón gần 500 nghìn lượt khách, tổng thu từ du lịch đạt khoảng 20 tỷ đồng, qua đó đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương.