Khai mở dư địa mới…
Dù gặp rất nhiều khó khăn, thách thức do những biến động của thị trường thế giới và tác động của thiên tai, trong đó, riêng bão số 3 (Yagi) đã gây thiệt hại tới 31.000 tỷ đồng, nhưng năm 2024 ngành nông nghiệp đã nỗ lực vượt qua, khẳng định vai trò trụ đỡ, điểm tựa của nền kinh tế.
Cụ thể, giá trị sản xuất toàn ngành đạt mức tăng trưởng ước đạt 3,3%. Tỷ lệ che phủ rừng đạt 42,02%; số xã đạt chuẩn nông thôn mới là 78,7%. Tỷ lệ hộ dân nông thôn được sử dụng nước sạch hợp quy chuẩn đạt 58%. Tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt mức cao kỷ lục 62,5 tỷ USD, tăng 18,7% so với năm 2023. Xuất siêu đạt mức kỷ lục mới 17,9 tỷ USD, tăng 46,8%. Có 7 hàng/nhóm mặt hàng xuất khẩu trên 3 tỷ USD.
Cơ cấu kinh tế ngành, cơ cấu sản xuất nông nghiệp tiếp tục chuyển dịch, điều chỉnh phù hợp, tích hợp đa giá trị, hiệu quả hơn gắn với thị trường, tăng tỷ trọng các tiểu ngành, sản phẩm có lợi thế cạnh tranh và giá trị cao. Tư duy sản xuất chuyển biến tích cực từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp; từng bước thay đổi từ cách tiếp cận nông nghiệp nâu sang nông nghiệp xanh…
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã triển khai hiệu quả nhiều chương trình, đề án như Đề án 1 triệu héc ta lúa chuyên canh chất lượng cao và thúc đẩy xuất khẩu sang các thị trường lớn. Các chính sách hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả thiên tai, nhất là bão số 3 được thực hiện đồng bộ và quyết liệt, giúp giảm thiểu thiệt hại, ổn định sản xuất, bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm.
Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, kết quả này có được là do kinh tế nông nghiệp bắt đầu “thẩm thấu” trong xã hội. Người nông dân đã biết sản xuất phải đi theo tín hiệu thị trường. Trước đây, sản xuất thường chạy theo sản lượng, làm ra càng nhiều càng tốt nhưng không biết bán đi đâu…
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng, những điểm sáng, kỷ lục trong xuất khẩu nông, lâm, thủy sản năm 2024 cho thấy ngành nông nghiệp có sự chuyển mình, vươn lên tầm cao mới. Sự chuyển mình này là kết quả của quá trình tái cơ cấu ngành theo hướng nâng cao giá trị và thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ…
Dù có không ít điểm sáng, kỷ lục, tăng trưởng của ngành cũng đã vượt xa mục tiêu của nhiệm kỳ 2021 - 2025 nhưng cũng cần thẳng thắn rằng, nông nghiệp phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, cơ hội, lợi thế và truyền thống. Công tác xây dựng quy hoạch, chiến lược, cơ chế, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn chưa theo kịp với thực tiễn. Công nghiệp chế biến và xây dựng thương hiệu nông, lâm, thủy sản chưa đáp ứng yêu cầu…
Đặc biệt, như ý kiến của Bộ trưởng Lê Minh Hoan, nông sản nước ta vẫn chủ yếu ở dạng xuất khẩu thô, tức vẫn đang ở điểm xuất phát của tầng thấp nhất trong chuỗi giá trị. Cho nên dù đã làm rất tốt song sản lượng sẽ tới lúc “chạm trần”, khi đó nếu vẫn làm theo thói quen cũ thì không thể tăng giá trị.
Bởi vậy, đã đến lúc phải nghĩ lớn hơn, cùng thông điệp rõ ràng rằng các bộ, ngành, địa phương sẽ luôn đồng hành với doanh nghiệp để vươn xa tìm kiếm thị trường, khai mở dư địa mới. Nông nghiệp thời kỳ hội nhập không chỉ sản xuất để đủ ăn mà phải để làm giàu, tạo ra những giá trị khác - Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.
Ngành nông nghiệp phải xác định rằng, đã đạt kỷ lục, đã có đột phá nhưng phải phát triển bền vững. Đã gia tăng về số lượng nhưng không thể bỏ qua chất lượng, không quá mải mê với tăng trưởng.
Có như vậy, mới có thể đáp ứng được các yêu cầu mà Thủ tướng Phạm Minh Chính đề ra với ngành tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2024 và triển khai kế hoạch năm 2025 của ngành là tăng tốc, bứt phá, với mục tiêu nông dân phải được ấm no, hạnh phúc hơn. Nông thôn hiện đại hơn, nông nghiệp tiên tiến hơn, cùng cả nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.