Khai mạc triển lãm 'KỂ'
Chiều 8.4.2025, tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám (Hà Nội), Khoa Thiết kế Mỹ thuật và Viện Nghệ thuật, Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội, phối hợp cùng Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã khai mạc triển lãm 'KỂ'.
"KỂ" là một sự kiện nghệ thuật độc đáo kết nối di sản văn hóa với những sáng tạo hiện đại của sinh viên Khoa Thiết kế Mỹ thuật, Trường Đại học Kiến Trúc Hà Nội.

Một góc Triển lãm
Triển lãm "KỂ" mang đến không gian nghệ thuật đa chiều, nơi các tác phẩm của sinh viên ngành Thiết kế Đồ họa, Thiết kế Thời trang và Điêu khắc được trưng bày và tương tác với không gian văn hóa, lịch sử của Di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám.
Không chỉ giới thiệu những sản phẩm mỹ thuật ứng dụng đặc sắc, mà “KỂ” còn kể câu chuyện về sự kết hợp hài hòa giữa truyền thống và đương đại, giữa giáo dục và sáng tạo nghệ thuật.
Hệ thống nhận diện của triển lãm “KỂ” được thiết kế với ý tưởng từ hình tượng cóc xuất hiện nhiều trong văn hóa dân gian Việt Nam như cóc mưu trí, gan dạ trong truyện Cóc kiện trời hay cóc trong tranh Thầy đồ Cóc...
Triển lãm trưng bày 64 tác phẩm của 16 sinh viên ngành Thiết kế Đồ họa, 12 sinh viên ngành Thiết kế Thời trang, 18 sinh viên ngành Điêu khắc. Các tác phẩm được trưng bày không chỉ là sản phẩm sáng tạo của sinh viên mà còn là sự đối thoại với kiến trúc, văn hóa lịch sử của Văn Miếu - Quốc Tử Giám, tạo nên một trải nghiệm nghệ thuật độc đáo.

Một bạn trẻ say mê ngắm một tác phẩm được trưng bày ngoài trời
Mỗi tác phẩm là một lời kể về sự sáng tạo, quá trình đào tạo và góc nhìn nghệ thuật của sinh viên Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội.
Song song với triển lãm, sinh viên còn tổ chức các hoạt động trải nghiệm sáng tạo như Workshop Tranh khắc; Workshop Trải nghiệm sản phẩm của thương hiệu Sunway.
Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam Lương Xuân Đoàn nhận định: Thật khéo chọn cách để KỂ trong không gian mở của Văn Miếu - Quốc Tử Giám theo lộ trình KHỞI - TẠO - TRỤ - BIẾN để các bạn sinh viên trẻ ngành Thiết kế Đồ họa, Thiết kế Thời trang và Điêu khắc mang khát vọng bay xa trong Thế kỷ mới.
Muôn cửa vào, lối ra vẫn đang để ngỏ cho ngôn ngữ, chất liệu và loại hình nghệ thuật đương đại kịp buông theo những người trẻ mới đang thòa sức nghĩ, mỏi mắt tìm và thỏa thuê nhìn chẳng giống ai.
Ông cũng cho rằng, các bạn trẻ đã rất can đảm và tự tin để nghĩ khác và nhìn khác. Không nép bóng Di sản và Truyền thống của Tổ tiên xưa. Cũng không nương vào bóng các thể hệ đi trước để cất giọng của Thế hệ mình. “Đây mới chính là cách thừa hưởng đẹp đẽ nhất chứ không phải là phủ nhận như mọi người từng nghĩ vậy” – họa sĩ Lương Xuân Đoàn khẳng định.