Khai mạc Ngày văn hóa doanh nghiệp Việt Nam ở nước ngoài lần thứ nhất tại Pháp
Chiều 13/9, tại Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Pháp đã diễn ra sự kiện 'Ngày Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam ở nước ngoài lần I - Paris 2024'.
Chương trình do Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp tổ chức với sự tham dự của khoảng 150 đại diện doanh nghiệp người Việt Nam tại Pháp và các nước châu Âu, các doanh nghiệp Pháp, Nghiệp đoàn giới chủ Pháp (Medef) cùng nhiều chuyên gia, học giả kinh tế nước ngoài.
Chương trình “Ngày văn hóa doanh nghiệp Việt Nam ở nước ngoài lần thứ nhất” được tổ chức nhằm mục đích góp phần hiện thực hóa và lan tỏa tinh thần Nghị quyết của Đảng và Chính phủ về xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam được khởi xướng từ năm 2016 theo Quyết định Số 1846/QĐ-TTg ngày 26/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ về Ngày Văn hóa Doanh nghiệp Việt Nam và Quyết định Số 248/QĐ-TTg ngày 28/02/2018 của Thủ tướng Chính phủ Thành lập Ban Tổ chức triển khai Cuộc vận động “Xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam”.
Phát biểu tại lễ khai mạc, Tiến sĩ Nguyễn Phương Hòa, Cục trưởng Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam khẳng định văn hóa là hồn cốt của dân tộc, và văn hóa doanh nghiệp sẽ là "tấm thẻ căn cước" của mỗi doanh nghiệp để định danh và định vị trên thị trường trong nước và quốc tế, là chìa khóa thành công trong kỷ nguyên toàn cầu hóa.
“Ngày Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam lần đầu tiên được tổ chức ở nước ngoài đánh dấu một bước tiến trong tiến trình hội nhập quốc tế với sự trưởng thành của Hiệp hội phát triển doanh nghiệp Việt Nam, văn hóa Việt Nam và cũng là sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, lan tỏa ý chí, sức mạnh nền của văn hóa Việt Nam ở nước ngoài”, Tiến sĩ Nguyễn Phương Hòa nói.
Đại sứ Việt Nam tại Pháp ông Đinh Toàn Thắng cho biết hiện có gần 300 doanh nghiệp Pháp kinh doanh tại Việt Nam và ngược lại ngày càng nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn của Việt Nam hiện diện tại Pháp như VietnamAirlines, FPT, Vinfast… phản ánh sự gắn bó, đan xen ngày càng sâu rộng của doanh nghiệp 2 nước.
“Diễn đàn văn hóa doanh nghiệp Việt Nam lần này là minh chứng cho sự tiếp cận phong phú trong một môi trường kinh doanh của đất nước Việt Nam đang chuyển đổi mạnh mẽ, là những ước vọng cho mối quan hệ sâu đậm hơn nữa giữa cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam với cộng đồng doanh nghiệp không chỉ của Pháp và còn của quốc tế nói chung”, ông Thắng nói.
Sau phiên khai mạc đã diễn ra Diễn đàn “Văn hóa kinh doanh Việt Nam và Châu Âu: góc nhìn đan xen”, với hai phiên chuyên đề “Văn hóa kinh doanh và hội nhập quốc tế của doanh nghiệp” và “Giao thoa văn hóa kinh doanh: Biến thách thức thành cơ hội”.
Trưởng Ban tổ chức triển khai cuộc vận động “Xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam”, ông Hồ Anh Tuấn cho biết, thông qua Diễn đàn, các chuyên gia, doanh nghiệp đến từ nhiều lĩnh vực khác nhau, với những kinh nghiệm phong phú và sâu rộng chia sẻ cách tiếp cận, góc nhìn sâu sắc từ lý luận đến thực tiễn về môi trường văn hóa kinh doanh tại Pháp và châu Âu như quy chuẩn pháp lý, an toàn và trách nhiệm xã hội… làm rõ sự khác biệt và tương đồng giữa văn hóa kinh doanh Việt Nam với Pháp và châu Âu.
“Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam còn rất nhiều vấn đề như tầm nhìn còn ngắn hạn, sự đoàn kết trong cộng đồng, sự linh hoạt như các chuyên gia đánh giá có thể ứng phó nhanh nhưng lại tùy tiền, sát đến giờ thì thay đổi, làm kế hoạch rất bị động”, ông Tuấn nhấn mạnh.
Theo Tiến sĩ Phan Bích Thiện, Phó chủ tịch Hiệp hội người Việt Nam tại Hungary, với doanh nghiệp Việt Nam, đây sẽ là sân chơi mang lại những thông tin quý báu để thích ứng, đổi mới, kết nối đối tác và phát triển trong môi trường kinh doanh đa văn hóa, nhiều thách thức nhưng cũng đầy cơ hội.
“Trong một thế giới đa văn hóa, để lập nghiệp được ở nước ngoài, bên cạnh chúng ta phải hiểu văn hóa nước bạn, những quy định, luật pháp nước bạn nhưng cũng cần đưa văn hóa Việt Nam vào trong doanh nghiệp của mình. Nếu biết tận dụng những nét đặc trưng của văn hóa Việt Nam thì chúng ta sẽ tạo nét riêng cho doanh nghiệp của mình để hội nhập tốt nhưng không bị hòa tan”, TS Thiện nói.
Trong khi đó ông Stéphane Torrez, chủ tịch Viện nghiên cứu công nghệ RAILENIUM của Pháp, chia sẻ: “Để doanh nghiệp thành công, cần phải xây dựng một nét văn hóa riêng cũng như tiếp thu văn hóa của các đối tác và trên cơ sở đó nỗ lực tạo ra kết nối chung. Ngày nay, trên thế giới, các doanh nghiệp coi trọng vấn đề nền tảng đạo đức, tri thức, trí tuệ cho nhân viên, nhất là kỹ thuật kết nối trong doanh nghiệp. Tóm lại, để thành công, cần đảm bảo một số nguyên tắc cốt lõi, đồng thời tôn trọng nét văn hóa riêng của mỗi người”.
Chương trình là sự kiện quan trọng giúp cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam tại Pháp và châu Âu có cơ hội hiểu sâu hơn về văn hóa kinh doanh hai chiều, từ đó mở ra nhiều cơ hội hợp tác trong tương lai.
Trong đó, dưới sự hỗ trợ của Hiệp hội Phát triển văn hóa doanh nghiệp Việt Nam (VNABC) và sự kết nối doanh nghiệp của Thương vụ Việt Nam tại Pháp, Công ty Cổ phần NPD Việt Nam và Công ty ACEM (Pháp) đã ký kết biên bản ghi nhớ để cùng phát triển xuất khẩu mặt hàng gia vị, trà thực dưỡng phù hợp với trào lưu thực phẩm xanh giảm khí thải carbon vừa được Pháp - nước chủ nhà Olympic 2024 khởi xướng. NPD Việt Nam đã có mặt 15 năm trên thị trường thực phẩm Xanh và gia vị Xanh, với mục tiêu phát triển và sản xuất sản phẩm thực phẩm chất lượng cao, được chế biến từ nguyên liệu tự nhiên và hữu cơ.
Các sản phẩm thực dưỡng lần đầu tiên được trưng bày tại Diễn đàn của NPD Việt Nam đáp ứng các tiêu chí mặt hàng xuất khẩu mới. Ngoài phù hợp với thị hiếu thị trường, các dòng sản phẩm có hàm lượng giá trị gia tăng cao, hướng tới xuất khẩu bền vững. Cùng với sự kết nối của Thương vụ Việt Nam tại Pháp đã giúp Công ty có cơ hội mở rộng thị trường tiêu thụ đến Pháp, làm bàn đạp để phát triển ra các quốc gia trong khu vực châu Âu.
Chương trình “Ngày văn hóa doanh nghiệp Việt Nam ở nước ngoài” dự kiến sẽ được tổ chức thường niên và luân phiên các địa bàn khác nhau để góp phần tăng cường sức mạnh mềm văn hóa qua văn hóa doanh nghiệp Việt Nam tại Pháp và Châu Âu.