Theo sử sách, lễ hội Tịch điền bắt nguồn từ điển tích vua Lê Đại Hành đích thân xuống ruộng đi cày dưới chân núi Đọi vào mùa Xuân năm 987 thể hiện tinh thần “dĩ nông vi bản” (lấy nông nghiệp làm gốc). Từ đó các triều đại về sau đều tiếp tục duy trì lễ hội một cách trang trọng, thành kính. Tuy nhiên, theo dòng chảy lịch sử, lễ hội dần mai một.
Đến năm 2009, tỉnh Hà Nam mới khôi phục lại lễ hội này, thu hút đông đảo người dân và du khách thập phương tham dự. Lễ hội Tịch điền được tổ chức hằng năm, đã trở thành nét đẹp trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng bởi đây là một lễ hội giàu tính nhân văn, khuyến nông, thể hiện lòng biết ơn các bậc tiền nhân trong việc khai phá, mở mang ruộng đồng, đề cao tinh thần gần dân, trọng nhà nông, nghề nông.
Nghi thức đánh trống khai hội do những người phụ nữ địa phương thực hiện.
Năm nay, lão nông Nguyễn Ngọc An (SN 1950) nhập linh khí quân vương đeo mặt nạ, khoác long bào tái hiện cảnh vua Lê Đại Hành xuống ruộng đi cày, cầu cho một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.
Theo sau đường cày là những chàng trai, thôn nữ gieo hạt giống gồm đỗ xanh, lạc và thóc.
Đường cày đầu năm với hi vọng may mắn, được mùa.
Nghi thức múa rồng thể hiện sự tôn kính với trời đất và ước vọng một năm mới tốt đẹp, mọi điều như ý.
Ngoài nghi lễ đi cày, tại Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn còn tổ chức thi đấu thể thao và trò chơi dân gian; hội thi vẽ, trang trí trâu; thi làm bánh dầy của các dòng họ làng Đọi Tam; hội thi cày giỏi; hoạt động trưng bày triển lãm các gian hàng giới thiệu các sản phẩm nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tiêu biểu của thị xã và tỉnh.
Những chú trâu được các họa sỹ trang trí với góc nhìn, cách thể hiện khác nhau tạo nên một tác phẩm mang nét độc đáo riêng. Chủ đề mà các họa sỹ thể hiện trên mình trâu năm nay chủ yếu liên quan đến linh vật rắn, mừng Đảng, mừng Xuân, mừng quê hương, đất nước đổi mới.
Trâu tham gia lễ Tịch Điền phải được lựa chọn kỹ càng, trâu phải đẹp, nuôi bởi những gia đình được thôn làng đánh giá cao.
Đông đảo người dân và du khách tới xem lễ hội đầu năm.
Trường Thắng