Khách vay vốn ngân hàng phải có khả năng trả nợ, có phương án kinh doanh khả thi

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng khẳng định, khi tiếp cận nguồn vốn của hệ thống ngân hàng thì các tổ chức và cá nhân phải đáp ứng điều kiện, tiêu chuẩn được vay và quan trọng nhất là khách hàng đó phải có khả năng trả nợ, có phương án kinh doanh khả thi…

 Quang cảnh phiên làm việc của Quốc hội ngày 11/11 (ảnh: VPQH cung cấp).

Quang cảnh phiên làm việc của Quốc hội ngày 11/11 (ảnh: VPQH cung cấp).

Tiếp tục chương trình của Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, ngày 11/11, các đại biểu chất vấn Thống đốc NHNN nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực ngân hàng. Nhiều đại biểu quan tâm đến chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp tiếp cận vốn vay ngân hàng…

Có thể tiếp cận các nguồn vốn phù hợp khác

Phát biểu tại phiên chất vấn, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga – Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương cho biết, tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong nước hiện nay vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn. Năm 2024, số doanh nghiệp mới thành lập tăng 9,7% nhưng số doanh nghiệp rút khỏi thị trường tăng tới 21% dù Chính phủ đã thực hiện rất nhiều giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp, trong đó có các giải pháp về tín dụng.

 Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga – Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương phát biểu nêu câu hỏi chất vấn (ảnh: VPQH cung cấp).

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga – Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương phát biểu nêu câu hỏi chất vấn (ảnh: VPQH cung cấp).

Trên cơ sở thực tế này, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga đề nghị Thống đốc NHNN cho biết, trong thời gian tới NHNN sẽ tiếp tục tham mưu cho Chính phủ những giải pháp thiết thực gì về tín dụng để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là trong bối cảnh mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2025 đề ra là khá cao so với giai đoạn 2021-2024?

Trả lời chất vấn, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho rằng, đối với Việt Nam có đặc thù là nhu cầu đầu tư cho sản xuất kinh doanh phụ thuộc rất lớn vào nhu cầu vốn tín dụng của hệ thống ngân hàng. Chỉ số dư nợ tín dụng/GDP hiện đã hơn 120% GDP. Do đó, trong tổ chức điều hành về tín dụng, NHNN cũng hết sức cân nhắc.

 Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng trả lời chất vấn (ảnh: VPQH cung cấp).

Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng trả lời chất vấn (ảnh: VPQH cung cấp).

Đối với vấn đề giải quyết về vốn, liên quan đến giải pháp về tín dụng, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, NHNN đã báo cáo quá trình thực hiện. Vốn phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh có rất nhiều nguồn vốn: nguồn vốn tự có; nguồn vốn vay ngân hàng; nguồn vốn thu hút đầu tư trực tiếp, gián tiếp của nước ngoài. Hiện cũng đã có khuôn khổ pháp lý đối với những doanh nghiệp đi vay vốn nước ngoài, có khả năng tự vay - tự trả.

Do đó, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho rằng, bản thân doanh nghiệp và người dân cần cân nhắc để có thể tiếp cận các nguồn vốn phù hợp. Còn khi tiếp cận nguồn vốn của hệ thống ngân hàng thì các tổ chức và cá nhân phải đáp ứng điều kiện, tiêu chuẩn được vay và quan trọng nhất là khách hàng đó phải có khả năng trả nợ, phải có phương án kinh doanh khả thi…

Quỹ hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa có vốn điều lệ rất nhỏ

Cho biết thực tế doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa, khả năng tiếp cận vốn trong thời gian qua gặp nhiều khó khăn, đại biểu Mai Văn Hải (Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa) đề nghị Thống đốc NHNN cho biết những giải pháp căn cơ để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, hợp tác xã tiếp cận vốn tín dụng tốt hơn?

 Đại biểu Mai Văn Hải (Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa) phát biểu nêu câu hỏi chất vấn (ảnh: VPQH cung cấp).

Đại biểu Mai Văn Hải (Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa) phát biểu nêu câu hỏi chất vấn (ảnh: VPQH cung cấp).

Trả lời chất vấn, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, NHNN nhận thấy đối với việc điều hành chính sách tín dụng cũng gặp những trở ngại.

Tổng số doanh nghiệp của cả nước là khoảng 930.000 nhưng có khoảng 97-98% là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Những doanh nghiệp này hạn chế về năng lực tài chính, khả năng cạnh tranh trên thị trường, thương hiệu cũng như uy tín...

Bên cạnh đó, trong khối doanh nghiệp này có nhiều doanh nghiệp tiếp cận được tín dụng nhưng cũng có những doanh nghiệp không có khả năng trả nợ, không có dự án sản xuất kinh doanh khả thi nên không tiếp cận được tín dụng.

Để triển khai Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Chính phủ đã có Quỹ hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa nhưng vốn điều lệ của Quỹ chỉ 2.000 tỉ đồng và là một con số rất nhỏ. Trong khi đó, tổng dư nợ của toàn hệ thống ngân hàng lên tới 15 triệu tỉ đồng, riêng khối doanh nghiệp là khoảng 7,8 triệu tỉ đồng.

 Các đại biểu tham dự phiên chất vấn và trả lời chất vấn (ảnh: VPQH cung cấp).

Các đại biểu tham dự phiên chất vấn và trả lời chất vấn (ảnh: VPQH cung cấp).

Trong thực tiễn, Quỹ này có thể cho vay trực tiếp hoặc gián tiếp nhưng về cơ cấu, tổ chức, cán bộ chưa có chuyên môn nghiệp vụ để cho vay trực tiếp nên đã ủy thác qua những tổ chức tín dụng để cho vay.

Ngoài ra còn có Quỹ bảo lãnh cho doanh nghiệp vay vốn và đã có ở các địa phương. Theo quy định, vốn điều lệ của Quỹ là khoảng 100 tỉ đồng nhưng có nhiều địa phương chưa bố trí được và có 5 Quỹ đã giải thể.

NHNN đã có kiến nghị, đối với các doanh nghiệp Việt Nam thì cần có đánh giá, tổng kết và xác định đâu là trọng tâm, trọng điểm, đâu là doanh nghiệp đầu đàn để các doanh nghiệp nhỏ và vừa là vệ tinh. Đồng thời cũng cần đánh giá nguyên nhân các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa…

Minh Khôi

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/kiem-sat-24h/van-de-su-kien/khach-vay-von-ngan-hang-phai-co-kha-nang-tra-no-co-phuong-an-kinh-doanh-kha-thi-167920.html
Zalo