VN-Index giữa cú sốc thuế quan: Thời điểm kiểm chứng bản lĩnh đầu tư
Nhà đầu tư cần giữ vững tâm lý bởi thị trường chứng khoán không vận hành dựa trên tin tức mà phụ thuộc vào giá trị nội tại của các doanh nghiệp.
Tâm lý lo ngại tràn ngập thị trường chứng khoán trong phiên giao dịch ngày 3/4 khiến làn sóng bán tháo lan rộng, tác động tiêu cực đến hầu hết các ngành, vô tình khiến thị trường rơi vào tình trạng bị phản ứng thái quá.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công bố áp mức thuế quan cao hơn với hàng chục quốc gia có thặng dư thương mại với Mỹ vào chiều 2/4 (rạng sáng ngày 3/4 theo giờ Việt Nam) trong đó Việt Nam nằm trong nhóm những quốc gia bị áp thuế đối ứng cao nhất - lên tới 46%. Thông tin này khiến thị trường chứng khoán chịu áp lực bán tháo quá lớn ngay từ đầu phiên 3/4.
Chỉ có 13 mã chứng khoán giữ được sắc xanh trong khi 517 mã trên HoSE giảm giá với 282 mã giảm sàn. Sắc xanh lơ và đỏ bao trùm thị trường, các bộ chỉ số ngành đều ghi nhận mức giảm gần 7%. VN-Index mất gần 88 điểm, tương đương giảm 6,68% xuống còn 1.229,84 điểm, xóa sạch toàn bộ thành quả trong 2 tháng qua. Đây cũng là phiên giảm mạnh nhất lịch sử chứng khoán Việt Nam.

Lực bán lớn khiến chỉ số VN-Index giảm mạnh nhất lịch sử
Tâm lý lo sợ “bán chậm” khiến nhà đầu tư đổ dồn bán từ đầu phiên bất chấp ngành nghề của doanh nghiệp đó có bị ảnh hưởng bởi thuế quan hay không cho thấy tâm lý thái quá đang diễn ra trên thị trường. Sáng ngày 03/04, FPT đã nhanh chóng đưa ra tuyên bố “FPT không bị ảnh hưởng bởi chính sách thuế mới của Mỹ”, thế nhưng phản ứng của doanh nghiệp không đủ sức ảnh hưởng, cổ phiếu FPT vẫn bị bán sàn và giảm hết biên độ.
Cổ phiếu nhóm doanh nghiệp hoạt động nội địa từ bất động sản, ngân hàng, tiêu dùng… đều bị xả, cho thấy tâm lý phản ứng theo đám đông đang chi phối thị trường. Nhà đầu tư bán ra không còn dựa trên phân tích cơ bản mà chủ yếu lo sợ thua lỗ ngắn hạn.
Trên thực tế, ngay sau thông báo áp thuế mới của Tổng thống Trump, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent đã nhấn mạnh với Bloomberg rằng các đối tác thương mại của Mỹ hãy kiềm chế và chờ đàm phán. “Đây là mức thuế cao nhất nếu không có sự trả đũa”, ông Bessent nói.
Phía Nhà Trắng cho biết mức thuế 10% sẽ có hiệu lực từ ngày 05/04 trong khi những mức thuế cao hơn sẽ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 09/04. Như vậy với việc Mỹ để ngỏ khả năng đàm phán, Việt Nam có thời gian để thay đổi.
“Trong tình hình hiện nay thực sự vẫn còn những điểm sáng thật sự để nhà đầu tư dựa vào”, ông Trương Hiền Phương - Giám đốc cấp cao Công ty chứng khoán KIS Việt Nam khẳng định.
Bên cạnh việc ông Trump từng bày tỏ thiện cảm đối với Việt Nam thông qua các chuyến thăm và đầu tư vào Việt Nam, ông Trương Hiền Phương cũng tin tưởng vào khả năng thương lượng, đàm phán từ phía Việt Nam có thể điều chỉnh được mức đánh thuế từ Mỹ.
Còn thị trường chứng khoán hiện tại đã vào hồi quá bán do sự lo ngại và hoảng loạn của nhà đầu tư chứ không đến từ việc doanh nghiệp gặp vấn đề. Nếu doanh nghiệp có kết quả kinh doanh sụt giảm nghiêm trọng, thua lỗ hay phá sản… thì nhà đầu tư mới có lý do để bán tháo, còn việc bán hiện tại chỉ đang dựa vào tâm lý nhất thời, do đó nhà đầu tư sẽ sớm bình tâm lại, giảm bớt sự căng thẳng quá mức và hạn chế được đà bán, ông Phương cho biết.
Xét về phân tích kỹ thuật, thị trường ngày 03/04 đã giảm kịch sàn thì thị trường sẽ có những phiên hồi lại. Lực cung bán tháo giảm dần khi lực cầu bắt đáy quay lại sẽ tạo nên cơ hội cho nhà đầu tư đang nắm giữ tiền mặt và chốt lời trước đó. Đặc biệt khi vùng giá rơi vào vùng hấp dẫn đặc biệt, chỉ số P/E trở nên cực kỳ hấp dẫn thì sẽ thu hút các nhà đầu tư có khuynh hướng đầu tư cho trung dài hạn và các nhà đầu tư có kinh nghiệm.
Giám đốc cấp cao KIS Việt Nam nhận định, các thông tin ban đầu mới chỉ có con số 46%, nhà đầu tư nên bình tĩnh chờ đợi thêm các thông tin cụ thể, nhất là khi Chính phủ, các Bộ ban ngành sẽ có giải pháp thương thảo để phía Mỹ nới lỏng mức thuế quan.
“Nhà đầu tư khi đã lựa chọn kỹ cổ phiếu đầu tư thì đều chọn các cổ phiếu tốt, có kế hoạch kinh doanh và chiến lược phát triển rõ ràng. Sắp tới, mùa đại hội cổ đông doanh nghiệp cũng sẽ bàn cụ thể mức cổ tức chi trả thế nào, các dự án sắp phát triển,… và những thông tin tích cực khác đang chờ đón. Vì vậy chúng ta không có lý do gì phải bán tống bán tháo cổ phiếu tốt vì một thông tin sớm chưa rõ ràng, điều này là vội vàng và không cần thiết”, ông Trương Hiền Phương khuyến nghị.
Vị chuyên gia này cũng nhắc lại sự kiện lớn sắp diễn ra là việc Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) sẽ đưa hệ thống KRX vào vận hành chính thức. Đây gần như là chốt chặn cuối để đưa thị trường chứng khoán Việt Nam được nâng hạng vào kỳ review tháng 9 tới, từ đó thu hút rất nhiều quỹ đầu tư trên thế giới tìm đến và giải ngân vào Việt Nam. “Khi đó, dòng tiền mới tham gia này sẽ tìm đến những cổ phiếu tốt trên thị trường. Nếu nhà đầu tư đua bán theo đám đông thì sẽ vừa tự đánh rơi những cổ phiếu tốt vừa gánh chịu khoản lỗ khi chấp nhận bán lỗ. Còn tôi vẫn tin rằng thực tế không nghiêm trọng đến như vậy, các tín hiệu mới sẽ đưa thị trường đảo chiều trong thời gian tới”.
Phiên giảm điểm kỷ lục của VN-Index là một thử thách lớn đối với tâm lý nhà đầu tư, nhưng cũng là lời nhắc nhở rằng thị trường chứng khoán không chỉ vận hành dựa trên tin tức mà còn phụ thuộc vào giá trị nội tại của các doanh nghiệp. Việt Nam vẫn là một nền kinh tế đầy tiềm năng, và những biến động ngắn hạn không thể xóa bỏ triển vọng dài hạn của thị trường.
Các thông tin từ Chính phủ và các Bộ ban ngành cũng cho thấy Việt Nam đang nỗ lực để cải thiện tình hình.
Ngay sau khi thuế quan được công bố, Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì cuộc họp của Thường trực Chính phủ với các bộ, ngành đánh giá tình hình, thảo luận về các giải pháp trước mắt và lâu dài. Thủ tướng đã chỉ đạo một số biện pháp tổng thể, hài hòa, hợp lý, hiệu quả, vừa trước mắt, vừa lâu dài với phía Mỹ, để thúc đẩy quan hệ thương mại cân bằng, bền vững, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư hai bên, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của các chủ thể liên quan...
Thủ tướng cũng đã yêu cầu thành lập ngay tổ phản ứng nhanh về vấn đề này do Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn đứng đầu; giao Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc chủ trì, chỉ đạo các bộ, ngành tổ chức lắng nghe ý kiến từ các doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp xuất khẩu lớn.
Cuộc họp của Bộ Tài chính cùng ngày cũng cho biết, theo báo cáo gần đây nhất của đại diện thương mại Mỹ, bình quân mức thuế của Việt Nam đối với hàng hóa xuất khẩu của Mỹ là 15%, thấp hơn nhiều mức 90% phía Mỹ nêu. Bộ Tài chính đang tiếp tục nghiên cứu, làm rõ, đồng thời kiên trì trao đổi, tìm ra giải pháp để có thể cân bằng thương mại, mang lại lợi ích cho cả hai bên.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi, cuối tuần này, đại diện lãnh đạo Chính phủ Việt Nam sẽ sang Mỹ để thảo luận về vấn đề này. Hy vọng, mức công bố của chính quyền Tổng thống Donald Trump là mức tối đa, con số cụ thể sẽ được đưa ra sau khi hai bên trao đổi các giải pháp.