Khắc phục khoảng cách địa lý, nhiều trường học ở Quan Sơn tổ chức cho học sinh bán trú

Không còn được hỗ trợ nuôi ăn bán trú, trường học phải chuyển đổi loại hình từ phổ thông dân tộc bán trú sang trường THCS, học sinh các bản xa trung tâm xã ở huyện Quan Sơn phải ở trọ, ở nhờ, hoặc thuê xe đi tìm con chữ. Từ thực tế khó khăn ấy, nhiều trường THCS đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền vận động phụ huynh đưa các cháu trở lại bán trú theo mô hình 'tự nguyện'.

Trường THCS Sơn Điện (Quan Sơn) chuẩn bị đồ dùng bán trú phục vụ nhu cầu của học sinh.

Trường THCS Sơn Điện (Quan Sơn) chuẩn bị đồ dùng bán trú phục vụ nhu cầu của học sinh.

Sau Quyết định số 861/QĐ-TTg, ngày 4/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt danh sách các xã khu vực III, II, I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 (gọi tắt là Quyết định 861 - PV) và Quyết định số 612/QĐ-UBDT ngày 16/9/2021 của Ủy ban Dân tộc về phê duyệt danh sách các thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 (gọi tắt là Quyết định 612 - PV), xã Sơn Điện (Quan Sơn) không còn thuộc diện khu vực III, chỉ còn 2 bản đặc biệt khó khăn, gồm bản Xa Mang và Xuân Sơn. Chỉ với số lượng học sinh trên dưới 30 em thuộc diện đặc biệt khó khăn, Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Sơn Điện không thể đảm bảo được tỷ lệ bán trú theo quy định. Ví như, năm học 2023 - 2024, trường chỉ có 34 học sinh ở bản đặc biệt khó khăn được hỗ trợ bán trú, trong tổng số 328 học sinh toàn trường, chiếm 10,3%. Và trong 3 năm liền không đáp ứng tỷ lệ học sinh được hỗ trợ nuôi ăn bán trú, ngày 21/7/2024, ngôi trường này đã phải chuyển đổi loại hình thành Trường THCS Sơn Điện. Từ đây, chế độ nuôi ăn bán trú của toàn bộ học sinh trên địa bàn xã hết hiệu lực.

Hết chính sách hỗ trợ, nhưng học sinh vẫn chưa vơi bớt khó khăn trong học tập. Và không chỉ riêng ở bản Xa Mang, Xuân Sơn, mà các bản Na Hồ, Buôn, Ban cũng cách trường trên 10 cây số đường núi lắm đèo nhiều dốc, học sinh không thể tự đến lớp đều đặn. Trong khi điều kiện của người dân còn nhiều khó khăn, nhiều cháu đã phải ở trọ, ở nhờ nhà người quen gần trung tâm xã đến lớp học chữ. Với những cháu không có điều kiện thì phải đi xe ghép đến trường với chi phí mỗi tháng khoảng 600 nghìn đồng. Nhưng những hôm trời mưa to nước xiết, xe không thể lăn bánh, các cháu đành phải ở nhà.

Từ thực tế ấy, được quan tâm sửa chữa cơ sở vật chất hạ tầng, ban giám hiệu Trường THCS Sơn Điện đã chủ động tham mưu cho đảng ủy, UBND xã và phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội thông báo sự thay đổi chính sách đến các tầng lớp Nhân dân. Đồng thời tổ chức tuyên truyền, vận động phụ huynh phối hợp cùng với nhà trường tổ chức nuôi ăn bán trú cho các cháu.

Hiệu trưởng Trường THCS Sơn Điện Phạm Ngọc Thành cho biết: Trong năm học này, nhà trường có hơn 100 em học sinh ở các bản xa trung tâm, gồm: Xa Mang, Xuân Sơn, Na Hồ, Buôn, Ban có nhu cầu bán trú tại trường. Thực tế, trong năm học trước, nhiều học sinh ở các bản không thuộc diện đặc biệt khó khăn đã viết đơn xin nhà trường được bán trú. Nhà trường hy vọng việc tổ chức mô hình bán trú dân nuôi sẽ góp phần khắc phục khó khăn về khoảng cách địa lý, tạo điều kiện thuận lợi cho các cháu được học tập tốt hơn.

Chủ trương này nhanh chóng được đông đảo bà con ủng hộ, nhất là ở bản xa trung tâm. Bí thư, trưởng bản Xa Mang Phạm Bá Tiệp cho biết: Việc tổ chức cho các cháu được bán trú tại Trường THCS Sơn Điện rất đúng đắn, bà con rất ủng hộ. Trước thềm năm học mới, chi bộ, ban quản lý bản đã tổ chức tuyên truyền, vận động phụ huynh cho các cháu được bán trú, khắc phục tình trạng các cháu phải thuê xe ghép, hoặc ở nhờ, ở trọ học chữ.

Hiệu trưởng Trường THCS Sơn Điện Phạm Ngọc Thành cho biết thêm: Nhà trường dự kiến sẽ tổ chức họp phụ huynh để bàn bạc, thống nhất khẩu phần ăn, cũng như vật chất đóng góp hàng tháng cho các cháu vào giữa tháng 9 này. Theo đó, số tiền ăn hàng tháng của các cháu sẽ thấp hơn, hoặc bằng với mức hỗ trợ của Nhà nước đối với các cháu học sinh vùng đặc biệt khó khăn ở các trường phổ thông bán trú.

Tương tự, sau Quyết định 861 và Quyết định 612, trên địa bàn thị trấn Sơn Lư chỉ còn khu phố Hao và khu phố Bìn thuộc diện đặc biệt khó khăn (vốn là bản Bìn và bản Hao thuộc xã Sơn Lư trước khi sáp nhập với thị trấn Quan Sơn và đổi tên thành thị trấn Sơn Lư). Điều này khiến số lượng học sinh được hưởng chế độ nuôi ăn bán trú của Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Sơn Lư giảm đi đáng kể. Và sau 3 năm không đảm bảo tỷ lệ bán trú, tháng 5/2024, ngôi trường này đã phải chuyển đổi loại hình, thành Trường THCS Sơn Lư.

Không còn loại hình trường phổ thông dân tộc bán trú đồng nghĩa từ năm học này, sẽ chẳng còn học sinh nào ở 6 khu phố thuộc diện tuyển sinh của Trường THCS Sơn Lư được hỗ trợ chế độ bán trú, kể cả học sinh ở khu vực đặc biệt khó khăn. Trong số đó, có nhiều em nhà ở cách trường từ 15 - 18 cây số như khu phố Sỏi, gần hơn là khu phố Hao cách trường hơn 8 cây số nhưng phải qua suối,... đứng trước nguy cơ bỏ học giữa chừng. Trong khi khu bán trú của nhà trường còn tương đối kiên cố và đồ dùng bán trú còn có thể sử dụng.

Trước đó, sau Quyết định 861 và Quyết định 612 có hiệu lực, từ năm học 2022 - 2023, ban giám hiệu nhà trường đã phối hợp với cấp ủy chi bộ bản đến từng hộ gia đình vận động phụ huynh tự nguyện đóng góp kinh phí cho con em tiếp tục được ở bán trú học tập. Nhà trường cũng tổ chức vận động các hộ gia đình kinh tế khá trên địa bàn ủng hộ thêm gạo ăn cho các cháu hàng tháng. Vậy nên, trong năm học 2022 - 2023, đã có 18 học sinh ở xa vừa thoát khỏi vùng đặc biệt khó khăn được đến trường bán trú.

Bà Phạm Thị Thủy, Hiệu trưởng Trường THCS Sơn Lư, cho biết, nhằm tạo điều kiện cho học sinh được học tập, năm học 2024 - 2025 nhà trường tiếp tục tuyên truyền, vận động phụ huynh phối hợp tổ chức nuôi ăn bán trú cho các cháu. Dự kiến đến giữa tháng 9/2024, nhà trường sẽ họp phụ huynh bàn bạc, thống nhất phương án, cũng như mức kinh phí đóng góp để có thể duy trì được mô hình bán trú và phù hợp với điều kiện thực tiễn địa phương. Bên cạnh đó, nhà trường tiếp tục vận động một số doanh nghiệp, nhà hảo tâm ủng hộ thêm vật chất để nhà trường hỗ trợ những học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn cách xa trường được bán trú.

Rõ ràng, trong bối cảnh tác động của chính sách, việc tổ chức vận động phụ huynh cho con em mình được bán trú là sự nỗ lực, cố gắng của nhiều trường học ở huyện Quan Sơn. Và ở bán trú, học sinh có điều kiện hơn để học tập, cũng như được giáo dục toàn diện hơn khi thường xuyên tham gia vào các hoạt động ở trường. Tuy nhiên, làm cách nào để ngày càng có thêm nhiều phụ huynh đồng thuận, ủng hộ và tham gia lại cần được các nhà trường bàn bạc kỹ lưỡng, tất cả vì học sinh thân yêu.

Bài và ảnh: Đồng Thành

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/khac-phuc-khoang-cach-dia-ly-nhieu-truong-hoc-nbsp-o-quan-son-to-chuc-cho-hoc-sinh-ban-tru-32870.htm
Zalo