Không thể 'cấm' một nhu cầu có thật
Thời điểm này, dự thảo thông tư về dạy thêm, học thêm của Bộ GD&ĐT đã hết thời hạn góp ý, nhưng vấn đề này vẫn thu hút sự quan tâm của dư luận, bởi gia đình nào cũng có con, em đi học. Bất luận Bộ GD&ĐT sửa thông tư hay không, sửa nhiều hay ít thì việc dạy thêm, học thêm sẽ còn tác động trực tiếp đến mỗi gia đình.
Những năm qua, Bộ GD&ĐT đã thực hiện chương trình giảm tải và cải cách giáo dục nhằm giảm bớt gánh nặng dạy và học ở bậc phổ thông. Tuy nhiên, phụ huynh không hiểu vì sao mới ở bậc tiểu học mà con em mình đã phải học nhiều, làm nhiều bài tập đến thế. Và việc học thêm cứ tăng lên theo cấp học! Dạy thêm, học thêm có lẽ là câu chuyện được bàn nhiều nhất trên báo chí, mạng xã hội và cả ở nghị trường Quốc hội, nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết rốt ráo. Nếu dự thảo thông tư về dạy thêm, học thêm của Bộ GD&ĐT được thông qua, giáo viên có thể đàng hoàng dạy thêm mà không phải thực hiện những thủ tục nhiêu khê như xin phép hiệu trưởng để được dạy học sinh của mình như quy định hiện hành mà chỉ cần lập danh sách học sinh, báo cáo hiệu trưởng và cam kết không ép buộc các em học thêm dưới mọi hình thức. Tuy nhiên, nhiều người trăn trở rằng, một khi không cấm dạy thêm các môn văn hóa ở tiểu học, không cấm giáo viên dạy thêm cho học sinh học chính khóa thì khác nào “thả hổ về rừng”!
Với tư cách một người từng đi học và có con, cháu đang theo các bậc học, tôi cho rằng, học thêm là nhu cầu thực tế của học sinh - cho dù để theo kịp bè bạn, không bị tụt lại phía sau, hay để vượt lên trong các cuộc thi, hay cạnh tranh vào trường chuyên, trường công, trường đại học uy tín… Về phía giáo viên, như mọi nghề khác, họ được quyền cải thiện thu nhập bằng sức lao động của mình dựa vào việc cung cấp dịch vụ xã hội cần. Như vậy, cấm dạy - học thêm là chối bỏ một nhu cầu có thật của xã hội. Một khi nhu cầu có thật thì càng cấm sẽ càng nảy sinh nhiều hình thức dạy - học “chui”. Hệ lụy của nó là hình ảnh, vị thế người thầy trong mắt phụ huynh, học sinh sẽ khác đi, bởi họ đang phải làm cái việc “không phải phép”!
Nhưng không “cấm” dạy - học thêm không có nghĩa thả nổi những vấn đề tiêu cực nảy sinh do tình trạng biến tướng của hoạt động này. Dù thông tư mới đề cao vai trò của tổ chuyên môn và cấm giáo viên không sử dụng những ví dụ, câu hỏi, bài tập đã dạy thêm để kiểm tra, đánh giá học sinh…, nhưng những biện pháp giám sát này có vẻ mơ hồ và chưa đủ mạnh để đảm bảo rằng, các lớp học thêm được mở ra là xuất phát từ cung - cầu thực sự, thay vì được tạo ra từ người giữ vị thế quyết định điểm số của học sinh!
Giải quyết vấn đề này, ngành giáo dục cần nhiều giải pháp đồng bộ hơn. Trước hết là thực hiện hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và đổi mới cách kiểm tra, đánh giá học sinh. Nếu đề thi bám sát kiến thức theo chương trình; nếu các thầy, cô tham gia dạy thêm không được tham gia ra đề hoặc chọn đề thi; nếu cách đánh giá, chấm điểm học sinh thực sự minh bạch, khoa học và công khai thì tình trạng dùng đề thi, dùng điểm số để gây khó dễ học sinh sẽ không còn đất sống. Bên cạnh đó, cần có cơ chế an toàn để phụ huynh và học sinh phản ánh các dấu hiệu bất thường trong dạy - học thêm; ngành giáo dục kiên quyết xử lý nghiêm những giáo viên ép buộc học sinh học thêm. Như vậy, thay vì “cấm” một nhu cầu hiện hữu, cả người dạy và học đều có thể đàng hoàng tham gia vào một dịch vụ có thật, như bao dịch vụ khác.