Khắc phục khó khăn giải phóng mặt bằng dự án đường liên kết vùng

Dự án đường liên kết vùng Hòa Bình - Hà Nội và cao tốc Sơn La (Hòa Bình - Mộc Châu) có tổng chiều dài 49,02 km, được xác định là dự án trọng điểm của tỉnh để tạo đòn bẩy thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho các địa phương, nhất là vùng khó khăn. Do vậy việc tập trung tháo gỡ vướng mắc trong giải phóng mặt bằng (GPMB), đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án là vấn đề được cấp ủy, chính quyền các cấp đặc biệt quan tâm.

Dự án đường liên kết vùng Hòa Bình - Hà Nội và cao tốc Sơn La (Hòa Bình - Mộc Châu) có tổng chiều dài 49,02 km, được xác định là dự án trọng điểm của tỉnh để tạo đòn bẩy thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho các địa phương, nhất là vùng khó khăn. Do vậy việc tập trung tháo gỡ vướng mắc trong giải phóng mặt bằng (GPMB), đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án là vấn đề được cấp ủy, chính quyền các cấp đặc biệt quan tâm.

Đường liên kết vùng đoạn qua xã Cao Sơn (Lương Sơn) được nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công.

Đường liên kết vùng đoạn qua xã Cao Sơn (Lương Sơn) được nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công.

Dự án gồm 2 đoạn, đoạn 1 chiều dài tuyến 31,47 km, điểm đầu từ Km0+00, giao với đường nội thị, thị trấn Bo (Kim Bôi), điểm cuối tuyến lý trình Km31+047 kết nối với đường cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình tại nút giao liên thông. Đoạn 2 có chiều dài 17,55 km (bao gồm cả cầu Hòa Bình 5 được đầu tư trong dự án khác); điểm đầu là Km0+00 giao đường Hòa Lạc - TP Hòa Bình tại Km29+00 phường Kỳ Sơn; điểm cuối Km17+551,84 tại phạm vi nút giao IC2 - quy hoạch cao tốc Hà Nội - Hòa Bình - Sơn La - Điện Biên (đoạn Hòa Bình - Mộc Châu). Dự kiến tổng mức đầu tư dự án là 4.120 tỷ đồng...

Đường liên kết vùng đoạn qua huyện Kim Bôi dài 16,3km, đi qua 6 xã, thị trấn với 806 hộ gia đình, cá nhân thuộc 17 xóm bị ảnh hưởng. Đoạn đi qua huyện Lương Sơn dài 7,9km, có 286 hộ tại 5 xóm bị ảnh hưởng.

Theo đại diện Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh, để công tác GPMB diễn ra thuận lợi, các địa phương có dự án đi qua đã xây dựng chi tiết khung chính sách về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất phù hợp với điều kiện thực tế. Khi lập kế hoạch và thực hiện GPMB đảm bảo trình tự, thủ tục quy định và đúng thực tế của dự án. Mọi thông tin đều minh bạch, nhất là chế độ đền bù, đơn giá đất, kiến trúc trên đất và tất cả các khâu thực hiện kiểm đếm, đo đạc… Song song với đó, công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về dự án được các địa phương thực hiện đồng bộ, hiệu quả. Do vậy, đại đa số người dân đều đồng tình, ủng hộ và tạo điều kiện cho nhà thầu triển khai thi công. Minh chứng là các hộ dân trên địa bàn huyện Kim Bôi đã tạm ứng trước mặt bằng cho đơn vị thi công, đơn cử như tại 9 vị trí xây dựng cầu trên tuyến.

Tuy nhiên, dự án có lúc ngưng trệ do vướng mặt bằng. Nguyên nhân là do việc xác định nguồn gốc sử dụng đất và xác định loại đất, quy chủ sử dụng đất gặp nhiều khó khăn, bởi đất hiện trạng theo thời gian sử dụng đã thay đổi so với giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ). Một số hộ chưa cấp, đổi GCNQSDĐ mới. Diện tích giữa GCNQSDĐ và diện tích trích đo thực tế có sự sai lệch. Một số hộ đi làm ăn xa không quy chủ được thửa đất dẫn đến việc xác định nguồn gốc, loại đất, đối tượng sử dụng đất gặp khó... Cùng với đó Luật Đất đai mới có hiệu lực, do đó các quyết định quy định của bộ, ngành Trung ương về đơn giá bồi thường tài sản khi Nhà nước thu hồi đất đồng thời cũng hết hiệu lực theo quy định, dẫn đến phải ban hành các quyết định thay thế.

Trước tình hình đó, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã đồng hành cùng các địa phương, yêu cầu các sở, ngành, đơn vị phối hợp chặt chẽ khẩn trương tháo gỡ những vướng mắc liên quan đến chuyển đổi mục đích sử dụng đất; xây dựng đơn giá bồi thường thiệt hại về nhà, nhà ở, công trình xây dựng trên đất; cây trồng, vật nuôi khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh để làm cơ sở thực hiện bồi thường đảm bảo thi công dự án theo đúng quy định pháp luật và đạt mục tiêu tiến độ đề ra.

Theo báo cáo của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Hòa Bình, dự án đường liên kết vùng Hòa Bình - Hà Nội và cao tốc Sơn La (Hòa Bình - Mộc Châu) giai đoạn 1 hiện được nhà thầu triển khai trên toàn tuyến với 6 mũi thi công (4 mũi tại huyện Kim Bôi và 2 mũi tại huyện Lương Sơn). Cụ thể, đơn vị tổ chức thi công tại 18/20 vị trí cầu, 3 vị trí hầm chui dân sinh, cấu kiện đúc sẵn, cống bản lớn và hạng mục nền đường… Sau hơn 1 năm triển khai dự án, đến nay tiến độ đạt được 20% trên toàn tuyến.

Việc đẩy nhanh tiến độ dự án đường liên kết vùng cũng như các dự án giao thông trọng điểm khác là điều kiện tiên quyết giúp Hòa Bình tạo sự đột phá phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống người dân.

Minh Vũ

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/12/196837/khac-phuc-kho-khan-giai-phong-mat-bang-du-an-duong-lien-ket-vung.htm
Zalo