Huy động các nguồn lực đầu tư nâng chất đô thị

Để hoàn thành mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030, Bình Dương đang huy động các nguồn lực để chỉnh trang, đầu tư xây dựng, nâng cao chất lượng các đô thị, bảo đảm hoàn thành các tiêu chuẩn đô thị của thành phố trực thuộc Trung ương.

Bình Dương đang tập trung huy động các nguồn lực đầu tư nâng chất đô thị. Trong ảnh: Đô thị Thành phố mới Bình Dương

Nỗ lực sớm hoàn thành tiêu chí đô thị loại I

Đến nay, Bình Dương có 1 đô thị loại I, 1 đô thị loại II, 3 đô thị loại III và 5 đô thị loại V. Hiện 3 đô thị loại III (gồm Thuận An, Tân Uyên, Bến Cát) đang tổ chức lập đề án nâng loại lên đô thị loại II. Tỷ lệ đô thị hóa của tỉnh đạt gần 85%. Bên cạnh đó, mới đây Hội đồng thẩm định liên ngành của Bộ Xây dựng đã thống nhất thông qua báo cáo rà soát tiêu chí đô thị loại III đối với TP.Thuận An (phạm vi nội thị mở rộng) với số điểm trung bình là 84,96/100 điểm, không có tiêu chí nào trong số 5 tiêu chí dưới mức điểm tối thiểu; thống nhất thông qua báo cáo đánh giá trình độ phát triển cơ sở hạ tầng đô thị khu vực xã An Sơn dự kiến thành lập phường thuộc TP.Thuận An.

Hiện Sở Xây dựng đang tổ chức lập chương trình phát triển đô thị toàn tỉnh Bình Dương. Sở Xây dựng đã tham mưu UBND tỉnh chấp thuận chủ trương tổ chức lập Chương trình phát triển đô thị đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2035 đối với 3 TP.Thuận An, Bến Cát, Tân Uyên và sẽ tiếp tục đề xuất UBND tỉnh chấp thuận chủ trương cho các đô thị tổ chức lập và phê duyệt chương trình phát triển của các đô thị làm cơ sở triển khai các bước tiếp theo.

Theo Sở Xây dựng, Quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định: Đến năm 2030 Bình Dương sẽ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, dự kiến là đô thị loại I. Cùng với đó, định hướng đến năm 2030 các đô thị đạt tiêu chí đô thị loại I là Thủ Dầu Một, Thuận An và Dĩ An; đạt đô thị loại II là Bến Cát, Tân Uyên; huyện Bàu Bàng đạt tiêu chí đô thị loại IV. Hiện nay, trong các tiêu chuẩn của thành phố trực thuộc Trung ương theo quy định, Bình Dương có 2 điều kiện chưa bảo đảm, đó là tiêu chí về mật độ dân số hiện chưa đạt tối thiểu để bảo đảm đạt tiêu chí đô thị loại I. Điều kiện thứ 2 là về tỷ lệ số quận, thị xã, thành phố trực thuộc từ 60%, hiện Bình Dương mới có 5 thành phố/9 đơn vị hành chính cấp huyện, mới đạt 55,6%.

“Qua rà soát việc đánh giá huyện Bàu Bàng theo các tiêu chí của đô thị loại IV, hiện tiêu chí về mật độ dân số của huyện chưa đạt mức tối thiểu để bảo đảm đạt tiêu chí đô thị loại IV theo quy định. Sở Xây dựng đã có báo cáo UBND tỉnh về việc chuẩn bị các nội dung để tỉnh Bình Dương trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030 và tổ chức lập đề án triển khai thực hiện huyện Bàu Bàng hoàn thành tiêu chí đô thị loại IV trước năm 2030, bảo đảm cho tỉnh hoàn thành các điều kiện của đô thị loại I”, ông Huỳnh Phạm Tuấn Anh, Phó Giám đốc Sở Xây dựng, cho biết.

Nâng cấp hạ tầng khu dân cư

Theo ông Huỳnh Phạm Tuấn Anh, tuy tỷ lệ đô thị hóa của tỉnh khá cao nhưng chất lượng đô thị chưa tương xứng với tốc độ phát triển của tỉnh và nhu cầu an cư của người dân. Hệ thống kết cấu hạ tầng của khu dân cư, khu nhà ở trên địa bàn tỉnh còn thiếu đồng bộ, chưa được đầu tư hoặc được đầu tư nhưng chưa đạt chuẩn theo quy định. Sở Xây dựng đã tham mưu UBND tỉnh trình Tỉnh ủy xem xét ban hành nghị quyết về chỉnh trang, cải tạo, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật thiết yếu các khu dân cư trong đô thị và nông thôn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh.

Bình Dương xây dựng, phát triển đô thị với quan điểm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và huy động mọi nguồn lực trong công tác chỉnh trang, cải tạo, nâng cấp chất lượng đô thị và nông thôn, gắn với thực hiện hiệu quả chủ trương “Nhà nước, doanh nghiệp và nhân dân cùng làm”. Trên cơ sở đó, từng bước thay đổi tư duy trong nhận thức và hành động, dần dần thay đổi và hình thành thói quen, phong cách sống của người dân ngày càng gọn gàng, ngăn nắp, văn minh, lịch sự; kiên quyết chấn chỉnh, xử lý kịp thời, nghiêm minh các trường hợp sử dụng đất không đúng mục đích, xây dựng không phép và trái phép làm hình thành các khu dân cư, khu nhà ở, nhà trọ chưa đạt chuẩn...

Bình Dương đã và đang huy động tối đa các nguồn lực, nhất là xã hội hóa, để đầu tư nâng cấp, chỉnh trang đô thị; tập trung xây dựng hệ thống giao thông tại các khu vực cửa ngõ lớn, kết nối với TP.Hồ Chí Minh, trong đó chú trọng đầu tư các điểm kết nối với TP.Hồ Chí Minh, tỉnh Đồng Nai, các nút giao thông kết nối với TP.Thủ Đức và TP.Dĩ An để phát triển đô thị và thu hút đầu tư lĩnh vực khoa học - kỹ thuật, dịch vụ, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao…

”Bình Dương đang nỗ lực thực hiện đạt các mục tiêu của Chương trình hành động số 112/CTr- TU ngày 22-3-2023 của Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24-1-2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; thực hiện hiệu quả công tác chỉnh trang, phát triển đô thị, góp phần nâng cao chất lượng các đô thị để người dân được thụ hưởng tốt nhất những thành quả trong quá trình đô thị hóa...”

(Ông Huỳnh Phạm Tuấn Anh, Phó Giám đốc Sở Xây dựng)

PHƯƠNG LÊ

Nguồn Bình Dương: https://baobinhduong.vn/huy-dong-cac-nguon-luc-dau-tu-nang-chat-do-thi-a339771.html
Zalo