Khắc phục khó khăn, các địa phương đã sẵn sàng cho năm học mới

Lễ khai giảng năm học 2023-2024 sẽ tổ chức trên cả nước ngày 5.9. Tới thời điểm hiện tại, nhiều địa phương đã hoàn thiện về cơ sở vật chất, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, khắc phục khó khăn... sẵn sàng cho năm học mới.

Hà Nội: Tuyển dụng thêm 600 giáo viên phục vụ năm học mới

Thống kê của Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết, thủ đô có gần 123.000 giáo viên.

Theo đánh giá của Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội Trần Thế Cương về cơ bản, Hà Nội không thiếu giáo viên, việc thiếu giáo viên chỉ xảy ra cục bộ.

Để giải quyết tình trạng này, HĐND thành phố Hà Nội đã thông qua nghị quyết về việc giao chỉ tiêu lao động hợp đồng đối với đơn vị sự nghiệp thuộc lĩnh vực giáo dục và y tế năm 2023, trong đó bổ sung cho ngành Giáo dục 3.112 chỉ tiêu giáo viên hợp đồng.

Sở GD-ĐT cũng vừa tổ chức tuyển dụng hơn 600 giáo viên các trường trực thuộc; các quận, huyện, thị xã cũng đang tổ chức tuyển dụng giáo viên mầm non, tiểu học và THCS.

Đặc biệt, các đơn vị cũng đã triển khai ký hợp đồng với 3.112 giáo viên theo nghị quyết của HĐND TP Hà Nội.

Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội khẳng định: “Như vậy, năm học mới này, Hà Nội có hơn 6.000 giáo viên các cấp học được bổ sung vào đội ngũ giáo viên hiện có, đủ để các nhà trường thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 bảo đảm chất lượng”

Bên cạnh quan tâm tới chất lượng dạy và học, năm học 2023-2024, ngành Giáo dục Thủ đô cũng đặc biệt chú trọng tới đảm bảo an toàn cho học sinh.

Sở GD-ĐT Hà Nội yêu cầu các đơn bị giáo dục bảo đảm an ninh, an toàn cho học sinh. Đối với các trường đưa đón học sinh bằng xe ô tô phải có các giải pháp bảo đảm an toàn. Tăng cường hướng dẫn học sinh kỹ năng tự bảo vệ, kỹ năng phòng, tránh tai nạn thương tích khi tham gia các hoạt động giáo dục, ở nhà và khi tham gia giao thông...

Sở GD-ĐT yêu cầu các trường có bếp ăn tập thể kiểm tra mọi điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm, tổng vệ sinh bếp ăn.

Đến thời điểm này, các trường đều cam kết lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ cung ứng thực phẩm uy tín, đủ căn cứ pháp lý và có quy trình giám sát chặt chẽ, có sự tham gia của phụ huynh học sinh.

Cơ sở vật chất của Trường Mầm non Quang Minh A (huyện Mê Linh). Ảnh: HNM

Cơ sở vật chất của Trường Mầm non Quang Minh A (huyện Mê Linh). Ảnh: HNM

Về cơ sở vật chất, bước vào năm học 2023 - 2024, Hà Nội đã xây mới 1 trường công lập; bố trí vốn cho 8 dự án đầu tư xây dựng mới, cải tạo các trường, dự kiến có 3 dự án hoành thành phục vụ năm học mới là Trường Mầm non B, THPT Tự Lập, THPT Phúc Thọ.

Ngoài ra, Hà Nội cũng cấp phép thành lập 2 trường tư thục có nhiều cấp học.

Hà Nội đang nỗ lực khắc phục những khó khăn về cơ sở vật chất, trường lớp học, quyết tâm nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục, giảm dần khoảng cách về chất lượng giữa các địa bàn để giảm quá tải về trường, lớp học ở các quận nội thành…

Hà Nam: Cơ bản khắc phục được tình trạng thừa thiếu giáo viên

Theo đánh giá của Sở GD- ĐT Hà Nam, cơ cấu giáo viên theo môn đã dần được điều chỉnh qua các kỳ tuyển dụng, cơ bản khắc phục được tình trạng thừa, thiếu giáo viên ở một số môn học. Để chuẩn bị cho năm học mới, các địa phương đang tổ chức tuyển dụng viên chức ngành giáo dục để bổ sung đủ giáo viên, nhân viên so với biên chế được giao năm 2023.

Tuy nhiên, so với nhu cầu sử dụng giáo viên theo định mức do Bộ GD-ĐT quy định, toàn tỉnh vẫn thiếu khoảng 1.800 giáo viên. Đây là một khó khăn lớn đối với ngành khi bước vào năm học mới.

Đến thời điểm này, mặc dù vẫn còn không ít khó khăn, nhưng công tác chuẩn bị các điều kiện cho năm học mới đã được ngành giáo dục và các địa phương thực hiện tương đối bài bản; các nhà trường, giáo viên và học sinh có tâm thế tốt, sẵn sàng bước vào năm học mới.

Dù còn thiếu nhiều giáo viên nhưng ngành giáo dục thành phố Phủ Lý đã chủ động sắp xếp, bố trí, phân công đội ngũ, bảo đảm cho việc thực hiện dạy và học (Ảnh: Báo Hà Nam)

Dù còn thiếu nhiều giáo viên nhưng ngành giáo dục thành phố Phủ Lý đã chủ động sắp xếp, bố trí, phân công đội ngũ, bảo đảm cho việc thực hiện dạy và học (Ảnh: Báo Hà Nam)

Lai Châu: Nhà trường phối hợp với chính quyền vận động 100% học sinh tới lớp

Năm học 2023 - 2024, toàn tỉnh Lai Châu dự kiến có 337 trường học với 5.424 lớp và 151.417 học sinh. Sở GD-ĐT tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị trường học tích cực phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động tối đa học sinh ra lớp, đặc biệt là học sinh thuộc các xã khu vực III và khu vực II chuyển sang khu vực I, học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

Bên cạnh đó, các địa phương rà soát, sắp xếp lại đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý, nhân viên đảm bảo cơ cấu phù hợp; bố trí biên chế, tuyển dụng, hợp đồng đảm bảo số lượng giáo viên thiếu, đặc biệt giáo viên Tiếng Anh, Tin học và các môn học mới; đẩy nhanh tiến độ, sửa chữa, khởi công xây dựng các công trình để kịp thời bàn giao, đưa vào sử dụng cho năm học mới; mua sắm trang thiết bị dạy học tối thiểu và thiết bị phòng học Tin học, Ngoại ngữ, trang bị đồ dùng đồ chơi cho trẻ mầm non.

Cao Bằng: Sẵn sàng cho năm học mới

Để tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh bước vào năm học mới, các địa phương, trường học trong toàn tỉnh đang đẩy nhanh hoàn thiện thi công xây dựng, sửa chữa cơ sở vật chất trường, lớp học, tiến hành trang trí, tạo cảnh quan sư phạm thoáng mát, sạch đẹp để đón học sinh vào năm học mới.

Tại Thành phố Cao Bằng, đã thực hiện sửa chữa, cải tạo, nâng cấp một số khuôn viên, phòng học tại 5 trường THCS với tổng kinh phí 15 tỷ đồng. Bên cạnh đó 100% trường lớp học được kiên cố hóa, 26/32 trường đạt chuẩn quốc gia (chiếm 81,25%).

Trang thiết bị dạy học, đồ dùng, đồ chơi được trang cấp ở mức tối thiểu theo quy định của Bộ GD-ĐT đối với các cấp học; một số trang thiết bị dạy học hiện đại được đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đổi mới sách giáo khoa theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Theo Giám đốc Sở GD-ĐT Cao Bằng Vũ Văn Dương, năm học 2023 - 2024, toàn tỉnh có 516 trường học từ bậc mầm non đến THPT, tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia chiếm 33,53%, đội ngũ cán bộ, giáo viên trên 10.000 người, trong đó hơn 93% giáo viên đạt chuẩn.

Toàn tỉnh thực hiện tốt công tác bồi dưỡng chính trị hè, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ… cho đội ngũ nhà giáo, tập huấn cho đội ngũ nhà giáo trực tiếp đứng lớp đối với các khối lớp 4, lớp 8, lớp 11 theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, đáp ứng yêu cầu nâng cao kiến thức, tay nghề của đội ngũ nhà giáo trước năm học mới.

Về cơ bản, đội ngũ cán bộ, giáo viên và hệ thống cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu dạy học, những công trình xuống cấp được đầu tư xây mới hoặc sửa chữa, đồng thời mua sắm, bổ sung trang thiết bị phục vụ công tác giảng dạy và học tập, đặc biệt là thiết bị dạy học lớp 4, lớp 8 và lớp 11.

Ngoài nguồn vốn đầu tư của Nhà nước, ngành GD-ĐT tỉnh tăng cường vận động, huy động nguồn lực xã hội hóa để đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, góp phần tạo động lực nâng cao chất lượng trong thời gian tới. Đến thời điểm hiện tại, công tác chuẩn bị cho năm học mới của tỉnh cơ bản hoàn thành và sẵn sàng cho năm học mới.

Hà Tĩnh: Đề xuất UBND tỉnh cấp 19,2 tỷ đồng để mua sắm thiết bị giáo dục cho các trường THPT

Theo lãnh đạo Sở GD-ĐT Hà Tĩnh, đến thời điểm này, công tác chuẩn bị các điều kiện cho năm học mới cơ bản hoàn thành. Sở GD-ĐT đã tham mưu, phối hợp chỉ đạo các đơn vị sớm rà soát, xây dựng kế hoạch để chuẩn bị cơ sở vật chất, thiết bị giáo dục, xây dựng cảnh quan khuôn viên trường học, đẩy nhanh tiến độ các công trình xây dựng trước khi năm học mới bắt đầu; tập trung rà soát, liệt kê thiết bị dạy học cần và đủ theo các văn bản quy định của Bộ GD-ĐT; sắp xếp theo thứ tự ưu tiên mua sắm, đảm bảo vừa đáp ứng yêu cầu tối thiểu, vừa theo hướng hiện đại; đầu tư lắp đặt, nâng cấp hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin.

Bên cạnh đó, Sở GD-ĐT cũng đã có văn bản đề xuất UBND tỉnh cấp 19,2 tỷ đồng để mua sắm thiết bị giáo dục cho các trường THPT.

Về đội ngũ, ngành chỉ đạo các phòng GD-ĐT, các nhà trường thực hiện việc điều chuyển biệt phái giáo viên theo chỉ tiêu; điều chuyển giáo viên dôi dư giữa THCS và tiểu học đối với các bộ môn đặc thù; gấp rút tuyển dụng 299 biên chế viên chức giáo dục năm học 2023-2024.

Các phòng GD-ĐT cũng đã tham mưu địa phương sắp xếp, bố trí đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên hợp lý; tiếp tục ưu tiên bố trí giáo viên các lớp đầu cấp và giáo viên dạy lớp 4, lớp 8, lớp 11 năm học 2023-2024.

Đến nay, 100% học sinh Hà Tĩnh đã có sách giáo khoa để chuẩn bị cho năm học mới.

Các trường học ở Hà Tĩnh chuẩn bị cơ sở vật chất đón chào năm học mới (Ảnh: Báo Hà Tĩnh)

Các trường học ở Hà Tĩnh chuẩn bị cơ sở vật chất đón chào năm học mới (Ảnh: Báo Hà Tĩnh)

Thanh Hóa: Khó khăn hiện tại là tình trạng thiếu giáo viên

Tại Thanh Hóa, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định phê duyệt danh mục sách giáo khoa lớp 4, 8, 11 sử dụng trong các cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh từ năm học 2023-2024. Để đảm bảo cung ứng đủ sách giáo khoa cho năm học mới, Sở GD-ĐT tỉnh Thanh Hóa cho biết sẽ tổng hợp nhu cầu sử dụng của học sinh các nhà trường, sau đó chuyển lại cho các nhà xuất bản để họ có kế hoạch in ấn.

Khó khăn hiện tại của của ngành giáo dục Thanh Hóa là tình trạng thiếu giáo viên. Theo rà soát, ngành giáo dục Thanh Hóa đang thiếu hơn 16.000 giáo viên theo quy định của Bộ GD-ĐT. Còn nếu tính theo định mức quy định của UBND tỉnh thì thiếu hơn 8.900 giáo viên.

Tình trạng thiếu giáo viên xảy ra ở tất cả các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh và ở tất cả các cấp học; trong đó, thiếu nhiều nhất là giáo viên khối mầm non và tiểu học. Một số môn học thiếu giáo viên trầm trọng như Âm nhạc, Mỹ thuật, Tin học, tiếng Anh.

Trước thực trạng này, UBND tỉnh Thanh Hóa đã đề xuất Bộ Nội vụ xem xét, trình Chính phủ giao bổ sung hơn 16.600 biên chế cho ngành giáo dục. Các địa phương, cở sở giáo dục ở Thanh Hóa đã chủ động rà soát, sắp xếp lại mạng lưới trường lớp học, xóa bỏ nhiều điểm trường lẻ; sắp xếp lại đội ngũ giáo viên phù hợp hơn.

Quảng Trị: Đề nghị các trường học chủ động trong công tác phòng, chống thiên tai

Theo Sở GD-ĐT Quảng Trị, để chuẩn bị cho năm học mới, Sở đã đề nghị các đơn vị, trường học rà soát, bổ sung trang thiết bị dạy học, sách giáo khoa, đồ dùng, đồ chơi; sửa chữa, nâng cấp cơ sở vật chất nhà trường, lớp học; tổ chức vệ sinh trường, lớp bảo đảm khuôn viên, cảnh quan môi trường sư phạm xanh, sạch, đẹp. Khẩn trương ban hành kế hoạch giáo dục nhà trường trong năm học, bảo đảm nội dung chương trình giáo dục theo quy định, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương và điều kiện của nhà trường.

Đồng thời, rà soát, sắp xếp, bố trí đủ đội ngũ giáo viên đảm bảo thực hiện hoạt động dạy học, trong đó ưu tiên giáo viên giảng dạy các lớp 1, 2, 3, 4, 6, 7, 8, 10 và 11 theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Sở đề nghị các trường học bố trí nguồn kinh phí hợp lý và huy động các nguồn hỗ trợ để mua sách giáo khoa cho các thư viện trường học, tổ chức cho học sinh mượn sách giáo khoa để học tập; vận động học sinh quyên góp, ủng hộ sách giáo khoa cũ vào thư viện để học sinh các lớp sau tiếp tục được mượn và sử dụng.

Ngoài ra, vào mùa tựu trường cũng là lúc thời tiết mưa lũ sớm bắt đầu xuất hiện. Vì vậy, Sở GD-ĐT Quảng Trị đề nghị các trường học chủ động rà soát, trang cấp phương tiện, thiết bị, chủ động trong công tác phòng, chống thiên tai; thông tin kịp thời đến các trường học, giáo viên, học sinh về dự báo thời tiết cũng như việc đi lại an toàn, nhất là những nơi nguy hiểm, đi qua cầu yếu, khe, suối trong mùa mưa lũ.

Đắk Nông: Đầu tư trên 329 tỷ đồng chuẩn bị năm học mới

Để chuẩn bị cho năm học 2023-2024, các địa phương trong tỉnh Đắk Nông đã ưu tiên bố trí kinh phí để tập trung đầu tư xây dựng mới, sửa chữa các phòng học, phòng chức năng và mua sắm trang thiết bị cho các cơ sở giáo dục đáp ứng yêu cầu Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Theo đó, toàn ngành giáo dục tỉnh được đầu tư trên 329 tỷ đồng, trong đó kinh phí đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị khoảng trên 262 tỷ đồng.

Hiện nay, các cơ sở giáo dục trong tỉnh đang khẩn trương hoàn thiện công tác chuẩn bị về cơ sở vật chất. Các nhà thầu đang gấp rút hoàn thiện hạng mục đầu tư tại các nhà trường, kịp đưa vào sử dụng đầu năm học mới.

Trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc, thị trấn Đắk Mil, Đắk Mil, Đắk Nông được xây mới dãy nhà 3 tầng với 12 phòng học trước thềm năm học mới (Ảnh: Báo Đắk Nông)

Trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc, thị trấn Đắk Mil, Đắk Mil, Đắk Nông được xây mới dãy nhà 3 tầng với 12 phòng học trước thềm năm học mới (Ảnh: Báo Đắk Nông)

Cùng với nguồn ngân sách Nhà nước, ngành giáo dục Đắk Nông tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa để hoàn thiện các công trình phụ. Đây là năm học được toàn ngành giáo dục tỉnh đẩy mạnh thi đua dạy và học nói chung và đầu tư hoàn thiện cơ sở vật chất nói riêng để tăng tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia theo kế hoạch.

Theo UBND tỉnh Đắk Nông, tỉnh có rất nhiều điểm trường vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Dù tỷ lệ học sinh đến lớp ở điểm trường này không cao nhưng vẫn phải duy trì, không thể sáp nhập điểm trường với các điểm trường chính ở trung tâm vì quãng đường đi lại xa, cùng nhiều khó khăn khác dẫn đến việc bỏ học. Trong khi đó, số lượng biên chế được cấp có thẩm quyền giao hằng năm không đủ để bảo đảm nhu cầu công việc hiện nay.

Để bảo đảm nhu cầu dạy và học tại địa phương trong năm học mới 2023-2024, tỉnh Đắk Nông mới đây đã có báo cáo gửi Ban Tổ chức Trung ương, Bộ Nội vụ, Bộ Giáo dục và Đào tạo để đề nghị các bộ, ngành Trung ương xem xét, giao bổ sung 1.021 biên chế viên chức hưởng lương từ ngân sách trong các đơn vị sự nghiệp giáo dục công lập thuộc tỉnh.

Đồng thời, tỉnh cũng đề nghị các bộ, ngành Trung ương xem xét, không thực hiện tinh giản biên chế giai đoạn 2022-2026 đối với tỉnh hoặc có cơ chế đặc thù đối với các tỉnh có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, có địa hình đồi núi phức tạp, vùng đồng bào dân tộc thiểu số nhằm tạo điều kiện thuận lợi để tỉnh có thể hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.

TP. Hồ Chí Minh: Nỗ lực bồi dưỡng giáo viên, tu bổ cơ sở vật chất sẵn sàng cho năm học mới

Theo Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP. Hồ Chí Minh Lê Hoài Nam , hàng năm ngành GD-ĐT đối mặt với nhiều khó khăn như số lượng học sinh tăng cơ học cao gây áp lực đối với việc đảm bảo đủ chỗ học, sĩ số học sinh/lớp cao hơn quy định ảnh hưởng chất lượng triển khai chương trình mới, thiếu giáo viên ở một số bộ môn như Âm nhạc, Mỹ thuật, Tin học, tiếng Anh... gây khó khăn cho các trường học.

Bên cạnh đó, tiến độ xây dựng trường học hiện nay còn chậm so với yêu cầu do một số quy định về quy hoạch, quy chuẩn xây dựng trường lớp chưa phù hợp thực tế tại TP. Hồ Chí Minh.

Cùng với đó, việc thực hiện chuyển đổi số, một mặt mang lại nhiều kết quả tích cực song cũng là thách thức lớn với toàn ngành, đòi hỏi thay đổi tư duy, nâng cao trình độ công nghệ thông tin của đội ngũ, tăng cường bổ sung trang thiết bị.

Tuy nhiên, để chuẩn bị cho khai giảng, học sinh đầu cấp được tựu trường sớm để làm quen trường học để bước vào năm học mới với tâm thế thoải mái. Công tác bồi dưỡng, cơ sở vật chất đã sửa chữa, trang bị các thiết bị dạy học đã thực hiện trong hè, sẵn sàng cho năm học mới.

Cần Thơ: 100% học sinh có đủ sách giáo khoa để sử dụng

Sở GD-ĐT Cần Thơ đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục thông báo danh mục sách giáo khoa trường sử dụng trong năm học 2023-2024 trên website và bảng thông tin của nhà trường; tổ chức, vận động mọi lực lượng xã hội trao tặng sách giáo khoa và dụng cụ học tập đến học sinh có hoàn cảnh khó khăn; vận động học sinh tặng lại sách giáo khoa đã qua sử dụng cho thư viện để học sinh mượn, bảo đảm 100% học sinh có đủ sách giáo khoa để sử dụng.

Ðồng thời, Sở GD-ĐT Cần Thơ phối hợp Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam tặng 45.000 bản sách giáo khoa đến học sinh.

Bà Rịa – Vũng Tàu chi hơn 30 tỷ đồng sửa chữa, cải tạo cơ sở vật chất

Ngay trong dịp hè, Ủy ban Nhân dân Thành phố đã phê duyệt sửa chữa, cải tạo cơ sở vật chất 19 trường học trên địa bàn với tổng chi phí sửa chữa là hơn 30 tỷ đồng. Các dự án sửa chữa trong hè đều đã hoàn tất trước 15.8 để chuẩn bị vào năm học mới.

Bên cạnh đó, tất cả các trường học trên địa bàn thành phố đã rà soát lại hiện trạng cơ sở vật chất trường lớp, cây xanh trong khuôn viên trường học, hệ thống phòng cháy chữa cháy, thực hiện dọn vệ sinh trường, hành lang lớp học, dọn dẹp vệ sinh khuôn viên trường, sửa chữa nhỏ… đều được hoàn thành.

Bình Dương bảo đảm chất lượng dạy và học trong năm học mới

Bà Nguyễn Thị Nhật Hằng, Giám đốc Sở GD-ĐT, cho biết nhằm bảo đảm chất lượng giáo dục cho cả năm học, ngành GD-ĐT đã tổ chức cho giáo viên tham gia tập huấn, tìm hiểu các nội dung chương trình giáo dục mới bằng nhiều hình thức để các trường không bị động khi áp dụng.

Đến thời điểm này, các trường đã hoàn thành việc bố trí, phân công chuyên môn, chuẩn bị đầy đủ các điều kiện đón học sinh tựu trường, khai giảng năm học mới. Ngành sẵn sàng các phương án nhằm đáp ứng tốt nhất yêu cầu nhiệm vụ trong năm học mới, bảo đảm chất lượng dạy và học trên địa bàn.

Cà Mau đáp ứng đầy đủ nhu cầu về cơ sở vật chất đón năm học mới

Ông Nguyễn Thanh Luận, Giám đốc Sở GD-ÐT Cà Mau, cho biết, đến thời điểm này, công tác chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị cho năm học mới, nhất là việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 ở năm học 2023-2024 đã được ngành chỉ đạo thực hiện.

Về cơ sở vật chất, các đơn vị, trường học trực thuộc Sở GD-ÐT đang sửa chữa trường, lớp học năm 2023 với kinh phí trên 19 tỷ đồng, đáp ứng nhu cầu về cơ sở vật chất.

Ðối với các đơn vị, trường học trực thuộc huyện, TP Cà Mau cũng đang sửa chữa trường, lớp, chuẩn bị chu đáo các điều kiện đón năm học mới.

Về trang thiết bị, Sở GD-ÐT đang tham mưu UBND tỉnh triển khai mua sắm trang thiết bị phục vụ dạy và học năm 2023, thuộc Ðề án mua sắm trang thiết bị đáp ứng yêu cầu Chương trình GDPT 2018 giai đoạn 2021-2025, đã được phê duyệt.

Quốc Việt - Nguyễn Liên - Xuân Quý (tổng hợp)

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/giao-duc--y-te1/khac-phuc-kho-khan-cac-dia-phuong-da-san-sang-cho-nam-hoc-moi-i341817/
Zalo