Khắc phục bất cập về điều kiện bảo đảm tổ chức, hoạt động
Về điều kiện bảo đảm tổ chức, hoạt động của công đoàn, dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) có quy định, cán bộ công đoàn không chuyên trách được bảo đảm thời gian thực hiện nhiệm vụ của công đoàn; tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, thời lượng cụ thể dành cho công tác công đoàn còn thiếu thực tế, không khả thi. Do đó, cần nghiên cứu để có những quy định phù hợp, bảo đảm tổ chức công đoàn có vị thế, hoạt động độc lập, không phụ thuộc vào người sử dụng lao động.
Trao quyền chủ động về công tác cán bộ cho tổ chức công đoàn
Những năm qua, công đoàn các cấp đã rất nỗ lực chăm lo, bảo vệ quyền lợi của người lao động, song, vấn đề thiếu cán bộ công đoàn hiện đang là một thách thức lớn đối với tổ chức công đoàn. Theo Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu, số lượng đoàn viên và công đoàn cơ sở ở các cấp công đoàn liên tục tăng, trong khi tổ chức công đoàn phải tuân thủ quy định chung về giảm biên chế của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là tại các công đoàn cơ sở. Do vậy, dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) đã quy định những nguyên tắc chung nhằm bảo đảm tổ chức bộ máy và cán bộ cho tổ chức công đoàn, bao gồm cả công đoàn cơ sở.
Cùng với đó, thể chế hóa tinh thần Nghị quyết số 02 ngày 12.6.2021 của Bộ Chính trị; trong đó, có quy định nghiên cứu, đề xuất cơ chế giao biên chế cho công đoàn hợp lý, bảo đảm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ và tình hình thực tế, dự thảo Luật đã quy định theo hướng công đoàn các cấp được bảo đảm về tổ chức và số lượng cán bộ công đoàn để thực hiện được đầy đủ chức năng, quyền và trách nhiệm. Đồng thời, cho phép Tổng LĐLĐ Việt Nam quyết định số lượng cán bộ chuyên trách là người làm việc theo hợp đồng lao động trong các cơ quan chuyên trách của công đoàn và công đoàn cơ sở. Điều này nhằm bảo đảm sự chủ động, linh hoạt trong bố trí cán bộ công đoàn, đáp ứng yêu cầu phát triển đoàn viên trong từng thời điểm, giai đoạn, góp phần nâng cao năng lực hoạt động của tổ chức công đoàn.
Đồng quan điểm với quy định của dự thảo Luật, ĐBQH Đặng Bích Ngọc (Hòa Bình) cho rằng, cán bộ công đoàn phải bảo đảm về số lượng để có thể thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của từng công đoàn cơ sở, đặc biệt là ở khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước, nơi rất cần sự bảo vệ của tổ chức công đoàn. Mặt khác, số lượng biên chế cho công đoàn không nên phụ thuộc vào số dân của tỉnh, thành phố, ngành mà phải phụ thuộc số lượng đoàn viên, người lao động, doanh nghiệp và sự phát triển kinh tế của từng ngành, từng địa phương. Có như vậy mới bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ giữa Tổng LĐLĐ Việt Nam và các cơ quan quản lý biên chế, nhằm xác định tính hợp lý trong việc phân bổ biên chế.
Bảo đảm thời gian thực hiện nhiệm vụ của cán bộ công đoàn
Quan tâm đến vấn đề bảo đảm điều kiện hoạt động cho công đoàn, ĐBQH Trần Nhật Minh (Nghệ An) cho biết, tại Khoản 2 Điều 27 quy định thời gian cán bộ công đoàn không chuyên trách được sử dụng giờ làm việc trong một tháng để làm công tác công đoàn theo hướng giữ nguyên như quy định của Luật hiện hành. Bởi, Báo cáo tổng kết thi hành Luật Công đoàn hiện hành không nêu bất cập nào trong việc thực hiện quy định này thời gian qua và trên cơ sở đề xuất của cơ quan soạn thảo.
Tuy nhiên, qua tiếp xúc với cử tri là cán bộ công đoàn cơ sở về dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi), nhiều ý kiến cho rằng, quy định về thời gian làm việc của cán bộ công đoàn cơ sở như Luật hiện hành là hết sức bất cập, còn mang tính bình quân, chưa phù hợp với quy mô doanh nghiệp lớn, có số lượng công nhân đông. Vì thực tế, việc các cán bộ công đoàn cơ sở sử dụng 12 giờ hay 24 giờ làm việc/1 tháng để làm công tác đoàn như hiện nay đã là hết sức hạn chế. Trong khi việc thỏa thuận với người sử dụng lao động để có thêm thời gian hoạt động công đoàn cũng hết sức khó khăn, nhất là đối với các tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp có đông người lao động cần có nhiều thời gian để hoạt động công đoàn.
Để giải quyết bất cập này, theo đại biểu Trần Nhật Minh, không nên quy định cụ thể số lượng thời gian mà cần quy định nguyên tắc chung “cán bộ công đoàn không chuyên trách được bảo đảm thời gian để thực hiện nhiệm vụ công đoàn và được đơn vị sử dụng lao động trả lương. Tổng thời gian làm việc của toàn bộ cán bộ công đoàn không chuyên trách được xác định trên cơ sở tương ứng với số lượng đoàn viên công đoàn”.
Đồng quan điểm, một số đại biểu cũng cho rằng, thời lượng cụ thể dành cho công tác công đoàn còn thiếu thực tế, khó khả thi. Do đó, cần nghiên cứu để có những quy định phù hợp về thời gian, bảo đảm tổ chức công đoàn có vị thế, hoạt động độc lập, không phụ thuộc vào người sử dụng lao động.