Khắc ghi lịch sử và khát vọng vươn lên của Việt Nam
'Tôi không nhớ hết những lần thoát khỏi bom đạn. Nhưng có 3 lần tôi không thể nào quên. Đó là 3 lần bị máy bay địch dí sát trên đầu, thả bom ngay trên hầm cá nhân ẩn nấp sau khi đi chiếu phim, rải truyền đơn tuyên truyền giai đoạn 1965-1970' - nguyên Giám đốc Đài Phát thanh - Truyền hình (PT-TH) Tây Ninh Nguyễn Văn Thọ kể lại với nhóm làm phim của Đài PT-TH và Báo Bình Phước sáng 6-5-2025.
Câu chuyện thời kháng chiến của các thế hệ làm báo ở Tây Ninh hôm qua, hình ảnh đặt viên gạch đầu tiên xây dựng trụ sở các cơ quan báo chí Tây Ninh năm nào, cùng với mong đợi của lãnh đạo Đài PT-TH Tây Ninh, Báo Tây Ninh, Đài PT-TH và Báo Bình Phước và sứ mệnh với người làm báo hôm nay trước muôn vàn thông tin thật - giả lẫn lộn… Chuyện được kể lại, vấn đề lần lượt được nêu lên. Để rồi, nguyên Giám đốc Đài PT-TH Tây Ninh Nguyễn Văn Thọ, 80 tuổi đời, hơn 50 năm tuổi Đảng, nhắn nhủ: Đất nước đã 50 năm thống nhất. Trải qua 2 cuộc kháng chiến trường kỳ, chúng ta đều thắng lợi vẻ vang… Vì thế, hôm nay không điều gì Đảng ta, đất nước ta không làm được, người làm báo cũng không gì khiến chúng ta băn khoăn, lùi bước.
Những câu chuyện của thế hệ cha anh tham gia kháng chiến, đấu tranh cho giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, có lẽ không ngòi bút, ống kính nào có thể lột tả lại hết được. Và thế hệ hôm nay không trải qua lửa đạn chiến tranh, có thể chưa thấu hiểu hết giá trị của hòa bình. Nhưng chắc chắn không ai không hiểu hết ý nghĩa những dấu mốc chói lọi đất nước Việt Nam đã khắc ghi trong lịch sử thế giới.
Bản anh hùng ca bất diệt Chiến thắng Điện Biên Phủ, một chiến thắng “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” là dấu mốc lịch sử như thế. Hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng “Quyết chiến, quyết thắng” tung bay trên nóc hầm chỉ huy của tướng De Castries ngày 7-5-1954 sẽ còn mãi trong tâm trí không chỉ của cả dân tộc Việt Nam, mà còn in đậm trong lương tri yêu chuộng hòa bình toàn thế giới.
Tháng 12-1953, tại chiến khu Việt Bắc, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định mở mặt trận có tính chiến lược tiêu diệt tập đoàn cứ điểm quân viễn chinh tinh nhuệ Pháp ở Điện Biên Phủ. Trải qua 56 ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt, máu trộn bùn non (thơ Tố Hữu), quân và dân cả nước đã dồn sức, đồng lòng vượt qua bao mưa bom, bão đạn và giành chiến thắng. Từ đó đưa cuộc kháng chiến của dân tộc Việt Nam đến thắng lợi hoàn toàn, buộc thực dân Pháp phải ký Hiệp định Genève ngày 20-7-1954 về đình chỉ chiến tranh, khôi phục hòa bình ở Đông Dương. Chiến thắng Điện Biên Phủ là một dấu mốc bằng vàng chói lọi trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Hiệp định Genève, Điện Biên Phủ, Võ Nguyên Giáp, Hồ Chí Minh… trở thành những từ khóa phổ biến trong các cuốn từ điển thế giới.
Hôm nay, tinh thần “Quyết chiến, quyết thắng” của Chiến dịch Điện Biên Phủ năm nào, sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc Việt Nam đang tiếp tục được phát huy với sự đồng lòng: Sẵn sàng, tự tin bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, tất cả cho mục tiêu đến năm 2030 trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Bước vào kỷ nguyên mới, cả dân tộc Việt Nam mãi khắc ghi tinh thần ấy của “Vị cha già” Chủ tịch Hồ Chí Minh, của “người anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam” Võ Nguyên Giáp và các thế hệ cha anh đã hy sinh xương máu cho hôm nay, cho ngày mai đất nước Việt Nam đàng hoàng hơn, to đẹp hơn, sánh vai cùng các cường quốc năm châu.
Khắc ghi những dấu mốc lịch sử hào hùng của dân tộc, người làm báo cũng như các tầng lớp cán bộ, đảng viên, nhân dân hôm nay chắc chắn sẽ đoàn kết hơn, trách nhiệm với lịch sử và khát vọng vươn lên của Việt Nam.