Khả năng phục hồi và tuổi thọ sau khi bị đột quỵ là bao nhiêu?

Khả năng phục hồi sau đột quỵ phụ thuộc vào tuổi tác, loại đột quỵ và thời gian điều trị. Đặc biệt, đột quỵ có thể làm giảm tuổi thọ.

Đột quỵ là tình trạng phổ biến, đặc biệt là ở người lớn tuổi. Tình trạng này có thể gây tổn thương não vĩnh viễn và tàn tật lâu dài, đồng thời có thể làm giảm tuổi thọ của người bệnh. Một số người có thể hồi phục hoàn toàn và sống nhiều năm sau cơn đột quỵ. Đối với những người khác, biến chứng đột quỵ có tác động rõ rệt đến chất lượng cuộc sống và tuổi thọ của họ. Vậy bị đột quỵ sống được bao lâu?

1. Khả năng phục hồi sau đột quỵ

Rất nhiều người băn khoăn rằng, liệu thời gian phục hồi sau đột quỵ là bao lâu? Triển vọng phục hồi sau đột quỵ tốt không?

Về thời gian phục hồi sau đột quỵ, đối với những cơn đột quỵ nhẹ và người bệnh có tình trạng sức khỏe tốt, có thể mất vài tuần để hồi phục và sẽ không ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống. Tuy nhiên, đối với tình trạng đột quỵ nghiêm trọng, người bệnh có thể mất vài tháng hoặc vài năm để phục hồi hoàn toàn hoặc một phần.

Về triển vọng phục hồi sau đột quỵ, theo Hiệp hội đột quỵ Hoa Kỳ, khoảng 10% số người sống sót sau đột quỵ có thể phục hồi hoàn toàn sau khoảng 30 ngày. Khoảng 1/3 số người sống sót sau đột quỵ hồi phục tốt, có thể sống độc lập và quay lại làm việc hoặc thực hiện các hoạt động trước đây.

Tuy nhiên, vẫn còn tỷ lệ lớn những người sau đột quỵ chỉ phục hồi được một phần và nhiều người tàn tật vĩnh viễn sau đột quỵ. Nhiều khả năng do tuổi tác, tình trạng sức khỏe kém và thời gian cấp cứu chưa kịp thời.

Ngoài ra, một số nhà nghiên cứu ước tính rằng từ 65% đến 85% trong số tất cả những người sống sót sau đột quỵ có thể tự đi lại sau 6 tháng phục hồi chức năng.

10% những người sống sót sau đột quỵ có thể phục hồi hoàn toàn (Ảnh: Internet)

10% những người sống sót sau đột quỵ có thể phục hồi hoàn toàn (Ảnh: Internet)

Nhìn chung, mức độ phục hồi sau đột quỵ sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố, chẳng hạn:

- Độ tuổi: Người trẻ tuổi có xu hướng có triển vọng tốt hơn sau đột quỵ so với người lớn tuổi.

- Loại đột quỵ: Đột quỵ do thiếu máu cục bộ thường có triển vọng tích cực hơn so với đột quỵ do xuất huyết.

- Vị trí đột quỵ: Đột quỵ ảnh hưởng đến thân não có liên quan đến các biến chứng nghiêm trọng hơn.

- Mức độ nghiêm trọng của đột quỵ: Đột quỵ lớn ảnh hưởng đến nhiều vùng não có thể dẫn đến tình trạng tàn tật hoặc tử vong đáng kể hơn so với đột quỵ ảnh hưởng đến một vùng não nhỏ.

- Thời gian điều trị: Những người được điều trị trong vòng 3 giờ kể từ khi bắt đầu có triệu chứng đột quỵ do thiếu máu cục bộ có nhiều khả năng phục hồi hơn.

- Sức khỏe của bạn trước khi đột quỵ: Trước khi bị đột quỵ mà bạn mắc thêm các tình trạng sức khỏe mãn tính khác, chẳng hạn như huyết áp cao hoặc tiểu đường, có thể làm trầm trọng thêm tình trạng sức khỏe của bạn.

- Bị đột quỵ tái phát: Một nghiên cứu năm 2022 từ Đan Mạch cho thấy nguy cơ tử vong tăng lên khi đột quỵ tái phát và khả năng bị ảnh hưởng nghiêm trọng hơn.

- Thái độ và động lực của bạn: Quá trình phục hồi sau đột quỵ của bạn cũng phụ thuộc vào khả năng tham gia các liệu pháp được khuyến nghị và thực hiện một số thay đổi nhất định về lối sống.

2. Sau đột quỵ sống được bao lâu?

Tuổi thọ trung bình sau đột quỵ ở mỗi người là khác nhau, cũng sẽ tùy thuộc vào tuổi tác, tình trạng sức khỏe, loại đột quỵ và thời gian cấp cứu ở mỗi người.

Tuy nhiên, nghiên cứu toàn cầu có thể chỉ ra một số xu hướng về tuổi thọ trung bình sau đột quỵ:

- Đột quỵ làm giảm tuổi thọ

Một nghiên cứu năm 2022, có hơn 300.000 người ở Úc và New Zealand tham gia, nghiên cứu đã phát hiện ra rằng bất kỳ loại đột quỵ nào cũng có liên quan đến việc giảm 5,5 năm tuổi thọ. Những người bị đột quỵ xuất huyết trung bình mất 7,4 năm tuổi thọ.

- Khoảng một nửa số người sống sót ít nhất 5 năm sau cơn đột quỵ do thiếu máu cục bộ

Một nghiên cứu lớn năm 2019 của Thụy Điển, có sự tham gia của những người sống sót ít nhất 30 ngày sau cơn đột quỵ đầu tiên, nghiên cứu đã phát hiện ra rằng tỷ lệ sống sót sau 5 năm là 49,4% đối với những người bị đột quỵ do thiếu máu cục bộ. Đối với những người bị xuất huyết não, tỷ lệ sống sót sau 5 năm là 37,8%.

- Người lớn dưới 50 tuổi có nguy cơ tử vong cao hơn trong ít nhất 15 năm sau đột quỵ

Các tác giả của một nghiên cứu năm 2019 của Hà Lan đã xem xét các kết quả lâu dài ở những người từ 18 đến 49 tuổi sống sót ít nhất 30 ngày sau cơn đột quỵ đầu tiên. Họ phát hiện ra rằng những người này có nguy cơ tử vong cao gấp 5,5 lần trong vòng 15 năm so với bình thường.

Bất kỳ loại đột quỵ nào cũng có liên quan đến việc giảm 5,5 năm tuổi thọ (Ảnh: Internet)

Bất kỳ loại đột quỵ nào cũng có liên quan đến việc giảm 5,5 năm tuổi thọ (Ảnh: Internet)

Tỷ lệ sống sót sau đột quỵ theo độ tuổi

* RS là tỷ lệ sống sót tương đối

Nguy cơ đột quỵ tái phát

Bị đột quỵ làm tăng nguy cơ đột quỵ trong tương lai. Một nghiên cứu của Đức năm 2019 đã phát hiện ra tỷ lệ tái phát cơn đột quỵ thứ hai:

+ 1,2% trong vòng 30 ngày

+ 3,4% trong vòng 90 ngày

+ 7,4% trong vòng 1 năm

+ 19,4% trong vòng 5 năm

Đây cũng là một yếu tố ảnh hưởng đến tuổi thọ của người bệnh sau đột quỵ. Cơn đột quỵ tái phát có thể nghiêm trọng hơn và tiếp tục đe dọa tính mạng hoặc làm suy giảm sức khỏe của người sau đột quỵ.

Đột quỵ tái phát có thể làm tăng nguy cơ tử vong cao hơn (Ảnh: Internet)

Đột quỵ tái phát có thể làm tăng nguy cơ tử vong cao hơn (Ảnh: Internet)

3. Các biện pháp phục hồi chức năng sau đột quỵ

Quá trình phục hồi sau đột quỵ tốt sẽ giúp người bệnh lấy lại một phần hoặc hoàn toàn các chức năng, thực hiện các hoạt động như trước kia. Các chương trình phục hồi chức năng sau đột quỵ có thể bao gồm những nội dung sau:

- Cải thiện thể chất và khả năng hoạt động

+ Bài tập kỹ năng vận động. Người bệnh nên thực hiện các bài tập có thể giúp cải thiện sức mạnh cơ bắp và sự phối hợp trên toàn bộ cơ thể để giữ thăng bằng, đi bộ và thậm chí là nuốt.

+ Huấn luyện di chuyển. Người bệnh có thể học cách sử dụng xe tập đi, gậy, xe lăn,...

+ Luyện tập và sử dụng các chi bị ảnh hưởng để cải thiện chức năng

+ Thực hiện một số bài tập và phương pháp điều trị có thể làm giảm căng cơ và giúp người bệnh lấy lại phạm vi chuyển động.

- Cải thiện nhận thức và cảm xúc

+ Sử dụng các liệu pháp nghề nghiệp và liệu pháp ngôn ngữ giúp người bệnh khắc phục các khả năng nhận thức bị mất. Các khả năng này có thể bao gồm trí nhớ, xử lý, giải quyết vấn đề, kỹ năng xã hội, phán đoán và nhận thức về an toàn.

+ Sử dụng liệu pháp hỗ trợ giao tiếp giúp người bệnh lấy lại khả năng nói, nghe, viết và hiểu đã mất.

+ Đánh giá và điều trị tâm lý của người bệnh

+ Sử dụng thuốc chống trầm cảm hoặc thuốc ảnh hưởng đến sự tỉnh táo, kích động hoặc chuyển động nếu được bác sĩ chỉ định.

LƯU Ý: Bắt đầu phục hồi chức năng sau đột quỵ càng sớm thì khả năng người bệnh lấy lại được các khả năng và kỹ năng đã mất càng cao. Phục hồi chức năng sau đột quỵ thường bắt đầu sớm nhất là 24 đến 48 giờ sau khi bạn bị đột quỵ, khi bạn đang ở trong bệnh viện.

Một số biện pháp phục hồi chức năng sau đột quỵ cần có sự tham gia của bác sĩ, chuyên gia vật lý trị liệu hoặc chuyên gia trị liệu nghề nghiệp. Do vậy, bạn nên phối hợp chặt chẽ với các chuyên gia để có kết quả phục hồi tốt nhất.

Nguồn: Tổng hợp

Vân Anh

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/kha-nang-phuc-hoi-va-tuoi-tho-sau-khi-bi-dot-quy-la-bao-nhieu-2024103110403888.htm
Zalo