Khả năng cơ động tuyệt vời của máy bay chiến đấu đa năng Su-30SM

Tiêm kích Su-30SM do Nga sản xuất đặc biệt có giá trị vì tính linh hoạt của chúng trong việc thực hiện cả nhiệm vụ không đối không và không đối đất.

Không quân Kazakhstan vừa được tăng cường sức mạnh với 6 máy bay chiến đấu đa năng Su-30SM mới được chuyển giao từ Nhà máy Hàng không Irkutsk, một phần của Tập đoàn Máy bay Thống nhất (UAC), trang Bulgarian Military đưa tin hôm 26/8, dẫn nguồn blog bmpd.

Theo thông tin được đưa, những chiếc máy bay này, mang số hiệu từ 51 đến 56 màu đỏ, hiện đang được đồn trú tại đơn vị hàng không tại Sân bay Shymkent. Chúng thay thế các máy bay chiến đấu MiG-29 thời Liên Xô cũ hơn, đã ngừng hoạt động.

Không quân Kazakhstan vốn có 24 máy bay chiến đấu Su-30SM vào năm 2020, nhưng đã bị mất một chiếc trong một vụ tai nạn vào năm 2021. Để lấp chỗ trống, các kế hoạch mua sắm mới đã được công bố vào mùa thu năm 2023.

Với 23 chiếc Su-30SM hiện có và 6 chiếc vừa mới nhận được, lực lượng phòng không của quốc gia Trung Á đang sở hữu một phi đội gồm 29 chiếc tiêm kích đa năng Su-30SM sẵn sàng chiến đấu.

Máy bay chiến đấu đa năng Su-30SM. Ảnh: TASS

Máy bay chiến đấu đa năng Su-30SM. Ảnh: TASS

Đáng chú ý, trước khi lô 6 tiêm kích Nga về tay Kazakhstan, hồi cuối năm ngoái, một số nguồn tin phương Tây và phương Đông suy đoán rằng Astana tính chuyển trọng tâm sang Tây Âu, đặc biệt là Paris, với tiêm kích Rafale do hãng Dassault của Pháp sản xuất.

Tuy nhiên, hồi tháng 11 năm ngoái, ông Yerzhan Nildibayev, Phó Tổng cục trưởng Phòng không kiêm giám đốc bộ phận vũ khí chính của Kazakhstan, đã tuyên bố rằng Kazakhstan sẽ mua máy bay chiến đấu Su-30SM do Nga sản xuất, từ chối lời đề nghị mua máy bay phản lực Rafale từ Pháp.

Ông Nildibayev chia sẻ rằng Bộ Quốc phòng Kazakhstan có kế hoạch mua thêm 10 chiếc Su-30SM nữa vào năm 2023-2024, với lý do tỉ lệ "chất lượng-giá cả" vượt trội so với các lựa chọn mà Pháp cung cấp.

Quyết định mở rộng phi đội Su-30SM được củng cố bởi những lợi thế của việc tiếp tục sử dụng một loại máy bay chiến đấu đã được tích hợp sẵn. Điều này giúp tránh được nhiều phiền phức và chi phí phát sinh khi đưa vào sử dụng một loại máy bay mới, chẳng hạn như đào tạo khác nhau, yêu cầu về phụ tùng thay thế, nhu cầu về cơ sở hạ tầng và khả năng tương thích với vũ khí hiện có.

Các chuyên gia quân sự Kazakhstan đánh giá cao máy bay chiến đấu Su-30SM. Một sĩ quan cấp cao của Không quân Kazakhstan đã chỉ ra hệ thống điện tử hàng không và vũ khí tiên tiến của máy bay, giúp tăng cường đáng kể khả năng phòng không của quốc gia này.

Theo viên chức này, Su-30SM đặc biệt có giá trị vì tính linh hoạt của chúng trong việc thực hiện cả nhiệm vụ không đối không và không đối đất. Chúng cũng hoạt động đáng tin cậy trong điều kiện thời tiết đa dạng và thường khắc nghiệt của khu vực.

Việc đưa những máy bay này vào sử dụng đánh dấu một bước quan trọng trong quá trình hiện đại hóa lực lượng không quân Kazakhstan, thay thế các nền tảng cũ hơn như MiG-29. Việc Su-30SM được tích hợp thành công vào phi đội, với các đợt triển khai tại các căn cứ không quân quan trọng như Shymkent và Karaganda, làm nổi bật tầm quan trọng chiến lược của nó.

Máy bay chiến đấu đa năng Su-30SM. Ảnh: Army Recognition

Máy bay chiến đấu đa năng Su-30SM. Ảnh: Army Recognition

Về Su-30SM, đây là máy bay chiến đấu đa năng do Sukhoi, một công ty hàng không vũ trụ nổi tiếng của Nga, phát triển. Đây là biến thể tiên tiến của dòng Su-30, được thiết kế để thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau, bao gồm chiếm ưu thế trên không, tấn công mặt đất và các hoạt động tấn công trên biển. Ký hiệu "SM" là viết tắt của "Serial Modernized", cho biết máy bay này tích hợp nhiều nâng cấp so với các mẫu trước đó.

Su-30SM có kích thước ấn tượng góp phần tạo nên tính linh hoạt và hiệu quả chiến đấu. Máy bay có chiều dài khoảng 21,9 m, sải cánh 14,7 m và chiều cao khoảng 6,4 m. Điều này cho phép tiêm kích mang tải trọng lớn trong khi vẫn duy trì khả năng cơ động tuyệt vời.

Su-30SM được trang bị 2 động cơ phản lực cánh quạt đốt sau AL-31FP, cho phép chú "chim sắt" này đạt tốc độ lên tới Mach 2.0 (gấp 2 lần tốc độ âm thanh). Su-30SM được trang bị một bộ thiết bị điện tử hàng không tinh vi được thiết kế để tăng cường khả năng chiến đấu của nó, bao gồm radar N011M Bar, một radar mảng pha có khả năng theo dõi nhiều mục tiêu cùng lúc và cung cấp hình ảnh có độ phân giải cao. Máy bay cũng có hệ thống dẫn đường và liên lạc tiên tiến, đảm bảo phối hợp hiệu quả trong các nhiệm vụ.

Về mặt hệ thống và cảm biến, Su-30SM được trang bị hệ thống tìm kiếm và theo dõi hồng ngoại (IRST), các biện pháp đối phó điện tử (ECM) và máy đo khoảng cách laser. Các hệ thống này cho phép máy bay phát hiện, theo dõi và tấn công mục tiêu của đối phương với độ chính xác cao, ngay cả trong môi trường đầy thách thức. Đặc biệt, hệ thống IRST cho phép phát hiện thụ động các dấu hiệu nhiệt, khiến đối phương khó có thể trốn tránh bị phát hiện.

Su-30SM rất linh hoạt, có thể mang theo nhiều loại vũ khí cho các nhiệm vụ khác nhau, bao gồm tên lửa không đối không như R-77 và R-73, tên lửa không đối đất như Kh-29 và Kh-31, và nhiều loại bom có điều khiển và không có điều khiển. Ngoài ra, máy bay được trang bị pháo GSh-30-1 30mm để chiến đấu tầm gần.

Tầm hoạt động của Su-30SM là một khía cạnh quan trọng khác trong thiết kế của nó. Với tầm hoạt động tối đa khoảng 3.000 km mà không cần thùng nhiên liệu ngoài, Su-30SM có thể thực hiện các nhiệm vụ tầm xa mà không cần tiếp nhiên liệu thường xuyên. Tầm hoạt động này có thể được mở rộng hơn nữa bằng cách sử dụng tiếp nhiên liệu trên không, khiến Su-30SM trở thành một tài sản đáng gờm cho các hoạt động kéo dài.

Minh Đức (Theo Bulgarian Military)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/kha-nang-co-dong-tuyet-voi-cua-may-bay-chien-dau-da-nang-su-30sm-204240827213915135.htm
Zalo