Lý do Iran mất năng lực chống đỡ trước đòn tấn công tiếp theo của Israel
Đòn tấn công của Israel vào mạng lưới phòng không tích hợp, và các địa điểm sản xuất tên lửa đạn đạo khiến Iran rất dễ bị tổn thương nếu đối phương tiếp tục có hành động quân sự.
Iran tuyên bố sẽ đáp trả mạnh mẽ các cuộc không kích của Israel hồi cuối tháng 10. Theo đó, lãnh tụ tối cao Iran Ali Khamenei nhấn mạnh Mỹ và Israel "chắc chắn sẽ nhận lại phản ứng dữ dội vì những gì họ đã làm chống lại" Iran và Mặt trận kháng chiến, ám chỉ các nhóm được Tehran hậu thuẫn ở khắp Trung Đông.
Tuy nhiên, đòn tấn công trực tiếp của Iran vào Israel sẽ dẫn đến việc Israel đáp trả giữa lúc Tehran được cho đang mất đi khả năng chống đỡ.
Các quan chức và giới chuyên gia cho rằng, vụ không kích quy mô lớn của Israel vào Iran hôm 26/10 đã nhắm vào mạng lưới phòng không tích hợp, và các địa điểm sản xuất tên lửa đạn đạo của Tehran. Điều này đồng nghĩa với việc Iran rất dễ bị tổn thương trước đòn tấn công quân sự tiếp theo của Israel.
Hôm 3/11, chia sẻ với Business Insider, một quan chức an ninh Israel giấu tên khẳng định cuộc không kích vào những mục tiêu quân sự của Iran hôm 26/10 là "rất chính xác, hiệu quả, và mạnh mẽ". Ông nói thêm, đòn tấn công đã "nhắm chính xác" vào hệ thống radar và phòng không của Iran, khiến nước này rơi vào cảnh "bất lợi".
Cụ thể, Israel đã tấn công một số S-300, hệ thống tên lửa đất đối không do Nga sản xuất và được coi là hệ thống phòng không tiên tiến nhất mà Iran đang vận hành. Có khả năng Tehran hiện không có bất kỳ hệ thống S-300 nào còn hoạt động.
Các nhà phân tích tại Viện Nghiên cứu chiến tranh tại Washington từng nhận định, đòn tấn công trả đũa của Israel đã "làm suy yếu đáng kể" hệ thống phòng không tích hợp của Iran, và giúp các cuộc tấn công trong tương lai của Israel trở nên "dễ dàng và ít rủi ro hơn".
Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant cũng ám chỉ nước này có thể có thêm hành động quân sự chống lại Iran trong tương lai. Ông khẳng định, các cuộc tấn công vào mạng lưới phòng không của Iran đã tạo ra "sự bất lợi lớn cho đối phương, khi chúng tôi muốn tấn công tiếp".
Ngoài việc làm suy yếu hệ thống phòng không của Iran, Israel còn gây thiệt hại đáng kể cho năng lực sản xuất tên lửa đạn đạo của nước này. Hình ảnh vệ tinh cho thấy, đòn tấn công của Israel đã gây ra thiệt hại tại một số cơ sở quân sự có liên quan đến chương trình phát triển tên lửa của Tehran.
Quan chức an ninh Israel giấu tên cho biết thêm, thiệt hại đối với các cơ sở sản xuất tên lửa của Iran là rất lớn, và khả năng sản xuất tên lửa đạn đạo mới của Tehran có thể bị trì hoãn ít nhất vài năm. Tuy nhiên, các nhà phân tích dự đoán sự chậm trễ có thể là ngắn hơn, chỉ vài tháng cho đến một năm.
Cũng theo ông, việc giới hạn năng lực sản xuất tên lửa có nghĩa là kho vũ khí tên lửa đạn đạo của Iran bị giới hạn ở mức hiện tại, và sẽ ảnh hưởng tới những tính toán của nước này về khả năng trả đũa Israel. Còn hiện tại, Tehran được cho là có hàng nghìn tên lửa đạn đạo, mà hàng trăm trong số này đã được phóng vào Israel trong các cuộc tấn công ngày 13/4 và 1/10.
Trong hoàn cảnh hiện nay, bất kỳ phản ứng nào của Iran cũng có thể đẩy Trung Đông vào tình trạng hỗn loạn hơn. Nó cũng có thể kéo quân đội Mỹ, lực lượng đóng vai trò tích cực trong việc bảo vệ Israel khỏi các cuộc tấn công của Iran, lún sâu hơn vào xung đột.
Gần đây, Mỹ đã điều thêm một hệ thống phòng thủ tên lửa tiên tiến đến Israel, và triển khai thêm tàu chiến, tiêm kích, máy bay tiếp dầu, máy bay ném bom tầm xa tới khu vực. Phát ngôn viên Lầu Năm Góc nhấn mạnh, hành động này nhằm “bảo vệ công dân và lực lượng Mỹ tại Trung Đông, bảo vệ Israel, và giảm leo thang thông qua răn đe và ngoại giao".