Khả năng chi trả thấp - bài toán khó cho ngành ôtô

Trong quý 2, ngành ôtô đối mặt với tình trạng doanh số ì ạch, trong bối cảnh các công ty đang phải chi mạnh cho sản xuất xe điện và xe chạy bằng khí đốt.

Dây chuyền sản xuất ôtô tại nhà máy của General Motors ở Detroit, Michigan (Mỹ). (Ảnh: AFP/TTXVN)

Dây chuyền sản xuất ôtô tại nhà máy của General Motors ở Detroit, Michigan (Mỹ). (Ảnh: AFP/TTXVN)

Giới đầu tư đang quay lưng với cổ phiếu của các nhà sản xuất ôtô trong tuần này, sau khi những báo cáo lợi nhuận quý 2 cho thấy tình trạng doanh số ì ạch và giá cao trên toàn ngành, trong bối cảnh các công ty này đang phải chi mạnh cho sản xuất xe điện và xe chạy bằng khí đốt.

Mỗi công ty đều có những vấn đề riêng, nhưng điểm chung của nhiều công ty là lượng xe tồn kho tại các đại lý ngày càng tăng, buộc họ phải giảm giá nhiều hơn để bán cho người mua, giữa lúc ngân sách hộ gia đình đang eo hẹp.

Ford Motor Co. dẫn đầu đà giảm trong nhóm cổ phiếu ôtô, với báo cáo lợi nhuận quý 2 giảm do bị lỗ trong mảng xe điện và chi phí bảo hành cao.

Cổ phiếu của công ty này đã giảm 20% trong tuần này. Các công ty khác như General Motors, Tesla, Stellantis và Nissan cũng chứng kiến cổ phiếu của giảm khoảng 8% hoặc thậm chí nhiều hơn.

Ông Carlos Tavares, Giám đốc điều hành của Stellantis, cho biết cơn bão lớn trong ngành ôtô mà ông cảnh báo nhiều năm qua đã đến, và ngành này sẽ rơi vào tình trạng hỗn loạn.

Ngay sau khi đại dịch COVID-19 lan rộng trên toàn thế giới vào năm 2020, các nhà sản xuất ôtô đã phải giảm tốc độ hoạt động của các nhà máy do tình trạng thiếu chip máy tính trên toàn cầu.

Vào thời điểm đó, những người mua có thu nhập cao nhưng không thể chi tiêu cho du lịch hoặc nhà hàng đã bắt đầu trả giá cao hơn giá niêm yết cho các loại xe đắt tiền có nguồn cung hạn chế.

Với sản lượng bị hạn chế, các nhà sản xuất ôtô đã tập trung sản xuất những loại xe đắt tiền, và giá xe đã tăng vọt gần 27% so với mức trước đại dịch.

Xu hướng này tiếp tục cho đến cuối năm ngoái, giúp các công ty và đại lý kiếm được lợi nhuận lớn dù doanh số bán hàng thấp hơn bình thường.

Nhưng khi các nguồn cung chip trở lại, các nhà sản xuất ôtô gia tăng sản lượng và hàng tồn kho tại các đại lý ở Mỹ tăng lên khoảng 1,8 triệu chiếc vào thời điểm cách đây một năm. Bây giờ con số này lên gần 3 triệu chiếc, vẫn cao nhưng còn thấp hơn một triệu chiếc so với mức trước đại dịch.

Vấn đề đối với ngành ôtô là họ vẫn tiếp tục sản xuất những chiếc xe đắt tiền được trang bị nhiều tùy chọn - trong khi hầu hết người mua thu nhập cao đã mua xe mới rồi.

Những người mua còn lại hiện không có khả năng mua được những sản phẩm mà các đại lý có sẵn trong kho vì giá và lãi suất cao.

Giờ đây, lượng lợi nhuận lớn thu được từ những chiếc xe bán tải và xe thể thao đa dụng (SUV) đắt tiền được dùng để phát triển và chế tạo xe điện đang bắt đầu giảm dần.

Theo dữ liệu từ Edmunds.com, giá trung bình của một chiếc xe mới ở Mỹ đạt đỉnh vào tháng 12 năm ngoái ở mức 48.408 USD. Con số này đã giảm nhẹ xuống còn 47.616 USD vào tháng trước. Các mức giảm giá, vốn không đáng kể hoặc thậm chí không tồn tại trong vài năm qua, đã tăng lên mức trung bình 1.819 USD mỗi xe vào tháng Sáu.

Khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nâng lãi suất, lãi suất vay mua ôtô mới trung bình tăng từ mức thấp 4,1% vào tháng 12/2021 lên 7,3% vào tháng trước. Điều đó làm tăng khoản thanh toán hàng tháng trung bình lên 739 USD/tháng, với thời hạn vay trung bình gần sáu năm, theo Edmunds.

Giá trung bình của xe đã qua sử dụng tăng vọt hơn 50% so với trước đại dịch lên mức đỉnh điểm là 31.095 USD vào tháng 4/2022. Edmunds cho biết giá xe cũ đã giảm xuống còn 27.277 USD vào tháng Sáu, khi giá xe mới bắt đầu giảm.

Lợi nhuận của Stellantis bị ảnh hưởng bởi hoạt động kém ở Bắc Mỹ.

Ông Tavares cho biết giá xe của công ty quá cao, khiến người mua tiềm năng quay lưng mà không cần nghe về các chương trình vay lãi suất thấp và những chương trình giảm giá khác.

Ông cho biết khách hàng của Stellantis cần các sản phẩm nằm trong khả năng chi trả của họ hơn.

 Xe ôtô của Toyota tại trung tâm phân phối xe của hãng ở cảng Long Beach, Mỹ. (Ảnh: Getty Images/TTXVN)

Xe ôtô của Toyota tại trung tâm phân phối xe của hãng ở cảng Long Beach, Mỹ. (Ảnh: Getty Images/TTXVN)

Ông Tavares cho biết những yêu cầu như vậy đã đặt Stellantis vào tình thế khó khăn giữa việc giảm giá và áp lực lạm phát đối với doanh nghiệp.

Theo ông, Stellantis phải giảm chi phí để duy trì biên lợi nhuận ở mức giá thấp hơn - điều mà tất cả các nhà sản xuất ôtô hiện đang phải đối mặt.

Ông Tavares dự đoán rằng cơn bão trong ngành ôtô có thể kéo dài vài năm và có thể khiến một số nhà sản xuất ôtô thất bại.

Ông Sam Abuelsamid, chuyên gia phân tích của Guidehouse Insights, cho biết nhiều nhà sản xuất ôtô, đặc biệt là GM, Ford và Stellantis, đã bỏ những mẫu xe giá rẻ cỡ nhỏ và thậm chí là cỡ trung từ năm hoặc sáu năm trước, khiến các công ty này hầu như không còn gì để bán cho những người muốn mua xe có giá phải chăng. Một số công ty, như GM, vẫn cung cấp những mẫu xe SUV nhỏ hơn có giá phải chăng. Nhưng những công ty không có xe giá rẻ giờ đây có thể sẽ gặp khó khăn hơn so với các đối thủ cạnh tranh.

Các nhà phân tích trong ngành dự đoán những nhà sản xuất ôtô sẽ giảm giá hơn nữa, Fed có khả năng cắt giảm lãi suất vào cuối năm nay và sang năm tới.

Vì vậy, ông Eric Lyman, chuyên gia của công ty theo dõi giá xe Black Book, cho rằng nếu có thể, người mua không cần vội vàng mua xe mới hoặc xe đã qua sử dụng, cho đến khi giá xe cũng như lãi suất giảm xuống./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/kha-nang-chi-tra-thap-bai-toan-kho-cho-nganh-oto-post966957.vnp
Zalo