Quy hoạch, phục hồi Di tích Quốc gia đặc biệt Thành cổ Quảng Trị

Chính phủ vừa phê duyệt Nhiệm vụ lập Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích Quốc gia đặc biệt Thành cổ Quảng Trị và những địa điểm lưu niệm sự kiện 81 ngày đêm năm 1972.

Ngày 1/5, Văn phòng UBND tỉnh Quảng Trị thông tin, Phó Thủ tướng Chính phủ Mai Văn Chính vừa ký Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 29/4/2025 phê duyệt Nhiệm vụ lập Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích quốc gia đặc biệt Thành cổ Quảng Trị và những địa điểm lưu niệm sự kiện 81 ngày đêm năm 1972.

Tượng đài Di tích Quốc gia đặc biệt Thành Cổ Quảng Trị

Tượng đài Di tích Quốc gia đặc biệt Thành Cổ Quảng Trị

Phạm vi nghiên cứu lập quy hoạch trên khu vực có diện tích khoảng 454,15 ha; thuộc địa giới hành chính các phường 1, phường 2, phường 3 và phường An Đôn (thị xã Quảng Trị), xã Hải Phú (huyện Hải Lăng), xã Triệu Trạch và xã Triệu Trung (huyện Triệu Phong), tỉnh Quảng Trị; là không gian bao quanh các khu vực có liên quan đến Di tích Quốc gia đặc biệt Thành cổ Quảng Trị và những địa điểm lưu niệm sự kiện 81 ngày đêm năm 1972.

Mục tiêu lập quy hoạch di tích nhằm bảo tồn, phát huy giá trị các di tích gắn với sự kiện lịch sử 81 ngày đêm năm 1972; tôn vinh tinh thần bất khuất, sự hy sinh anh dũng của quân và dân ta để bảo vệ từng tấc đất quê hương; giáo dục cho thế hệ sau về lòng yêu nước. Đồng thời cụ thể hóa Quy hoạch tỉnh Quảng Trị thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1737/QĐ-TTg ngày 29/12/2023.

Xây dựng chiến lược, kế hoạch, lộ trình và các nhóm giải pháp tổng thể quản lý, đầu tư xây dựng, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích gắn với phát triển du lịch, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Theo quyết định của Chính phủ, đối tượng nghiên cứu lập quy hoạch gồm: Các di tích, điểm di tích thành phần thuộc Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Thành cổ Quảng Trị và những địa điểm lưu niệm sự kiện 81 ngày đêm năm 1972, tỉnh Quảng Trị; các giá trị lịch sử - văn hóa, kiến trúc của các di tích.

Các di sản văn hóa phi vật thể: Các lễ hội truyền thống, văn hóa, phong tục tập quán, tín ngưỡng của người dân địa phương nơi có di tích. Công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích; cơ sở hạ tầng kỹ thuật, đô thị; các yếu tố về kinh tế - xã hội, môi trường liên quan tới di tích; các thể chế và chính sách, các quy hoạch, kế hoạch, đề án, dự án có liên quan. Vị trí, vai trò, mối liên hệ giữa Di tích quốc gia đặc biệt Thành cổ Quảng Trị và những địa điểm lưu niệm sự kiện 81 ngày đêm năm 1972 với các di tích, công trình, địa điểm du lịch khác trong tỉnh Quảng Trị và vùng lân cận để kết nối, phát triển du lịch...

Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Thành Cổ Quảng Trị

Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Thành Cổ Quảng Trị

Quyết định của Chính phủ nêu rõ, UBND tỉnh Quảng Trị có trách nhiệm bố trí nguồn vốn, phê duyệt dự toán chi phí lập quy hoạch và các chi phí khác có liên quan đến công tác lập quy hoạch; phân công cơ quan chủ đầu tư; lựa chọn đơn vị tư vấn lập quy hoạch theo đúng quy định của pháp luật.

Các Bộ, ngành, cơ quan liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao và quy định hiện hành có trách nhiệm phối hợp với UBND tỉnh Quảng Trị trong quá trình nghiên cứu, tổ chức lập quy hoạch bảo đảm chất lượng, tiến độ, hiệu quả; phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đồ án quy hoạch theo quy định.

Hữu Thành

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/quy-hoach-phuc-hoi-di-tich-quoc-gia-dac-biet-thanh-co-quang-tri-post1738839.tpo
Zalo