Kết thúc thí điểm Mobile Money, doanh nghiệp kiến nghị nâng quy mô giao dịch vượt quá 10 triệu đồng

Đến 31/12/2024, chương trình thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile Money) sẽ kết thúc, nhà mạng kiến nghị khi xây dựng nghị định nên nâng quy mô giao dịch vượt quá 10 triệu đồng/tháng/tài khoản...

Đề xuất cho phép liên thông giữa các tài khoản Mobile-Money của các doanh nghiệp.

Đề xuất cho phép liên thông giữa các tài khoản Mobile-Money của các doanh nghiệp.

Ngân hàng Nhà nước vừa có báo cáo tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện thí điểm dịch vụ Mobile Money theo Quyết định số 316/QĐ-TTg ngày 09/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ và đề xuất xây dựng Nghị định để tạo khuôn khổ pháp lý chính thức về hoạt động cung ứng dịch vụ Mobile-Money.

TỶ LỆ TÀI KHOẢN MOBILE MONEY HOẠT ĐỘNG ĐẠT GẦN 66,5%

Theo Ngân hàng Nhà nước, đến cuối tháng 9/2024, tổng số khách hàng đăng ký và sử dụng dịch vụ Mobile-Money là hơn 9,87 triệu khách hàng. Trong đó, Viettel chiếm 73%, VNPT-Media chiếm 21%, MobiFone chiếm 6%. Số lượng khách hàng đăng ký và sử dụng dịch vụ ở nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo là gần 7,1 triệu khách hàng (chiếm 71,73% tổng số khách hàng đăng ký và sử dụng dịch vụ). Tổng số tài khoản Mobile-Money đang hoạt động đến cuối tháng 9/2024 là hơn 6,56 triệu tài khoản, đạt tỷ lệ khoảng 66,46% tổng số tài khoản đăng ký.

Nguồn: Ngân hàng Nhà nước.

Nguồn: Ngân hàng Nhà nước.

Đến cuối tháng 9/2024, có 11.939 điểm kinh doanh Mobile Money được thiết lập trên cả nước (Viettel chiếm 64%, VNPT-Media chiếm 29%, MobiFone chiếm 7%). Số lượng điểm kinh doanh thuộc vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo là 7.529 điểm, chiếm khoảng 63% tổng số điểm kinh doanh được thiết lập.

Số lượng điểm kinh doanh liên tục tăng, tuy nhiên tốc độ tăng giảm dần so với thời gian đầu (do thời gian đầu, các doanh nghiệp đã nỗ lực phát triển số lượng điểm kinh doanh để triển khai dịch vụ, khi đạt đến một số lượng nhất định thì việc phát triển thêm các điểm kinh doanh có thể sẽ hạn chế hơn).

Nguồn: Ngân hàng Nhà nước.

Nguồn: Ngân hàng Nhà nước.

Đến cuối tháng 9/2024, có 275.970 đơn vị chấp nhận thanh toán Mobile Money được thiết lập trên cả nước, trong đó Viettel chiếm 65,86%, VNPT-Media chiếm 34,07%, MobiFone chiếm 0,07%. Các đơn vị chấp nhận thanh toán chủ yếu cung ứng dịch vụ thiết yếu như điện, nước, giáo dục, viễn thông, dịch vụ công,...

Sỡ dĩ số lượng đơn vị chấp nhận thanh toán nhiều là do (Viettel, VNPT-Media) đã thực hiện kết nối thanh toán cho Cổng dịch vụ công quốc gia. Theo đó, dịch vụ Mobile-Money có thể được sử dụng để thanh toán cho tất cả các đơn vị chấp nhận thanh toán có kết nối thông qua Cổng dịch vụ công quốc gia. Tổng số lượng thanh toán mua hàng hóa, dịch vụ tại đơn vị chấp nhận thanh toán bằng dịch vụ Mobile-Money đạt hơn 102 triệu giao dịch với giá trị giao dịch hơn 1.462 tỷ đồng.

Đến nay, cả 3 nhà mạng đều đảm bảo được việc duy trì số dư trên tài khoản thanh toán lớn hơn số dư của tất cả các tài khoản Mobile-Money của khách hàng.

Cụ thể, tổng số dư tài khoản Mobile-Money của VNPT-Media đến cuối tháng 9/2024 là hơn 11,9 tỷ đồng, tổng số dư tài khoản đảm bảo thanh toán tại ngân hàng đến cuối tháng 9/2024 là hơn 16,7 tỷ đồng. Tổng số lượng giao dịch qua tài khoản Mobile-Money của khách hàng tại VNPT-Media từ khi triển khai thực hiện thí điểm đến cuối tháng 9/2024 (bao gồm giao dịch nạp/rút/chuyển tiền/thanh toán) là hơn 8,57 triệu giao dịch với tổng giá trị giao dịch khoảng 2.049 tỷ đồng.

Tại Viettel, tổng số dư tài khoản Mobile-Money của khách hàng đến cuối tháng 9/2024 là hơn 49,62 tỷ đồng, tổng số dư tài khoản đảm bảo thanh toán tại ngân hàng đến cuối tháng 9/2024 của Viettel là hơn 81,5 tỷ đồng. Tổng số lượng giao dịch qua tài khoản Mobile-Money của khách hàng tại Viettel từ khi triển khai thí điểm đến cuối tháng 9/2024 (bao gồm giao dịch nạp/rút/chuyển tiền/thanh toán) là gần 148,71 triệu giao dịch với tổng giá trị giao dịch là hơn 3.330 tỷ đồng.

MobiFone xếp cuối bảng với tổng số dư tài khoản Mobile-Money của MobiFone đến cuối tháng 9/2024 là gần 1,412 tỷ đồng; tổng số dư tài khoản đảm bảo thanh toán tại ngân hàng đến cuối tháng 9/2024 của MobiFone là hơn 2,671 tỷ đồng. Tổng số lượng giao dịch qua tài khoản Mobile-Money của khách hàng tại MobiFone từ khi triển khai thí điểm đến cuối tháng 9/2024 là hơn 1,8 triệu giao dịch với tổng giá trị giao dịch hơn 305 tỷ đồng.

ĐỀ XUẤT NÂNG HẠN MỨC GIAO DỊCH MOBILE MONEY

Các doanh nghiệp thực hiện thí điểm dịch vụ Mobile Money được thực hiện thí điểm đến hết ngày 31/12/2024. Sau thời điểm ngày 31/12/2024, các doanh nhiệp thực hiện thí điểm sẽ phải tạm dừng cung ứng dịch vụ nếu chưa có quy định pháp lý/chính sách quản lý phù hợp. Do đó, các doanh nghiệp thực hiện thí điểm kiến nghị cơ quan quản lý nhà nước xây dựng, ban hành hành lang pháp lý chính thức đối với dịch vụ này.

Với hạn mức quy định hiện nay không quá 10 triệu đồng/tháng/tài khoản Mobile-Money cho tổng các giao dịch: rút tiền, chuyển tiền và thanh toán, các doanh nghiệp thực hiện thí điểm cho rằng chưa phù hợp với thu nhập và hoạt động kinh doanh của người dân.

Ngân hàng Nhà nước cho biết các doanh nghiệp thực hiện thí điểm đề xuất mở rộng đối tượng khách hàng đăng ký và sử dụng dịch vụ Mobile Money (không bị giới hạn bởi điều kiện số thuê bao di động phải có thời gian kích hoạt và sử dụng liên tục trong ít nhất 3 tháng liền kề tính đến thời điểm đăng ký mở và sử dụng dịch vụ Mobile-Money) để những khách hàng có nhu cầu đăng ký sử dụng dịch vụ không phải chờ đợi.

Với hạn mức quy định hiện nay là không quá 10 triệu đồng/tháng/tài khoản Mobile-Money cho tổng các giao dịch: rút tiền, chuyển tiền và thanh toán, các doanh nghiệp thực hiện thí điểm cho rằng chưa phù hợp với thu nhập và hoạt động kinh doanh của người dân hiện nay, chưa thu hút được khách hàng, khách hàng không nhận thấy được lợi ích, tính thuận tiện của Mobile - Money so với các dịch vụ khác.

Các doanh nghiệp thực hiện thí điểm đề xuất tăng hạn mức giao dịch lớn hơn 10 triệu đồng/tháng/tài khoản Mobile-Money cho tổng các giao dịch: Rút tiền, chuyển tiền và thanh toán.

Các doanh nghiệp thực hiện thí điểm cho biết còn gặp một số khó khăn (thời gian, nguồn lực, chi phí…) trong việc trực tiếp ký hợp đồng với từng đơn vị chấp nhận thanh toán; chưa tận dụng được mạng lưới hạ tầng thanh toán sẵn có. Các doanh nghiệp thực hiện thí điểm đề xuất được phát triển đơn vị chấp nhận thanh toán thông qua các ngân hàng, tổ chức trung gian thanh toán được Ngân hàng Nhà nước cấp phép.

Doanh nghiệp cũng phản ánh việc phát triển điểm kinh doanh còn gặp một số khó khăn: tốn nhiều chi phí, nguồn lực trong việc tiếp cận do khoảng cách địa lý khi phát triển điểm kinh doanh ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa; Việc quy định điểm kinh doanh là pháp nhân có thể ảnh hưởng đến khả năng phát triển số lượng điểm kinh doanh, đặc biệt là điểm kinh doanh ở vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Trong đó, Viettel, VNPT-Media đề xuất sửa đổi quy định liên quan đến việc điểm kinh doanh là pháp nhân.

Ngoài ra, Viettel, VNPT-Media đề xuất về việc xem xét, có cơ chế cho phép liên thông giữa các tài khoản Mobile-Money của các doanh nghiệp thực hiện thí điểm; theo đó, khách hàng có thể chuyển tiền giữa các tài khoản Mobile-Money của doanh nghiệp thí điểm này với doanh nghiệp thí điểm khác.

Viettel đề xuất cho phép mở rộng nghiệp vụ nạp, rút, chuyển tiền giữa tài khoản Mobile-Money và thẻ trả trước để tạo thuận lợi hơn trong quá trình sử dụng dịch vụ. Viettel cũng kiến nghị cho phép khách hàng được lựa chọn phương thức xác thực giao dịch hoặc không sử dụng phương thức xác thực giao dịch đối với các giao dịch thường xuyên, định kỳ (như thanh toán điện, nước, viễn thông, phí giao thông …).

Hoàng Lan

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/ket-thuc-thi-diem-mobile-money-doanh-nghiep-kien-nghi-nang-quy-mo-giao-dich-vuot-qua-10-trieu-dong.htm
Zalo