Kết thúc hoạt động cấp huyện như thế nào?
Các đơn vị hành chính cấp huyện sẽ kết thúc hoạt động từ ngày 1/7 sau khi nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2025 (sửa đổi) có hiệu lực.
Kết thúc hoạt động của cấp huyện từ 1/7/2025
Theo Nghị quyết 60 ngày 12/4, Ban Chấp hành Trung ương đồng ý chủ trương tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp gồm cấp tỉnh (tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương), cấp xã (xã, phường, đặc khu trực thuộc tỉnh, thành phố).
Các đơn vị hành chính cấp huyện sẽ kết thúc hoạt động từ ngày 1/7 sau khi nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2025 (sửa đổi) có hiệu lực.

Trụ sở UBND huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai (Ảnh: Duy Phương)
Theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương, cấp huyện bao gồm huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương. Toàn quốc hiện có 696 đơn vị hành chính cấp huyện. Khi bỏ cấp hành chính này, toàn bộ cơ cấu tổ chức và biên chế cấp huyện sẽ được tổ chức lại theo hướng chuyển giao nhiệm vụ về cấp xã và cấp tỉnh.
Theo dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) được trình tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, dự kiến chuyển gần như tuyệt đối nhiệm vụ, quyền hạn của cấp huyện hiện hành về cấp xã mới, đồng thời, sẽ tiếp tục phân cấp nhiệm vụ, quyền hạn từ cấp tỉnh xuống cấp xã.
Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, nhiệm vụ của cấp xã mới sắp tới sẽ rất nặng. Qua rà soát có 90/99 nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương cấp huyện sẽ chuyển giao cho cấp xã, 9 nhiệm vụ, quyền hạn còn lại của cấp huyện sẽ chuyển cho cấp tỉnh khi tổ chức mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, bỏ cấp huyện.
Về số lượng biên chế, Báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội và các đại biểu Quốc hội về xử lý vấn đề phát sinh khi sắp xếp bộ máy nhà nước do Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà thay mặt Chính phủ ký ban hành nêu rõ, cơ bản giữ nguyên biên chế của UBND cấp tỉnh, cấp huyện sau sắp xếp, bảo đảm ổn định để đi vào hoạt động.
Sau sắp xếp tổ chức bộ máy, hệ thống chính trị, nhất là khối hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập phấn đấu giảm tối thiểu 20% công chức, viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước.
Trước mắt giữ nguyên số lượng biên chế cán bộ cấp huyện và cấp xã hiện có trước sắp xếp để bố trí cho các đơn vị hành chính cấp xã mới sau sắp xếp. Trong đó, đội ngũ lãnh đạo, quản lý của hệ thống chính trị cấp huyện hiện nay được bố trí làm nòng cốt tại các đơn vị cấp xã mới. Song song với đó, các đơn vị sẽ tiến hành rà soát, tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, bảo đảm trong thời hạn 5 năm cơ bản theo đúng quy định.
Về số lượng cấp phó của các cơ quan, tổ chức khi sắp xếp tổ chức bộ máy có thể nhiều hơn số lượng tối đa theo quy định hiện hành nhưng cũng phải đảm bảo đúng quy định sau 5 năm thực hiện. Dự kiến biên chế bình quân của mỗi đơn vị hành chính cấp xã khoảng 32 người (không bao gồm biên chế thuộc khối Đảng, Mặt trận và các đoàn thể).

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà
Trước đó, Trung ương đồng ý tinh gọn bộ máy Tòa án nhân dân (TAND), Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) và tổ chức lại hệ thống này gồm 3 cấp: TAND và VKSND tối cao, cấp tỉnh, cấp khu vực. Kết thúc hoạt động của TAND, VKSND cấp cao và cấp huyện. Các tổ chức đảng ở địa phương được tổ chức tương ứng với hệ thống hành chính cấp tỉnh, xã. Cùng với đó, đảng bộ cấp huyện sẽ kết thúc hoạt động.
Giảm bớt sự cồng kềnh
Tại cuộc họp cho ý kiến về tình hình, tiến độ thực hiện Nghị quyết Trung ương 11 khóa XIII, các kết luận về sắp xếp tổ chức bộ máy và đơn vị hành chính các cấp tổ chức ngày 3/5, Bộ Chính trị, Ban Bí thư cho biết, đến nay đã hoàn thành việc lấy ý kiến nhân dân về các đề án sắp xếp, sáp nhập cấp tỉnh và cấp xã với tỷ lệ đồng thuận trung bình đạt khoảng 96%. Tất cả HĐND cấp huyện, cấp xã và HĐND cấp tỉnh trong cả nước đã ban hành nghị quyết thông qua các đề án với tỷ lệ đồng thuận đa số đạt 100%.
Trên cơ sở tổng hợp đề án của các địa phương cho thấy, về số lượng đơn vị hành chính cấp xã, dự kiến sau sắp xếp, cả nước giảm từ 10.035 xuống còn hơn 3.320 đơn vị (tương đương 66,91%).
Về tổ chức đảng ở địa phương, dự kiến kết thúc hoạt động của 694 đảng bộ huyện và hơn 4.160 cơ quan, đơn vị trực thuộc cấp ủy cấp huyện; điều chuyển hơn 22.350 biên chế từ cấp huyện về công tác tại cấp xã, góp phần thực hiện mô hình hành chính mới và chủ trương hướng mạnh hoạt động về cơ sở, địa bàn dân cư.
Tính đến ngày 10/3, các địa phương giảm 1.454 cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện (tương ứng giảm 17,5%). Từ ngày 1/7/2025 sẽ giảm 100% cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện.
Để bảo đảm triển khai hiệu quả, không làm gián đoạn việc quản lý, theo dõi, tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp khi kết thúc hoạt động của chính quyền địa phương cấp huyện và tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký ban hành văn bản số 500 về việc phân định thẩm quyền giải quyết thủ tục hành chính của chính quyền cấp huyện.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ khẩn trương hoàn thành việc rà soát đối với 346 thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của chính quyền cấp huyện theo ý kiến kết luận của Thủ tướng Chính phủ.
Các bộ, ngành cần chủ động ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền để thực hiện việc cắt giảm, phân định thẩm quyền giải quyết thủ tục hành chính của chính quyền cấp huyện, hoàn thành trước ngày 10/6.
Theo các chuyên gia, việc tinh gọn bộ máy chính quyền địa phương theo hướng không tổ chức cấp huyện là một bước đi quan trọng nhằm nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước, tạo điều kiện cho chính quyền địa phương hoạt động chủ động và hiệu quả, phục vụ tốt nhất lợi ích của nhân dân.
Việc không tổ chức cấp hành chính trung gian (cấp huyện) nếu được thực hiện tốt sẽ giúp giảm bớt sự cồng kềnh trong hệ thống hành chính nhà nước, đồng thời tạo ra một mô hình hành chính tinh gọn, linh hoạt, phù hợp với yêu cầu phát triển trong bối cảnh hiện nay.