Kết quả khả quan từ mô hình nuôi dê bán thâm canh ở Tân Lập

Tận dụng lợi thế sẵn có của địa phương, sau khi nghiên cứu điều kiện thực tế cũng như áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, học hỏi kinh nghiệm từ các vùng khác, năm 2022, Hội Nông dân xã Tân Lập, huyện Hướng Hóa định hướng, tư vấn và hỗ trợ cho hội viên kiến thức, kinh nghiệm trong việc xây dựng mô hình chăn nuôi dê bán thâm canh. Sau một thời gian ngắn triển khai, bước đầu mô hình đem lại kết quả khả quan, đang được nhân rộng ở địa phương.

Lãnh đạo xã, Hội Nông dân, cán bộ nông nghiệp xã Tân Lập đánh giá bước đầu mô hình điểm nuôi dê bán thâm canh ở địa phương - Ảnh: N.T

Lãnh đạo xã, Hội Nông dân, cán bộ nông nghiệp xã Tân Lập đánh giá bước đầu mô hình điểm nuôi dê bán thâm canh ở địa phương - Ảnh: N.T

Trước đây, nông dân Tân Lập chủ yếu chăn nuôi dê nhỏ lẻ và thả rông nên làm ảnh hưởng vệ sinh môi trường, cây cối hoa màu của các hộ dân địa phương. Quá trình chăn nuôi, dê tự kiếm thức ăn là chính nên phát triển chậm, khó kiểm soát dịch bệnh, hiệu quả kinh tế mang lại không cao.

Khi chuyển sang hình thức chăn nuôi bán thâm canh, dê vừa nuôi nhốt vừa thả vườn đồi với thời gian chăn thả khoảng 1,5-2 giờ mỗi ngày, tiết kiệm được công chăm sóc, công tìm nguồn thức ăn cho vật nuôi; tận dụng được các nguồn thức ăn đa dạng từ phụ phẩm nông nghiệp, như xác sắn, lá và thân cây chuối...Chuồng trại được xây dựng đảm bảo, mát về mùa hè, ấm về mùa đông, có máng ăn...

Bên cạnh đó, chủ các mô hình đều được trang bị kỹ thuật chăm sóc, chủ động trang bị thuốc phòng dịch cho vật nuôi. Chính vì thế, các mô hình chăn nuôi dê bán thâm canh ở xã bước đầu cho thấy phát triển rất thuận lợi, không bị dịch bệnh. Đặc biệt, mô hình này vừa kết hợp chăn nuôi dê thịt và dê giống để cung cấp cho các dự án hỗ trợ người nghèo chăn nuôi. Thị trường tiêu thụ ổn định nên người chăn nuôi yên tâm.

So với chăn nuôi một số loại con nuôi khác thì nuôi dê bán thâm canh mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Sau 2 năm khuyến khích xây dựng mô hình chăn nuôi dê bán thâm canh, đến nay trên địa bàn xã Tân Lập đã xây dựng được 4 mô hình quy mô lớn và 2 mô hình quy mô vừa với tổng đàn thường xuyên từ 300 - 500 con, điển hình như mô hình gia đình anh Nguyễn Văn Túc, anh Hoàng Quang Ngưỡng ở thôn Tân Tài, mô hình của gia đình anh Đặng Ngọc Bằng ở thôn Tân Trung...

Từ kết quả bước đầu này, Hội Nông dân xã Tân Lập đã tham mưu chính quyền địa phương xây dựng kế hoạch đánh giá bước đầu và rút kinh nghiệm để có hướng nhân rộng mô hình, trước hết là nhân rộng tại các bản người đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Hội tăng cường công tác tuyên truyền, vận động hội viên là đồng bào DTTS chuyển đổi sản xuất phù hợp, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, trong đó có mô hình nuôi dê bán thâm canh.

Gia đình ông Hồ Văn Căm, người dân tộc Vân Kiều ở bản Cồn là hộ đầu tiên được Hội Nông dân xã Tân Lập chọn hỗ trợ xây dựng mô hình điểm chăn nuôi dê bán thâm canh ở vùng đồng bào DTTS sau khi rút kinh nghiệm từ hiệu quả các mô hình ở vùng người Kinh. Với hình thức Hội Nông dân xã hỗ trợ vật dụng xây dựng chuồng trại, một phần kinh phí về con giống và hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc theo phương châm “cầm tay chỉ việc”, gia đình đối ứng để đầu tư con giống với tổng đàn ban đầu là 15 con.

Nhờ chủ động ứng dụng kiến thức khoa học kỹ thuật, sự phối hợp chặt chẽ giữa Hội Nông dân và chủ mô hình nên sau thời gian 8 tháng, đàn dê phát triển thuận lợi, không bị dịch bệnh, sinh sản nhanh, phát triển tổng đàn lên hơn 40 con. Nếu như trước đây, gia đình ông Hồ Văn Căm chỉ tập trung chăm sóc 1,5 ha sắn và 6 con bò, thì giờ đây, mô hình chăn nuôi dê bán thâm canh đã giúp gia đình ông tận dụng được thời gian nông nhàn cũng như nguồn phụ phẩm từ nông nghiệp làm thức ăn cho vật nuôi, đồng thời tăng thu nhập đáng kể cho gia đình.

Ông Hồ Văn Căm phấn khởi nói: “Nhờ được hướng dẫn đầy đủ nên tôi chăm sóc đàn dê rất thuận lợi. Cách nuôi như thế này tôi có thể kết hợp đi làm thêm được nhiều việc khác, rất lợi công. Tôi sẽ cố gắng chăn nuôi tốt để nhân rộng đàn, phát triển kinh tế gia đình”.

Để mô hình chăn nuôi dê bán thâm canh ở địa phương ngày càng phát huy hiệu quả, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Lập Nguyễn Trung Hiếu cho hay: “Trong thời gian tới, Hội Nông dân xã phối hợp với UBND xã nhân rộng mô hình nuôi dê bán thâm canh đến nông dân bản Làng Vây và Bản Bù. Qua đó, nhằm giảm dần cách chăn nuôi thả rông làm ảnh hưởng đến việc trồng trọt, gây ô nhiễm môi trường, đồng thời giúp nông dân phát triển kinh tế và giảm nghèo bền vững.

Ngọc Trang

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/ket-qua-kha-quan-tu-mo-hinh-nuoi-de-ban-tham-canh-o-tan-lap-189891.htm
Zalo